Khoản tiền vay được từ một chương trình tài chính vi mô năm 2006 đã giúp anh Hoàng Trọng Hậu (Hưng Yên) phát triển trang trại gà, mang lại thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trước năm 2006, kinh tế gia đình anh Hoàng Trọng Hậu (sinh năm 76) tại thôn Tam Đa, xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên gặp nhiều khó khăn và thuộc diện nghèo ở địa phương. Là người khuyết tật, lưng gù từ nhỏ nên bản thân anh cũng thường xuyên phải chi phí tốn kém cho việc khám chữa bệnh. Công việc chạy chợ của gia đình không đủ để trang trải nên anh quyết định tìm một hướng đi mới.
Nhận thấy việc nuôi gà Đông Tảo có tiềm năng, anh Hậu mày mò chọn giống rồi nuôi thí điểm 50 con loại để thịt. Tuy rất thành công nhưng anh quyết định trước mắt sẽ bán giá rẻ để tiếp thị sản phẩm. Anh chở gà đến bán tại cho các mối ở khu vực Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội. Từ đó thì có nhiều khách hàng có nhu cầu mua gà của anh.
Để có tiền mở rộng mô hình, sau đó anh Hậu đã huy động anh em họ hàng cho vay thêm nhưng không được. Bản thân không có tài sản thế chấp, anh cũng rất khó vay vốn ngân hàng. Lúc đó, anh được một người bà con mách nước đến vay từ Chương trình tài chính vi mô của tổ chức Tầm nhìn Thế giới. 2 triệu đồng là khoản tiền anh vay được lúc đó dưới hình thức tín chấp để mua 100 con gà mẹ và thức ăn chăn nuôi.
Anh Hậu hiện mở rộng mô hình nuôi ngan, gà, lợn, rắn... Ảnh: NVCC |
Chỉ 6 tháng sau, đàn gà bắt đầu đẻ trứng với số lượng trung bình 50 quả mỗi ngày và cho ra thành phẩm 30 con gà giống sau khi ấp. Từ đó, gia đình anh Hậu có thu nhập ổn định và tăng dần lên cùng với việc người đến đặt mua con giống cũng tăng lên.
Thỉnh thoảng gà con chết, trứng hỏng… anh lại tận dụng để nuôi thêm con rắn. Những người dân quanh vùng thấy việc nuôi gà Đông Tảo của anh Hậu làm ăn tốt nên cũng nuôi theo. Thấy nhu cầu lớn, anh lại quay ra nuôi gà đẻ để sản xuất gà giống, bán cho dân trong vùng.
Năm 2012, nhận thấy thị trường gà Đông Tảo bão hòa do số người nuôi đông, anh Hậu chuyển sang nuôi ngan. Anh cũng áp dụng kỹ thuật nuôi mới để chăm ngan nhằm hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, anh cũng tính toán, chọn thời điểm nuôi hiệu quả nhất.
Mỗi năm anh nuôi chỉ nuôi 2 lứa vào tầm cuối năm và tháng 2 âm lịch để tránh những mùa không được giá. Với số lượng mỗi đàn khoảng 1.500-2.000 con nuôi trong vòng 2,5 tháng là anh có thể xuất chuồng, bán buôn cho các thương lái ở khu vực Hải Phòng, Hà Nội. Anh nhẩm tính, sau khi trừ các chi phí, mỗi con ngan thịt anh được lãi khoảng 60.000 đồng.
Vào những tháng giữa năm, giá ngan thường không cao do phải cạnh tranh với vịt thả đồng. Anh Hậu chuyển sang nuôi gà và ngan giống để bán cho mối hàng tại Quảng Ninh, Khoái Châu (Hưng Yên). Mỗi tháng, cho xuất chuồng khoảng 1.000 con cả ngan và gà, lãi từ 5.000 đến 7000 đồng một con.
Nhiều dân trong huyện thấy mô hình chăn nuôi của anh Hậu khoa học, hiệu quả nên cũng làm theo. Đến nay, đã có hơn 20 người dân thực hiện mô hình gà Đông Tảo và đang có người đến học mô hình nuôi ngan thả sàn lưới nhựa của gia đình anh Hậu.
Để tính toán được hiệu quả, đến cuối năm thường anh Hậu cũng tổng kết công việc làm ăn của gia đình. Con số này tăng dần qua các năm .Năm 2010, doanh thu của nhà anh khoảng 451 triệu đồng, 2011 khoảng 500 triệu và đến 2012 là 550 triệu. Trong đó, sau khi trừ các chi phí, anh được lãi khoảng 25-30% doanh thu.
Hiện tài sản của gia đình anh đã được nhân lên gấp nhiều lần. Ảnh: NVCC |
Anh Hậu cho biết, bên cạnh việc học hỏi về các kinh nghiệm chăn nuôi, để đạt được hiệu quả cần biết cách lập ngân sách chi tiêu một cách phù hợp. Gia đình anh cân đối lợi nhuận hàng năm để chi phí sinh hoạt và học hành của 2 con, khám chữa bệnh, mua bảo hiểm cho các thành viên trong gia đình. Còn lại để sửa sang chuồng trại, đầu tư con giống.
Chủ trang trại cũng chia sẻ, thường tính toán những cách làm tiết kiệm chi phí một cách tối đa. Ví dụ, trang trại của anh chủ yếu được lợp bằng dạ, trong khi những gia đình khác thường lợp ngói xi măng. Anh lý giải, nêu lợp ngói xi măng tuy nhanh nhưng đến mùa hè lại phải mua thêm giàn phun mưa để giảm nóng cho vật nuôi. Lợp bằng dạ thì chuồng trại sẽ thoáng mát hơn, ngan, gà, lợn cũng bớt bệnh dịch.
"Nhưng lợp dạ lại phải chú ý việc phun diệt khuẩn, giữ vệ sinh chuồng trại", anh cho hay.
Hoặc để tiết kiệm thức ăn tiền mua cám công nghiệp, anh Hậu "tự chế" thức ăn cho lợn. Anh mua loại cá, tép nhỏ chỉ khoảng 4.000 đồng kg, sau đó xay gạo trộn lẫn rồi ủ men, dấm cho lợn ăn dần. Chủ trang trại cũng làm hầm biogas tận dụng chất thải chăn nuôi để làm nguyên liệu đun, nấu, thậm chí cho hàng xóm dùng chung.
Tuy nhiên, anh cũng cho biết, không phải lúc nào công việc cũng xuôi chèo mát mái, nhất là những giai đoạn đầu tiên anh mới triển khai mô hình. Có những lần ngan, gà đổ bệnh, anh phải liên tục ngồi cả ngày từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối để đổ thuốc cho từng con. Đến những giai đoạn cần tẩy giun cho vật nuôi, anh cũng phải làm tương tự. Tuy nhiên, anh quan niệm, không việc gì là không làm được và nếu quyết tâm, chịu khó thì thực sự là "làm giàu không khó".
Ngọc Tuyên
Có thể bạn quan tâm
Với 2 mẫu đất, ông dành gần 1 mẫu đào ao nuôi các loại cá truyền thống dễ nuôi, cho hiệu quả cao, đồng thời xây 1 dãy chuồng rộng hơn 800m2 nuôi lợn, gà, ngan, thỏ, chim bồ câu; diện tích còn lại ông tận dụng trồng hơn 50...
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao và thân thiện với môi trường ngày càng được chú trọng...
Nuôi gà ri tập trung với số lượng lên đến vài nghìn con, có sự tư vấn, giám sát chặt chẽ từ đầu đến lúc ra thị trường là mô hình liên kết giữa Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ với trang trại Hải Đăng Green...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET