Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Chăm sóc gia cầm mùa nóng

Cập nhật: 10/06/2023, 14:24:44


Cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi để tạo sự thông thoáng. Ảnh: ST

(Người Chăn Nuôi) - Mùa nắng nóng gia cầm thường ăn kém, sức đề kháng giảm, năng suất thịt, trứng giảm. Đồng thời, các loại dịch bệnh dễ phát sinh, lây lan gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

Con giống và vận chuyển
Lựa chọn con giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, đủ điều kiện, không nhập ở những nơi đang có dịch bệnh. Khi vận chuyển gia cầm trong những ngày nắng nóng nên thực hiện vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu vận chuyển đường dài chú ý cho gia cầm nghỉ ngơi hợp lý, vào các thời điểm buổi trưa nên để gia cầm vào nơi mát, bổ sung thức ăn, nước uống cũng như kiểm tra sức khỏe con vật trong quá trình vận chuyển. Nên giãn mật độ nhốt gia cầm trên phương tiện vận chuyển, đồng thời che chắn làm mát cho gia cầm ngay trên phương tiện vận chuyển.

Chuồng trại và hệ thống làm mát
Hàng ngày phải vệ sinh sạch sẽ khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động. Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để tránh ruồi muỗi, côn trùng, không để nước đọng và định kỳ phun thuốc sát trùng để hạn chế, ngăn chặn mầm bệnh.

Chủ động che chắn chuồng trại để đảm bảo có độ phủ mát tốt. Thường xuyên kiểm tra hệ thống làm mát trong chuồng nuôi. Nên lắp đặt các hệ thống báo động tự động để kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố về kỹ thuật xảy ra.

Chế độ dinh dưỡng

Tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho con vật.

Đảm bảo nghiêm ngặt chế độ nước uống đủ và sạch cho gia cầm, những ngày nắng nóng nhu cầu cần nước trong cơ thể con vật là rất lớn nên tốt nhất là lắp đặt hệ thống nước uống tự động cho con vật trong chuồng nuôi. Hàng ngày kiểm tra thường xuyên lượng nước cung cấp và vệ sinh nguồn nước.

Mật độ nuôi
Những ngày nắng nóng cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Lưu ý trong chăn nuôi gia cầm, điều này rất quan trọng nhằm hạn chế dịch bệnh và các bệnh về hô hấp (mật độ trung bình chăn nuôi gà thịt tốt nhất là 6 - 8 con/m2).

Phòng bệnh
Cần kiểm tra việc tiêm phòng cho đàn gia cầm, trường hợp đến kỳ tiêm phòng phải tiêm phòng ngay để chủ động tạo miễn dịch cho đàn gia cầm. Chú ý kiểm tra đàn gia cầm khỏe mạnh mới tiêm phòng. Thời điểm tiêm phòng tốt nhất là vào sáng sớm và chiều mát để đảm bảo chất lượng vaccine, tránh phản ứng, tạo miễn dịch tốt cho con vật khi tiêm phòng.

Những ngày nắng nóng cần tăng cường hơn việc kiểm tra theo dõi đàn gia cầm. Trường hợp thấy gia cầm có những biểu hiện không bình thường cần tách đàn nhốt riêng để kiểm tra, theo dõi và điều trị. Nếu số lượng nhỏ (một vài con) không thấy biểu hiện lây lan thì áp dụng việc cho uống thuốc trợ sức trợ lực, tạo sự thoáng mát cho con vật, khi trở lại bình thường, con vật khỏe mạnh cho nhập đàn. Trường hợp thấy gia cầm có biểu hiện triệu chứng nặng (khó thở, ho, sốt, ủ rũ, đi lại không bình thường…) có biểu hiện lây lan, cần báo ngay cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Thái Thuận


Có thể bạn quan tâm

Hỗ trợ nông dân tái đầu tư chăn nuôi
Hỗ trợ nông dân tái đầu tư chăn nuôi
Hỗ trợ nông dân tái đầu tư chăn nuôi

Hiện nay, trên thị trường giá heo hơi tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Mức giảm sâu ghi nhận tại TP Cần Thơ, các tỉnh ÐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Vĩnh Long…

Nông dân đổi đời nhờ làm giàu từ nuôi dê
Nông dân đổi đời nhờ làm giàu từ nuôi dê
Nông dân đổi đời nhờ làm giàu từ nuôi dê

Người nông dân đã tìm cho mình một hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi dê, từng bướ đảm bảo cho một cuộc sống ổn định, vững chắc, tiến tới làm giàu.

Gà Đông Tảo hết thời 'sốt' giá
Gà Đông Tảo hết thời 'sốt' giá
Gà Đông Tảo hết thời 'sốt' giá

Nhiều hộ nuôi gà Đông Tảo trước đây bán mỗi đợt 1.000 - 3.000 con thì nay số lượng mua chỉ ở mức 200 - 300 con một tháng.