1. Nguyên nhân
Bệnh gây ra do virus thuộc nhóm Coronavirus, nhóm virus này gây bệnh cho gà ở các lứa tuổi nhưng ở gà con mẫn cảm nhất. Khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng kém thì gà hay bị mắc bệnh.
2. Truyền lây
Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Gà bệnh hắt hơi bắn virus ra ngoài không khí, gà lành hít phải sẽ mắc bệnh. Từ không khí, virus nhiễm vào thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi… dễ gây nhiễm bệnh cho gà khoẻ. Bệnh có thể truyền lây qua trứng.
3. Triệu chứng
Thời kỳ ủ bệnh từ 18 - 36 giờ. Bệnh xuất hiện nhanh, tấn công vào đàn gà trong thời gian ngắn.
Bệnh ở gà con: Thường biểu hiện nặng, lúc đầu gà bệnh mệt mỏi, kém ăn, sổ mũi, hay hắt hơi, há mồm để thở, ho có tiếng kêu ran. Bệnh gây viêm màng tiếp hợp mắt làm chảy nước mắt và mắt sưng. Gà tụ lại ở dưới đèn sưởi, lông sù, phân loãng, giảm trọng lượng.
Gà trên 6 tuần tuổi: Có triệu chứng giống với ở gà con nhưng không có dịch nước mũi, có trường hợp không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp bệnh nặng, ở gà lớn có hiện tượng phù hầu.
Gà đẻ: Bên cạnh các triệu chứng hô hấp thì giảm sản lượng trứng rõ rệt, có con ngừng hẳn đẻ, trứng gà bệnh thường biến dạng, giòn, dễ vỡ.
4. Bệnh tích
Gà con: Niêm mạc mũi, khí quản sung huyết, phù và trên bề mặt có phủ một lớp niêm dịch nhớt lẫn bọt. Niêm mạc phế quản và lòng phế nang sung huyết, chứa dịch thẩm xuất có fibrin. Phổi viêm, thận sưng nhạt màu, trong lòng các ống thận có muối urate lắng đọng.
Gà trưởng thành: Khí quản sung huyết màu hồng, có nhiều dịch nhầy và túi khí có bọt. Ở gà đẻ, buồng trứng teo, trứng non bị vỡ trong xoang bụng.
5. Chẩn đoán
Dựa vào triệu chứng lâm sàng và bệnh tích qua mổ khám.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh: Newcastle thể mạn tính, Viêm thanh khí quản truyền nhiễm, bệnh do Mycoplasma.
Phân lập virus trong phòng thí nghiệm và kiểm tra hàm lượng kháng thể trong huyết thanh.
6. Phòng và trị bệnh
Bệnh chưa có thuốc điều trị nên để phòng bệnh cần phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh dịch tễ, cách ly triệt để. Thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y tiêu độc chuồng trại khi thay đàn mới.
Đối với đàn gà mắc bệnh có thể sử dụng các loại kháng sinh có hoạt phổ rộng để ngăn chặn vi trùng kế phát như: Gentamycine, Kanamycine, Chloramphenicol… kết hợp bổ sung vitamin B, C để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Dùng vaccin phòng bệnh theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh CRD là bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ở gà, phổ biến trong chăn nuôi gà công nghiệp và nuôi tập trung
Do virus thuộc nhóm Avipox gây ra. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, lúc tiết trời khô. Gà con 1 - 3 tháng rất cảm nhiễm với bệnh.
Bệnh Lymphoid - Leukosis hay còn gọi là bệnh máu trắng, là bệnh truyền nhiễm của gà gây bởi Leuko virus. Bệnh chỉ phát ra ở gà trên 4 tháng tuổi làm cho gà giảm đẻ, thiếu máu và có khối u.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET