Phát triển chăn nuôi phải đảm bảo năng suất, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường
(Người Chăn Nuôi) - Sau chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2018, ngành chăn nuôi nước ta đã đạt được những thành tích vượt trội cả trong nuôi và xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất cập nhất định. Để ngành hàng này phát triển mạnh mẽ hơn nữa và bền vững, rất cần những chiến lược mang tính đột phá.
Thành tích đáng ghi nhận
Theo số liệu báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện chiến lược giai đoạn 2008 - 2018, ngành chăn nuôi đã đạt được nhiều thành tựu lớn: Chăn nuôi Việt Nam luôn phát triển với tốc độ cao, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp có xu hướng tăng nhanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu. Giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5,0 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn). Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu như: thịt heo choai, heo sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa…
Chưa kể, nhiều lĩnh vực chăn nuôi đã có vị thế cao như: chăn nuôi heo đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 Đông Nam Á; tạo sinh kế cho hơn 6 triệu nông hộ; thu hút ngày một nhiều doanh nghiệp tham gia chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Điều đó đã thúc đẩy cho xuất khẩu ngành hàng này tăng dần. Hiện, ngành chăn nuôi đã có nhiều sản phẩm đạt giá trị hàng trăm triệu USD như: heo sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa...
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành chăn nuôi cũng đã lộ ra khá nhiều tồn tại được nhận định là “kìm hãm” quá trình hiện đại hóa của ngành hàng này. Đơn cử như chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm chủ đạo, việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều bất cập nhất; chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn hạn chế…
Thay đổi để thích ứng
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, an ninh lương thực, vừa tạo sinh kế cho hàng chục triệu hộ nông dân.
Dự kiến đến năm 2030, dân số nước ta sẽ đạt gần 107 triệu người, mức thu nhập trên 10.000 USD và ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế đến, Việt Nam sẽ là thị trường lớn về sức tiêu dùng thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi. Hơn nữa, trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một mạnh, dịch bệnh phức tạp thì ngành chăn nuôi nước ta buộc phải thay đổi nhanh để thích ứng. Vì vậy, việc ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 là rất cần thiết.
Mục tiêu của Chiến lược này là phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi. Tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi.
Cụ thể, sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5,0 - 5,5 triệu tấn; đến năm 2030 đạt từ 6,0 - 6,5 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu từ 15 - 20% sản lượng thịt heo, từ 20 - 25% thịt và trứng gia cầm; Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18 - 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 - 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa; Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt vào năm 2025 từ 25 - 30%, vào năm 2020 là từ 40 - 50%…
Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu. Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 - 4%/năm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cho rằng, phát triển chăn nuôi phải gắn với nhu cầu thị trường. Đây là vấn đề rất khó, nên phải vừa đánh giá, dự báo, vừa cập nhật điều chỉnh kế hoạch kịp thời, theo đúng diễn biến; tránh đầu tư theo phong trào mà không có chiến lược, kế hoạch rõ ràng, cụ thể.
Hơn nữa, phát triển chăn nuôi phải đảm bảo năng suất, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường, phải theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cần coi trọng chăn nuôi truyền thống để duy trì những sản phẩm đặc thù nhằm gắn với du lịch.
>> Ngày 6/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1520/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2040. Chiến lược nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Phan Thảo
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thế nhưng, năm 2021 ngành chăn nuôi vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đàn vật nuôi phát triển rất nhanh. Để đảm bảo cho một năm 2022 thuận lợi và hiệu quả, ngay từ đầu năm...
Sau 6 năm học tập tại Trung Quốc, chàng trai trẻ thế hệ 9X Lý Viết Phúc, trú tại thôn Đồng Mông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) trở về quê hương tiếp quản trang trại gà giống của gia đình. Với cách làm mới, anh đang làm...
ĐBP - Hội Nông dân xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) có 35 chi hội với 1.435 hội viên. Là xã biên giới, có địa bàn rộng, nhiều dân tộc sinh sống nên điều kiện phát triển kinh - tế xã hội của một số hội viên còn gặp nhiều...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET