Ngành chăn nuôi đang bước vào chu kỳ mới với giá heo hơi dự kiến neo cao đến năm 2025. Ảnh: ST
(Người Chăn Nuôi) – 2024 là một năm không thực sự suôn sẻ của ngành chăn nuôi. Sản xuất trong nước nhiều biến động về giá bán, dịch bệnh và thiên tai. Cùng đó, sản phẩm chăn nuôi vẫn phải căng mình cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại đó, ngành chăn nuôi vẫn đảm bảo xuất khẩu khi kim ngạch tăng so với năm trước. Cùng nhìn lại nỗ lực của toàn ngành trong một năm nhiều sóng gió và hướng đến những kỳ vọng mới ở phía trước.
Tăng trưởng ấn tượng
Hiện nay, cả nước có tổng đàn heo hơn 27 triệu con và đàn gia cầm đạt 575 triệu con, đàn trâu, bò vẫn duy trì ổn định. Đây là nguồn cung thịt dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và tạo dư địa để xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê, trong 3 năm qua, Việt Nam luôn duy trì đàn heo đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi mỗi năm. Đàn gia cầm đứng top đầu thế giới, trong đó thủy cầm đứng thứ 2 (sau Trung Quốc). Sản lượng thịt gia cầm đạt 2,3 triệu tấn và 19,2 tỷ quả trứng. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á và thứ 12 thế giới.
Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với sản lượng và giá trị ngày càng tăng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu chăn nuôi đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Và 10 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 133,4 triệu USD, tăng 8,6%; xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 103,8 triệu USD, giảm 7,2%. Đáng chú ý là giá trị xuất khẩu thức ăn chăn nuôi trong 10 tháng đầu năm đạt 1,6 tỷ USD, như vậy, ngành chăn nuôi cũng mang về khoảng 2 tỷ USD.
Thêm vào đó, ngày càng có nhiều sản phẩm chăn nuôi được mở rộng xuất khẩu như mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến… Trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu mật ong lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Sự tăng trưởng ổn định của ngành chăn nuôi Việt Nam thêm khẳng định tầm quan trọng của ngành hàng này trong sản xuất và xuất khẩu. Sản phẩm chăn nuôi không chỉ đảm bảo cung cấp thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước, mà ngành chăn nuôi đang đóng góp ngày càng lớn vào việc đóng góp ngoại tệ cho nền kinh tế. Mục tiêu của ngành hàng này là giá trị xuất khẩu đạt từ 1 – 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 – 4 tỷ USD vào năm 2030 như đặt ra tại Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Tận dụng tối đa cơ hội
Theo Bộ NN&PTNT, dù còn nhiều thách thức, nhưng những tháng cuối năm 2024, ngành chăn nuôi có nhiều thuận lợi hơn so với các năm trước. Giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt giá thịt heo tăng, đảm bảo giúp chăn nuôi có lãi. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước tăng trưởng ở mức tăng 5,5%/năm, đầu ra cho chăn nuôi rộng mở hơn.
Tương lai của ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh giá thịt và sản phẩm chăn nuôi đang có xu hướng tăng, cùng với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng để các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có thể mở rộng thị phần xuất khẩu, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại được ký kết, nhiều cuộc đàm phán được triển khai.
Để vào nhóm xuất khẩu tỷ đô của ngành nông nghiệp, chăn nuôi cần phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ba giải pháp trụ cột để phát triển ngành chăn nuôi. Đó là ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sản xuất trong nước. Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Thứ ba là tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã và đang không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Các mô hình chăn nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đang được nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Triển vọng sáng trong xuất khẩu
Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành chăn nuôi đã đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định giá cả thị trường. Cùng đó, ngành và doanh nghiệp đang tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực trong việc đưa các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Đến nay, thịt lợn đã xuất đi các thị trường như Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc); thịt gà đã xuất đi Nhật Bản. Trong năm 2023, Việt Nam và Mông Cổ đã đàm phán và đồng ý cho phép xuất khẩu thịt gà chế biết, thịt gà tươi, trứng gà, thuốc thú y và vắc xin phòng bệnh động vật của Việt Nam sang Mông Cổ.
Cùng đó, năm 2024, Việt Nam đã thống nhất và ký được các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi sang Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao…
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, đơn vị đang tích cực đàm phán để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, châu Âu, Anh, các nước Trung Đông. Đồng thời, tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa.
Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại UAE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) của Việt Nam và UAE – là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Arab. Việc tăng cường hợp tác với khu vực Trung Đông cũng giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Halal, nơi có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn và phân khúc thị trường cao cấp. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng đang hướng tới thị trường tiềm năng này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang Halal, đó là thuốc, vắc xin thú y, thịt gà của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam… Tập đoàn De Heus cũng sẽ có sản phẩm thịt gà trong thời gian sớm nhất sang thị trường này.
Chăn nuôi gia cầm ngày một phát triển và dần tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới. Ảnh: CP Foods
Trước đó, Trung Quốc cũng đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm vào thị trường này. Với thị trường 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt lên tới khoảng 400 tỷ USD/năm, dư địa để xuất khẩu thịt sang Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với mặt hàng rau quả. Nếu Việt Nam ký được Nghị định thư về xuất khẩu thịt gia cầm và trong tương lai có thể tiếp tục đàm phán Nghị định thư về xuất khẩu thịt lợn, thì việc đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lên hàng tỷ USD/năm là hoàn toàn có thể.
Còn theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, đơn vị đang tiếp tục đàm phán với Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm. Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã thống nhất điều kiện về an toàn dịch bệnh đối với sản phẩm thịt gia cầm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Ngoài ra, trong năm 2024, Cục Thú y bắt đầu đàm phán với cơ quan thẩm quyền Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này.
Tình hình xuất khẩu của ngành chăn nuôi ngày càng rộng, tuy nhiên, giá trị mang lại chưa tương xứng với khả năng sản xuất trong nước, bởi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn vấp phải những đòi hỏi nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu. Theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), khi xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến động vật bắt buộc phải tuân thủ quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Thực hiện được điều này không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu của ngành chăn nuôi, mà còn đảm bảo hiệu quả sản xuất trong nước, nhất là khi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn nhiều nguy cơ. Vậy nhưng, nếu muốn đạt được mục tiêu như trong chiến lược, ngành chăn nuôi buộc phải hoàn thiện.
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam hàng năm đạt khoảng 545.000 – 550.000 tỷ đồng, tương đương 22 tỷ USD/năm. Hàng năm, ngành chăn nuôi đạt tổng sản lượng thịt hơn 7 triệu tấn (trong đó, thịt heo hơi 4,5 triệu tấn; thịt gia cầm 2,3 triệu tấn); 19,2 tỷ quả trứng gia cầm, sản lượng sữa tươi 1,2 triệu tấn…
Hồng Hà
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi cua, nuôi heo rừng, nuôi ong lấy mật, gần đây nhất là mô hình nuôi con dúi đang mang lại hiệu quả rất tốt.
(Người Chăn Nuôi) - Hệ thống thông minh là một cách tiếp cận sáng tạo dựa trên việc sử dụng tích hợp và chuyên sâu những tiến bộ gần đây để theo dõi, kiểm soát tự động và liên tục các quy trình cho heo ăn.
(Người Chăn Nuôi) - Ngành gia cầm tại Đông Âu đang đối mặt khủng hoảng lao động nghiêm trọng, gây ra bởi cơn sốt tuyển dụng sau đại dịch cùng các vấn đề về nhân khẩu học.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET