Người dân kiểm tra hệ thống quạt mát cho đàn lợn trong mùa nắng nóng (ảnh tư liệu)
Các biện pháp nhằm giúp bà con chủ động ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với đàn vật nuôi.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024, nắng nóng đến sớm và có xu hướng gay gắt hơn những năm trước. Số ngày nắng nóng năm nay có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm 2023, nhiều khả năng còn xuất hiện nhiệt độ cao nhất, vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Về thời gian nắng nóng ở miền Bắc tập trung từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm là tháng 5 đến tháng 7. Cùng với nắng nóng có thể xuất hiện mưa giông đột ngột. Các yếu tố môi trường thay đổi khó lường gây bất lợi cho sinh trưởng, phát triển của vật nuôi.
Để chủ động ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết và hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương đề nghị bà con bảo đảm các biện pháp sau:
Về chuồng trại chăn nuôi
– Phải bảo đảm sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi; thực hiện kiểm tra, làm mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống làm mát chuồng nuôi gia súc, gia cầm.
– Đối với chuồng nuôi khép kín cần thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống làm mát, quạt thông gió; chuẩn bị lưới đen che dàn mát, cửa sổ các chuồng khi có nắng chiếu vào, đặc biệt lưu ý khu nuôi gia súc mang thai, gia súc đẻ, gia cầm sinh sản.
– Chuẩn bị phương án phun xoay nước trên mái chuồng (đặc biệt cho các chuồng nuôi đã cũ, mái lợp bằng fibro xi măng), lắp hệ thống phun sương trong chuồng.
– Kiểm tra hệ thống phát điện bảo đảm hoạt động tốt, có phương án dự phòng khi có sự cố mất điện.
Về chăm sóc nuôi dưỡng
– Thường xuyên kiểm tra hệ thống cung cấp nước uống, luôn bảo đảm đủ lượng nước uống sạch, mát cho vật nuôi theo nhu cầu, không được để vật nuôi khát, nhất là gia súc tiết sữa, gia súc mang thai, gia cầm đẻ, con non.
– Thực hiện nuôi đúng mật độ:
+ Đối với chăn nuôi gia cầm: Nuôi úm: 50 – 60 con/m2; gia cầm có khối lượng từ 0,5 – 1 kg/con: 8 – 12 con/m2; gia cầm có khối lượng từ 2 – 3 kg/con: 3 – 5 con/m2. Nên thả gia cầm ra vườn, khu vực có nhiều cây bóng râm.
+ Đối với chăn nuôi lợn: Lợn đực giống 4 – 5 m2/con; lợn nái 2 m2/con, lợn nái hậu bị: 1,5 m2/con và lợn thịt là 0,7 – 1,2 m2/con.
+ Đối với chăn nuôi trâu, bò: Diện tích chuồng nuôi cá thể từ 4 – 5 m2/con, nếu chuồng nhốt chung thì diện tích tối thiểu cần đáp ứng là 2 m2/con trâu, bò trưởng thành; trâu, bò tơ là 1,5 m2/con; bê, nghé là 1 m2/con (không tính máng ăn, máng uống). Ngoài ra, diện tích sân chơi cho trâu, bò cái là 6 – 8 m2/con; bò tơ là 4 – 5 m2/con; bê, nghé là 3 – 4 m2/con. Không chăn thả và tắm cho gia súc vào các thời điểm nắng nóng trong ngày, dễ làm gia súc say nắng, thời gian chăn thả thích hợp vào buổi sáng (6 – 9 giờ) và chiều muộn (16 – 18 giờ).
– Bảo đảm chế độ dinh dưỡng tốt cho vật nuôi, trong đó chú trọng điều chỉnh tăng chất béo và giảm tinh bột trong khẩu phần ăn để hạn chế quá trình sinh nhiệt của vật nuôi; cho ăn thức ăn tinh vào sáng sớm và chiều tối; tăng cường bổ sung vitamin C, điện giải vào nước uống và thường xuyên thay nước mới cho vật nuôi.
Lưu ý: Đối với trâu, bò bảo đảm đủ lượng thức ăn thô xanh 15 – 35 kg/con/ngày và bổ sung thức ăn tinh (1 – 2,5 kg/con/ngày). Chăn nuôi gà đẻ tránh nuôi quá béo, trong ngày nóng giảm bớt lượng thức ăn tinh bột trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh, cám chất lượng tốt.
Tiêm vaccine phòng bệnh
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vaccine cho đàn gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng theo quy định. Thời gian tiêm phòng vào sáng sớm hoặc chiều tối; không nên tiêm quá nhiều loại vaccine cho một vật nuôi trong cùng một lần tiêm. Chủ động phát hiện, báo cáo cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý sớm các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm phát sinh theo quy định.
Giữ vệ sinh
Thường xuyên thu dọn, vệ sinh chuồng trại hàng ngày; thực hiện tiêu độc khử trùng trong và bên ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm xung quanh khu chăn nuôi, xử lý nơi khu trú, sinh sản của muỗi, côn trùng đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch bệnh…
Nguyễn Minh Đức, Chi cục Chăn nôi và Thú y tỉnh Hải Dương
Nguồn: Báo Hải Dương
Có thể bạn quan tâm
Bệnh gây ra do vi khuẩn Pasteurella multocida. Vi khuẩn có sức đề kháng mạnh, tồn tại rất lâu trong chuồng trại và đất ẩm thiếu ánh sáng. Bệnh xảy ra quanh năm và thường tập trung vào mùa mưa lúc khí hậu nóng ẩm và những lúc giao mùa...
Đảm bảo sự cân bằng tối ưu giữa năng lượng và protein trong khẩu phần ăn là điều cần thiết để duy trì sản lượng trứng.
Khi thiếu hụt chất khoáng so với nhu cầu, vật nuôi bị ảnh hưởng xấu, trước tiên là sức khỏe sau đó là năng suất và phẩm chất chăn nuôi. Vì vậy cần lưu ý đến việc đảm bảo bổ sung khoáng chất để dê nuôi phát triển tốt.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET