Khẩu phần ăn bổ sung Vitamin A, E mang lại kết quả tốt trong chăn nuôi gia cầm
(Người Chăn Nuôi) - Bổ sung Vitamin A, E vào khẩu phần ăn của gà đẻ trong môi trường nắng nóng mùa hè có thể tăng năng suất trứng, hỗ trợ sức khỏe vật nuôi và tỷ lệ biến đổi thức ăn.
Cảnh báo sốc nhiệt
Tăng cường chất dinh dưỡng như axit amin và vitamin rất quan trọng để giảm bớt tác động có hại từ nhiệt độ cao của môi trường lên khả năng tiêu thụ thức ăn và nhu cầu trao đổi chất của vật nuôi.
Trong một dự án hợp tác, nhóm chuyên gia dinh dưỡng từ Mỹ, Pakistan, Trung Quốc và Ai Cập đã sử dụng Vitamin A, E để tác động lên sức khỏe của gia cầm cùng sản lượng và chất lượng trứng khi vật nuôi phải sống trong môi trường dễ bị sốc nhiệt.
Kết quả cho thấy, phụ gia thức ăn đã cải thiện tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR). Tuy nhiên, chất lượng trứng không thay đổi, dù một số chỉ số chất lượng máu của gia cầm đã thay đổi khi bổ sung vitamin vào thức ăn của vật nuôi. Nhóm chuyên gia kết luận, khẩu phần ăn bổ sung Vitamin A, E dưới dạng tách riêng hay hỗn hợp đều mang lại kết quả tốt trong việc giảm thiểu những tác động có hại của nắng nóng tới sức khỏe của vật nuôi; cuối cùng cải thiện hiệu suất tăng trưởng.
Thử nghiệm
Trong giai đoạn thử nghiệm, 135 con gà mái được cho ăn theo một trong 9 khẩu phần suốt 12 tuần, nhiệt độ môi trường dao động 31,5 - 30,9°C. Khẩu phần ăn cơ bản chứa 17,5% protein thô (CP), 2.800 kcal Me/kg và bổ sung Vitamin A theo các liều lượng 8.000 hoặc 16.000 IU/kg. Khẩu phần ăn cũng được bổ sung Vitamin E dạng este (DL-Alpha tocopheryl acetate) theo tỷ lệ 250 và 500 mg Vitamin E/kg thức ăn.
Theo dõi lượng ăn vào của gia cầm hàng tuần, ghi lại trọng lượng và số lượng trứng theo ngày; tính toán FCR, năng suất trứng và khối lượng trứng đầu ra. Hàng tháng, lựa chọn trứng để đánh giá chất lượng trong và ngoài quả trứng gồm hình dáng, độ dày vỏ, chỉ số Haugh, tỷ lệ lòng đỏ, lòng trắng và vỏ.
Mẫu máu cũng được thu gom từ các con gia cầm được tuyển chọn để phân tích số lượng tế bào bạch cầu (WBC), dung tích hồng cầu (PCV), lượng huyết sắc tố (HB) và tỷ lệ % các tế bào heterophils, lymphocytes, monocytes, basophils và eosinophils. Ngoài ra, phân tích nhiều chất chuyển hóa có trong huyết gồm triiodothyronine (T3), thyroxine (T4), aspartate transferase (AST), alanine transferase (ALT), protein, lòng trắng trứng, lipid, cholesterol và canxi.
Kết quả
Bổ sung 8.000 Vitamin A vào khẩu phần ăn của gia cầm giúp cải thiện lượng ăn vào. Nhưng nếu bổ sung ở hàm lượng cao hơn lại làm gia cầm ăn kém hơn. Tuy nhiên, sự cải thiện FCR được ghi nhận ở tất cả loại thức ăn bổ sung Vitamin A. Sản lượng trứng ở gia cầm ăn bổ sung Vitamin A tăng đáng kể so nhóm đối chứng. Ở hàm lượng 8.000 và 16.000 IU/kg thức ăn, Vitamin A còn cải thiện FCR suốt mùa nắng nóng.
Bổ sung quá nhiều Vitamin E có thể làm gia cầm ăn kém đi, mặc dù FCR vẫn được cải thiện tốt do Vitamin E có đặc tính kháng ôxy hóa đã thúc đẩy vật nuôi tiêu thụ thức ăn và trao đổi chất đồng thời bảo vệ gan và các bộ phận khác trước các tác động ôxy hóa do nhiệt.
Tuy nhiên, gia cầm không ăn bổ sung 2 loại vitamin trên (0 Vitamin A x 0 Vitamin E) tiêu thụ nhiều thức ăn hơn (126,1 g/ngày) so nhóm thử nghiệm khác, nhưng kết quả FCR lại kém nhất (2,67). Gia cầm ăn bổ sung 16.000 IU Vitamin A + 500 mg Vitamin E đạt FCR tốt nhất so với nhóm khác.
Vitamin A làm giảm hình dáng trứng theo chỉ số giá trị, còn Vitamin E giúp tăng độ dày vỏ trứng. Tỷ lệ vỏ và lòng đỏ, độ dày vỏ và chỉ số Haugh tăng nhờ bổ sung Vitamin A.
Suốt giai đoạn nhiệt độ cao nhất, bổ sung Vitamin A không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào tới các thông số máu, ngoại trừ làm giảm PCV. Hoạt độ T4 và ALT cũng giảm, trong khi AST huyết tương lại tăng khi bổ sung nhiều Vitamin A hơn vào thức ăn. Bổ sung vitamin làm giảm huyết tương của lòng trắng, tổng cholesterol và lipids trong khi làm tăng nồng độ globulin và canxi.
Vitamin E làm tăng số lượng bạch cầu và giảm bạch cầu ái kiểm. Trong huyết tương, Vitamin E ảnh hưởng tốt đến protein, cholesterol, lipid nhưng không thay đổi đáng kể các chất chuyển hóa máu.
Sự kết hợp giữa 0 IU Vitamin A + 500 mg E/kg trong thức ăn cho giá trị PCV và HB cao nhất so các nhóm còn lại. Số lượng tế bào lymphocyte cao nhất được ghi nhận trong máu ở những con gia cầm được ăn bổ sung 8.000 Vitamin A + 250 mg Vitamin E/kg thức ăn.
Kết hợp 8.000 IU/kg thức ăn Vitamin A + 0 mg/kg Vitamin E cho kết quả số lượng bạch cầu cao nhất so các nhóm còn lai. Gà được ăn bổ sung 16.000 IU Vitamin A + 250 mg Vitamin E/kg có số lượng tế bào eosinophin trong máu tăng cao hơn các nhóm còn lại.
Như vậy, kết hợp 2 loại vitamin này trong thức ăn sẽ tạo ra hiệu lực tổng hợp và thúc đẩy chức năng miễn dịch ở vật nuôi. Chế độ ăn bổ sung Vitamin A và E làm giảm các tác động có hại của nhiệt độ cao xung quanh. Sự kết hợp 16.000 IU Vitamin A + 500 mg Vitamin E/kg thức ăn được cho là tối ưu để đạt năng suất trứng tốt hơn khi nuôi gia cầm trong mùa nắng nóng.
Tại sao lựa chọn Vitamin A, E?
Vitamin E giảm ôxy hóa lipid và có tác dụng kháng ôxy hóa suốt quá trình sốc nhiệt. Vitamin này cần thiết cho sự tăng trưởng, sự phát triển chức năng sinh sản của vật nuôi.
Tăng lượng Vitamin A trong thức ăn cho gà đẻ có hỗ trợ sự phát triển bình thường của các cơ quan sinh sản và tính toàn vẹn của lớp màng khi gà được nuôi trong điều kiện nắng nóng. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, Vitamin A hỗ trợ các đặc tính sinh sản và chất lượng trứng ở gà mái trong điều kiện sốc nhiệt.
Vitamin E được biết đến nhiều với vai trò kháng ôxy hóa và có thể mang lại lợi ích cho gà đẻ khi bị sốc nhiệt. Nhiều nghiên cứu trước đã chỉ ra rằng, khi gà đẻ được cho ăn bổ sung 40 IU/kg Vitamin E sẽ có lòng đỏ trứng tốt hơn.
Mi Lan
(Theo Animal Nutrition)
Có thể bạn quan tâm
Với 2 mẫu đất, ông dành gần 1 mẫu đào ao nuôi các loại cá truyền thống dễ nuôi, cho hiệu quả cao, đồng thời xây 1 dãy chuồng rộng hơn 800m2 nuôi lợn, gà, ngan, thỏ, chim bồ câu; diện tích còn lại ông tận dụng trồng hơn 50...
VOV.VN -Mấy năm gần đây, tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, mô hình chăn nuôi lợn gia công cho doanh nghiệp giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
(Người Chăn Nuôi) - Hội chứng còi cọc ở heo con sau cai sữa (PMWS) là một bệnh truyền nhiễm do một loại circovirus. Bệnh gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, làm giảm tổng khối lượng xuất chuồng khoảng 10 - 15%. Vì vậy, cần có những giải...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET