Đang làm kỹ sư xây dựng ở TPHCM với mức thu nhập không hề thấp, nhưng Võ Ngọc Sơn, chàng trai xứ Quảng bỗng dưng bỏ nghề, trở về quê lập trang trại bắt đầu nghề mới: Chăn nuôi.
Hẹn vài ba lần, tôi mới được anh chàng này đồng ý gặp ở trang trại chăn nuôi ở xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Hỏi ra mới biết, dù là chủ có cả chục người làm nhưng mọi việc điều do anh quán xuyến, từ mua thức ăn, bán sản phẩm đến chăm chút đàn gà, đàn heo ở trang trại của mình đều do anh đảm trách nên anh rất bận rộn.
Đàn heo thịt trong trang trại của Sơn
Dù đã hẹn trước nhưng khi vào đến trang trại, những người làm công mới đi gọi “anh kỹ sư xây dựng” từ ngoài chuồng vào. Giống như một anh kỹ sư chăn nuôi đúng nghĩa với quần áo lấm lem, Võ Ngọc Sơn chạy ra bảo: “Đợi em chút, em thay quần áo rồi tiếp mấy anh”.
Sơn kể, năm 2001 tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM chuyên ngành xây dựng. Khi ra trường, mục đích là kiếm thật nhiều tiền nên cứ chỗ nào lương cao thì “nhảy” đến. Cuộc sống ở TPHCM cũng thoải mái với thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, một ngã rẻ bất ngờ đến với Sơn vào năm 2013 khi về quê ở xã Duy Tân.
Sơn kể: “Năm 2013, trên đường về quê, mình đi ngang cánh đồng hoang vắng thuộc thôn Phú Nhuận ở xã Duy Tân rộng khoảng 10ha bỏ không. Đất này không thể trồng lúa hay hoa màu được nên mấy năm nay, huyện không thể giao cho ai trồng trọt. Chỉ có chăn nuôi là thích hợp nhưng chưa thấy ai đầu tư”.
Mạnh dạn hỏi lãnh đạo xã Duy Tân rồi làm việc với huyện. Không ngờ, khi nghe Sơn trình bày ý định sẽ mở trang trại chăn nuôi thì lãnh đạo huyện đồng ý liền và tạo điều kiện giao đất.
Khi được giao đất, Sơn tiến hành cải tạo và lập trang trại nuôi gà đẻ trứng làm nền tảng. Lúc đầu Sơn đầu tư 2 ngàn con gà, nhưng mọi việc không dễ dàng với chàng kỹ sư xây dựng vừa chân ướt chân ráo chuyển nghề. 2 ngàn con gà đẻ trứng không trụ nổi, trứng gà đẻ ra bán không đủ bù chi, lỗ liên tục.
Trang trại gà với 12 ngàn con đang đẻ trứng
“Cơ bản là do giá trứng bấp bênh và chưa có kinh nghiệm nên bị lỗ vốn. Đó cũng là bài học đầu tiên khi bước chân qua lĩnh vực trái với ngành đã học”, Sơn tâm sự.
Không nản chí, Sơn bàn với anh em trong HTX chuyển hướng đầu tư qua con heo vì “thịt heo không theo thời vụ như trứng hay thịt gà nên chắc chắn sẽ ổn hơn”. Với suy nghĩ như vậy nên Sơn quyết định đầu tư nuôi 300 heo thịt để thử nghiệm. Kết quả thật mỹ mãn, lứa heo đầu tiên nuôi có lãi, và cứ thế đến nay lúc nào trong chuồng của Sơn lúc nào cũng có 100 heo nái đẻ và đàn heo thịt 2.000 con gối đầu.
Tuy thất bại với con gà nhưng sau khi rút kinh nghiệm và bỏ công học hỏi nhiều nơi, đến nay trong chuồng của Sơn cũng có đàn gà lên đến 12 ngàn con đẻ trứng quanh năm. Sơn bảo giờ đã “có kinh nghiệm đầy mình rồi” nên không sợ lỗ nữa.
Theo tính toán, với 12 ngàn con gà đẻ mỗi ngày Sơn thu được 11 ngàn quả trứng. Với giá trứng bán sỉ khoảng 2.200 đồng mỗi quả thì mỗi năm Sơn bán 250 tấn trứng thu về khoảng 7,2 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, Sơn “bỏ túi” từ 70-80 triệu đồng một tháng.
Đối với đàn heo, bình quân mỗi năm Sơn xuất chuồng 200 tấn heo thịt với giá heo hơi 45 ngàn đồng/kg, mỗi năm Sơn thu về khoảng 9 tỉ đồng. Sơn cho biết, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm lãi khoảng hơn 1 tỉ đồng.
Với số vốn vay đầu tư ban đầu 7 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại, cải tạo đất, con giống... đến nay đã trả nợ còn hơn 2 tỉ đồng. “Cố gắng sang năm sẽ trả được hết nợ”, Sơn cho biết.
Theo Sơn, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn vì cái gì mình cũng muốn làm từ sản xuất con giống đến đầu tư sản xuất thức ăn để tự cấp tự túc. Sơn tính toán, mỗi ngày trang trại tiêu thụ 3 tấn thức ăn, mỗi tháng 90 tấn. Với giá thức ăn mà các công ty cung cấp cho trang trại chỉ cần lời từ 2-3 ngàn đồng một ký, nếu tự sản xuất được thì mỗi năm Sơn “lời” từ việc này tính ra cũng tiền tỉ. “Cái này ao ước nhưng chưa làm được vì không có vốn để đầu tư”, Sơn tâm sự.
Khó khăn nữa là ngành chăn nuôi cũng bấp bênh về giá. Chỉ cần tăng hay giảm vài ngàn đồng mỗi ký bán ra là có thể lãi hay lỗ hàng chục triệu đồng. Sơn cho hay, thị trường đầu ra cũng phụ thuộc vào thương lái, do thương lái quyết định giá chứ không phải thị trường. Ví dụ như giá thịt heo ngoài chợ bán cho người tiêu dùng vẫn ổn định nhưng giá heo hơi của thương lái mua tại trại thường hay trồi sụt thất thường.
Hơn nữa, chính những người chăn nuôi cũng đang “kiềm” nhau. Ví dụ, trang trại ông A cần vốn để xoay thì thương lái hạ xuống 1-2 giá cũng bán, trong khi chỉ cần các chủ trang trại liên kết với nhau cùng giữ giá thì cùng có lợi. Việc này khó giải quyết với nhau vì ai cũng có cái khó của mình.
Sơn tự hào hiện nay ngoài đàn gà và heo, trong trang trại còn nuôi 30 con trâu, 200 ngàn con cá dưới ao để tận dụng thức ăn thừa của heo, gà. Ngoài ra, Sơn đang đầu tư một trang trại heo quy mô 6 ngàn con ở xã Đại Tân (huyện Đại Lộc) và chuẩn bị xuống giống.
Hỏi về nghề xây dựng đã học, Sơn cười bảo: “Em hiện là anh chăn nuôi rồi, nghề xây dựng coi như đã quên rồi. Giờ em là kỹ sư chăn nuôi chứ không còn là kỹ sư xây dựng nữa”.
Công Bính
Có thể bạn quan tâm
Thứ sáu, 13/12/2013 14:33 GMT+7 Khoản tiền vay được từ một chương trình tài chính vi mô năm 2006 đã giúp anh Hoàng Trọng Hậu (Hưng Yên) phát triển trang trại gà, mang lại thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao trong chi phí sản xuất, do vậy, việc tìm ra những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cho vật nuôi là điều hết sức cần thiết.
Anh Nguyễn Thái Nhân, ở thị xã Thái Hòa, Nghệ An hiện đang có mô hình nuôi thỏ, lợn rừng giống... thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET