Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Làm giàu từ chăn nuôi: Không khó

Cập nhật: 14/03/2013

Bằng những mô hình chăn nuôi thỏ, bò sữa, rắn, kì đà… nhiều người dân đã làm giàu cho chính mình và quê hương. Họ là những nhân chứng chứng minh cho việc làm giàu ở nông thôn không hề khó.


Giàu nhờ nuôi thỏ


Sau khi phải tiêu hủy hàng ngàn chim bồ câu do dịch cúm gia cầm, ông Ông Phạm Ngọc Xuân (nhà số 700/39, khu phố 2, phường An Phú Đông, TP.HCM) tiến hành tìm hiểu thị trường và bắt đầu nghề nuôi thỏ. Từ vài cặp giống mà ông phải lặn lội ra tận Sơn Tây để mua về thử nghiệm, nay đàn thỏ của ông đã lên tới ngàn con.

Bên cạnh giữ cho trang trại thỏ luôn sạch sẽ, khang trang đúng tiêu chuẩn kĩ thuật, mô hình nuôi thỏ của ông Xuân cũng khác xưa: Tận dụng chuồng nuôi bồ câu để nuôi thỏ, cứ 200m - 250m2 thì nuôi được hơn 800 con; cho thỏ uống nước bằng hệ thống nước tự động khi cần thiết và có pha thuốc vắc xin ngừa bệnh; với những con thỏ vào mùa sinh sản, cho phối một lần, canh ngày tháng và nuôi riêng; cám của thỏ có đầy đủ rau xanh, chất khoáng đa lượng, vi lượng hạn chế mầm bênh mà trọng lượng thỏ tăng nhanh. Theo kinh nghiệm của ông Xuân, nếu nuôi thỏ bằng rau xanh thì phải mất 3 tháng thì thỏ mới đạt trọng lượng 2 - 2,5kg, còn nuôi bằng cám phối hợp với rau xanh theo liều lượng thích hợp thì chỉ mất 2 tháng.

Hiện nay, trại thỏ của ông Xuân có gần 1000 con với tất cả 8 giống thỏ, chuyên cung cấp giống cho các trang trại chăn nuôi vệ tinh trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, mỗi ngày ông còn cung cấp 100kg thịt cho các nhà hàng, lợi nhuận bình quân lên tới 150 - 200 triệu đồng/năm. Với những thành tích đã đạt được, ông Xuân đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen năm 2003, kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam"; Bằng khen của Trung ương Hội Làm vườn và nhiều bằng khen, giấy khen của Hội nông dân và nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi.

Đi lên từ đàn bò

Với 75 con, đàn bò sữa của anh Nguyễn văn Tiến (ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi) đang là điển hình cho các trang trại nuôi bò sữa ở địa phương, nơi có đàn bò sữa cao nhất TP.HCM. Đàn bò của anh đã giúp anh giữ mức thu nhập ổn định trên 250 triệu đồng/năm.

Anh Tiến chia sẻ: “Khi mới bước vào chăn nuôi bò sữa, tôi rất lo lắng vì lúc bấy giờ, kỹ thuật chăn nuôi và công tác khuyến nông còn rất hạn chế. Tôi cũng chưa nắm rõ quy trình chăn nuôi và chăm sóc đàn bò như thế nào để đạt hiệu quả tốt. Đến khi được Hội nông dân huyện hỗ trợ về kinh nghiệm và cho đi học các lớp tập huấn về chăn nuôi bò sữa do thành phố tổ chức thì mọi việc mới tiến triển tốt hơn”. Mô hình trang trại của anh Tiến được tổ chức hết sức chặt chẽ, nguồn cỏ dồi dào. Nhờ thế, sữa được sản xuất đạt chất lượng tốt, chất thải cũng được tận dụng để sản xuất biogas thân thiện với môi trường. Không chỉ thế, mỗi năm, sản phẩm của anh Tiến đều nằm trong hệ thống cung cấp sữa cho công ty Công ty Vinamilk.

Trong chăn nuôi bò sữa, công tác lai tạo giống và thức ăn chăn nuôi mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Anh tâm sự: “Để đầu tư một trang trại bò sữa không đơn giản, không chỉ cần vốn mà mình còn cần phải hiểu biết các kỹ thuật chăn nuôi như xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng lứa tuổi, nắm bắt một số bệnh thường gặp và cách phòng tránh, tiêm vắcxin theo định kỳ để giúp đàn bò phát triển tốt hơn”. Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ về giống cũng như kinh nghiệm của Hội nông dân huyện, không chỉ cá nhân anh Tiến mà nhiều hộ nông dân khác trong vùng đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi bò sữa vì không tốn công sức nhiều và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông chủ trại kỳ đà

Là kỹ sư hóa, giảng viên trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhưng anh Đoàn Kim Sơn (quê ở Tiền Giang) lại có duyên với nghề chăn nuôi. Khởi nghiệp từ một trại nuôi ếch nho nhỏ, đến nay anh đã làm chủ hai trang trại chuyên cung cấp kì đà, chồn hương, rắn, lươn, ếch.

Qua nhiều lần thất bại, ếch chết, kì đà cũng không sống được bao lâu, anh Sơn quyết tâm lặn lội lên Đồng Nai, cùng người quen vào rừng tìm hiểu môi trường sống và cách sinh sản của kỳ đà. Cùng với kinh nghiệm học hỏi được từ những người bạn làm bác sĩ thú y, anh mượn đất của gia đình xây chuồng, nuôi kỳ đà trên quy mô lớn, kết hợp với nuôi ếch, vừa cung cấp thịt cho thị trường, vừa làm nguồn thức ăn cho kì đà. Sau đó, anh bắt đầu nuôi thêm rắn ráo trâu, rắn ri voi, chồn hương, dần phát triển cơ sở của mình. Hiện nay, anh Sơn đang là chủ của hai trang trại ở 64/6D Ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn và 100B Ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, Tiền Giang.

Song song với việc sản xuất con giống, anh Sơn còn cung cấp cho thị trường nội địa hơn 18 tấn thịt mỗi năm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân ở các tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Nam Định và xuất khẩu 4 - 5 tấn kỳ đà thịt sang Trung Quốc. Anh cho biết, kỳ đà giống bán với giá 450.000đ/kg, nhưng không đủ cung cho thị trường. Trong khi đó nuôi kỳ đà thịt, cho ăn, chăm sóc tốt thì chỉ vài tháng là đạt trọng lượng 3,5 - 4kg/con, giá bán từ 380.000 - 450.000đ/kg.

Với những kết quả đã đạt được, năm 2012, anh Đoàn Kim Sơn vinh dự nhận được giải thưởng Lương Đình Của do TW Đoàn trao tặng. Trong tương lai, anh Sơn sẽ tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi ở nhiều vùng khác nhau, tạo chỗ đứng mạnh mẽ trên thị trường.

Nuôi trăn - nuôi chơi ăn thiệt

Ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đang rộ lên phong trào nuôi trăn. Tuy mang tính tự phát và chỉ dừng lại ở mức chăn nuôi theo hộ gia đình nhưng nghề nuôi chơi ăn thiệt này cũng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Anh Trần Thanh Liêm, một trong những hộ nuôi trăn giỏi nhất trong vùng chia sẻ: Trăn là vật nuôi hiền lành, không độc nhưng đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Nuôi trăn không tốn kém như nuôi heo, thậm chí “10 con heo còn không bằng một con trăn”. Anh cho biết thêm: nếu nuôi trăn theo đúng kỹ thuật, ăn uống đầy đủ thì chỉ 7 tháng là trăn có thể có trọng lượng khoảng 6 kg, và cứ mỗi tháng lại tăng 1 kg. Giá trăn cho loại 6 kg chuẩn là 240.000 đồng/1 kg. Như thế, nếu mỗi năm xuất chuồng khoảng 20 con trăn thì anh cầm chắc lãi hơn 35 triệu đồng, cho dù trăn chết cũng có thể thu hồi vốn được.

Ở thôn quê, nguồn thức ăn cho trăn khá đơn giản, dễ tìm, không tốn kém nhiều và cũng không cần phải cho ăn mỗi ngày. Thông thường, thức ăn trăn chủ yếu là do đánh bắt như chuột, hoặc mua từ ngoài chợ như chân gà, đầu gà… Hệ thống chuồng trại cũng khá đơn giản , chỉ cần bỏ ra chừng khoảng 1 triệu là đã có một cái chuồng chắc chắn, an toàn. Anh Liêm cho xây dựng chuồng bằng xi măng, xung quanh có bọc lưới chì, có máng để nước cho trăn, khoảng 1 tuần thì vệ sinh chuồng một lần. Anh còn tách ra nuôi riêng những con trăn đẹp để lấy giống cho sinh đẻ, nhưng khả năng ấp nở chưa cao, chủ yếu là phục vụ cho gia đình chăn nuôi.

Hiện nay, nghề nuôi trăn chỉ mang tính tự phát, theo hộ gia đình nên chưa thực sự có sự đầu tư từ các cấp chính quyền. Người dân phải tự tìm nguồn trăn giống từ các thương lái đến từ Vĩnh Long, Cần Thơ, vì chưa có cán bộ chuyên sâu kĩ thuật nuôi trăn trong vùng nên có tự nhân giống thì khả năng cũng không cao. Việc tìm đầu ra cho con trăn cũng gặp khó khăn, người dân thường xuyên bị ép giá. Tuy buôn bán trăn chỉ mang hình thức nhỏ, lẻ nhưng đem lại nguồn lãi cao cho người dân. Mong rằng những chính sách mới của Nhà Nước có thể hỗ trợ người dân trong vùng để họ có thể phát triển và nhân rộng hơn nghành chăn nuôi trăn.

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại Hà Nam
Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại Hà Nam
Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại Hà Nam

17/07/2014, 22:01 (GMT+7) Cty FrieslandCampina Công ty FrieslandCompina Việt Nam vừa khởi công xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Một số giống ngỗng tại Việt Nam
Một số giống ngỗng tại Việt Nam
Một số giống ngỗng tại Việt Nam

(Người Chăn Nuôi) - Những năm gần đây, ngỗng được nhiều hộ dân chọn là đối tượng nuôi chính bởi dễ nuôi, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là các nhà hàng đặc sản.

Thử nghiệm vaccine phòng bệnh lao bò
Thử nghiệm vaccine phòng bệnh lao bò
Thử nghiệm vaccine phòng bệnh lao bò

(Người Chăn Nuôi) - Dự kiến thời gian tới đây, các thử nghiệm tiêm vaccine phòng bệnh lao bò (bTB) sẽ được triển khai ở Anh và xứ Wales. Nếu thành công, vaccine này sẽ có khả năng ngăn chặn khoảng 40.000 gia súc bị giết thịt mỗi năm, giảm...