(Người Chăn Nuôi) - Ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng thời gian tới cần vươn lên và thích ứng với những biến đổi đang diễn ra mới phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Bức tranh chung
Ngành chăn nuôi gia cầm nước ta những năm qua phát triển không ngừng, tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm, đưa tổng đàn gia cầm trên 500 triệu con, sản lượng thịt đạt trên 1,2 triệu tấn và sản lượng trứng đạt trên 13 tỷ quả. Kết quả đó chứng minh rằng, ngành gia cầm đã đi đúng hướng với sự quan tâm thúc đẩy của Nhà nước về lĩnh vực giống, chế biến thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, cải tiến công nghệ thiết bị chăn nuôi, kỹ thuật nuôi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách, thể chế. Tuy vậy ngành vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định: Hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ và thống nhất để đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, hiện đại và bền vững. Tổ chức sản xuất chăn nuôi vẫn còn chưa tốt, thiếu tính liên kết, quản trị kém, chi phí sản xuất sản phẩm chăn nuôi còn cao, đặc biệt sản phẩm chưa đa dạng về chủng loại, chất lượng, giá thành chưa có tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn sinh học trong chăn nuôi còn chưa hiệu quả, việc định hướng sản xuất, kiểm soát vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và môi trường trong chăn nuôi nông hộ còn gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở giết mổ nhiều địa phương còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu. Giá cả thị trường chưa ổn định, công tác thông tin nguồn cung cầu còn hạn chế.
Những bước phát triển
Tăng nhanh về số lượng và chất lượng, đổi mới nhanh về phương thức chăn nuôi và hiện đại hóa điều kiện chăn nuôi, nuôi dưỡng và an toàn dịch bệnh. Có nhiều doanh nghiệp sản xuất gia cầm được hình thành tạo mối liên kết khép kín trong chuỗi sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Hình thành các liên kết chuỗi trong sản xuất sản phẩm gia cầm và tiêu thụ sản phẩm gia cầm. Chuyển hướng dần từ tăng sản lượng sang tăng năng suất, chất lượng và giá trị. Sản phẩm gia cầm được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và đã bắt đầu được xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài.
Thuận lợi
- Có truyền thống và kinh nghiệm, được tiếp nhận khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Nguồn con giống dồi dào, chất lượng cao.
- Có nhiều giống quý chất lượng cao được nhập vào đang phát huy tác dụng. Nhiều giống bản địa quý hiếm chất lượng cao đang được duy trì và phát triển tốt.
- Nguồn thức ăn đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.
- Thiết bị chăn nuôi được ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới.
- Các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới và ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất.
- Nhà nước ưu tiên và chú trọng phát triển chăn nuôi nên môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi.
Thách thức
- Tập quán tiêu thụ sản phẩm gia cầm, hệ thống lưu thông sản phẩm gia cầm của người dân vẫn là một trong những thách thức lớn đối với ngành.
- Giết mổ chế biến sản phẩm còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng.
- Sản xuất và thị trường kết nối giữa các tác nhân còn yếu, mất cân đối cung cầu.
- Tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế, chi phí sản xuất cao giảm khả năng cạnh tranh, nhất là khi các hiệp định thương mại xuyên quốc gia bước vào thực thi.
- Nhiều bệnh dịch nguy hiểm vẫn còn xảy ra.
- Các tác động đến môi trường, bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm… đang là những vấn đề nan giải.
- Chính sách, thể chế chưa đồng bộ và kịp thời.
Hướng phát triển 10 năm tới
Thách thức
- Cạnh tranh ngày càng gay gắt về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả, đặc biệt là trước bối cảnh thời hội nhập.
- Dịch bệnh vẫn luôn đe dọa, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa và giao lưu rộng trên toàn thế giới.
- Yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh môi trường nên nhiều cơ sở sản xuất phải di dời và phải đầu tư nhiều hơn để đáp ứng vệ sinh môi trường.
Triển vọng
- Dồi dào nguồn nhân lực có chất lượng và kinh nghiệm.
- Chăn nuôi tập trung và chuyên nghiệp hóa hơn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và đầu tư thiết bị cho sản xuất chăn nuôi.
- Số lượng trang trại, doanh nghiệp sản xuất lớn được tăng dần và giảm dần các hộ nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả.
- Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh ngành gia cầm, Luật Chăn nuôi dần dần được thực thi.
- Xu thế tất yếu là chuỗi liên doanh, liên kết khép kín từ trang trại đến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
- Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa.
Những vấn đề cần đổi mới
Phát triển chuỗi giá trị
- Hình thành chuỗi sản xuất khép kín kết nối sản xuất - chế biến phân phối - thị trường.
- Tạo điều kiện để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Tăng giá trị gia tăng sản phẩm.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia chuỗi.
Đổi mới tổ chức sản xuất
- Xây dựng, kiến tạo các chuỗi kinh doanh gia cầm thành công gắn kết sản xuất với thị trường.
- Nhà nước bước đầu tạo thiết chế, thể chế tốt để thúc đẩy chuỗi sản xuất giá trị hàng hóa gia cầm phát triển hoàn thiện, bền vững.
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư giết mổ chế biến thành công đa dạng sản phẩm, sản phẩm chất lượng cao an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số thúc đẩy sản xuất hiệu quả và đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
>> Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, đối với ngành chăn nuôi gia cầm, cần tiếp tục duy trì chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín bền vững, hướng đến chế biến và chế biến sâu, cần chú trọng đến các giống gà bản địa...
TS. Phan Văn Lục
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Tình hình chăn nuôi trâu bò của nước ta trong 9 tháng năm 2023 không có biến động lớn.
Thứ bảy, 15/3/2014 09:14 GMT+7 Mỗi năm Hùng thu lãi tiền tỷ với mô hình chăn nuôi khép kín, từ việc nuôi con nái để gây giống, kinh doanh thuốc thú y, các loại cám cho lợn, mở lò mổ.
(Người Chăn Nuôi) - Cùng với các chính sách đúng đắn, ngành chế biến gia cầm của Ấn Ðộ có thể hấp thụ 50% nguyên liệu gia cầm sản xuất sản xuất trong nước trong 5 năm và nâng lên 80% trong 9 năm tới.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET