Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Chuyện về “tỷ phú nuôi bò” nơi biên viễn

Cập nhật: 13/08/2016

Diễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVET

Sinh ra và lớn lên từ miền biên viễn Sín Thầu, Mường Nhé, “một chữ bẻ đôi không biết và cả đời chỉ dăm lần bước qua đỉnh núi trước nhà”, thế nhưng, những gì mà ông đã làm được khiến nhiều người phải kinh ngạc...

 

Ông là Chang Vãng Sinh - “tỷ phú nuôi bò”, người đã từng được vinh danh trong Hội nghị những người nông dân sản xuất giỏi trên toàn quốc, diễn ra tại Hà Nội.

Ước mơ thoát nghèo từ tấm bé

Giữa trùng điệp rừng núi ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên), ông trời phóng khoáng ban cho cực Tây Tổ quốc một thảo nguyên xanh bát ngát. Xưa, Tá Miếu chỉ là dải đất toàn cỏ gianh nằm dưới chân đỉnh Khoang Len San, nơi có cột mốc số 0, biên giới của ba nước Việt - Trung - Lào. Sau khi Sín Thầu tách xã năm 2009 thì Tá Miếu cũng tách từ bản A Pa Chải lập thành một bản riêng. Bản có vỏn vẹn 30 hộ. Đây là bản duy nhất trên cực Tây Tổ quốc không có hộ nghèo. Và ở đó, lão nông Chang Vãng Sinh được xem là “người chăn bò giỏi nhất vùng Tây Bắc”.

Mất gần 3 tiếng đồng hồ, Trưởng bản Tá Miếu Lỳ Ná Na mới dẫn tôi lên đến trang trại của Chang Vãng Sinh. Trang trại nằm giữa một thung lũng bạt ngàn màu xanh của thảo nguyên Tá Miếu. Một ngôi nhà, một vườn cây, một ao cá, con suối Mo Phí nước trong văn vắt chạy quanh vườn, chim chóc làm tổ ngay bên vách. Và, câu chuyện về cuộc đời của “người nuôi bò giỏi nhất Tây Bắc”, cũng được chủ nhân trang trại đem ra kể với khách trong cái không gian trong trẻo thậm núi rừng ấy.

Ông Sinh kể, trước những năm 1995, gia đình ông cũng như bao gia đình người Hà Nhì khác ở cực Tây Tổ quốc, mỗi năm đứt bữa tầm 9 tháng. Mỗi khi giáp hạt, cả bản rủ nhau lên rừng đào củ nâu, củ ấu ăn qua ngày. Lúc đó, mơ ước lớn nhất của ông chỉ mong muốn làm sao sau này mình gây dựng được đàn trâu, bò đông đúc, gia đình đủ cái ăn, thoát cái đói. Thế rồi, mơ ước của ông cũng thành hiện thực khi năm 1998, gia đình ông được giao cho 10 con bò bố mẹ nuôi trong 3 năm theo Chương trình 135. Sau 3 năm, bò bố mẹ sẽ thuộc về gia đình khác nuôi tiếp, còn bò con sẽ là của gia đình.

Tuy chính sách hay và thiết thực là vậy, nhưng lúc đó, nhiều hộ dân trong bản chưa dám nhận bò về nuôi bởi lẽ có nuôi, cũng chỉ để giết thịt, bán rất khó vì giao thông cách trở. Nhưng ông Sinh lại có suy nghĩ khác: Nuôi trâu, bò ở đây rất nhàn, cỏ trên đồi tươi tốt, nuôi trâu, bò sẽ rất nhanh lớn. Nếu đường giao thông khó khăn không mang xuống được chợ huyện thì khi nào có chợ phiên biên giới cách nhà gần 5km, dắt bò xuống bán cho lái buôn cũng có giá. Với suy nghĩ và quyết tâm như vậy, ông đã mạnh dạn nhận nuôi 10 con bò dự án. Không những thế, ông còn vay tiền của bà con và Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm 7 con bò nữa về nuôi.

Sau 3 năm nhận nuôi bò của dự án, được Bộ đội biên phòng hướng dẫn cách chăn nuôi và làm chuồng theo đúng quy trình, cách phòng tránh và chăm sóc gia súc; tận dụng thức ăn từ ngô, lúa, rồi lên đồi cắt cỏ chăm chút cho đàn bò, cuối cùng, ông đã thành công. Khi hoàn trả 10 con bò bố mẹ cho dự án để luân phiên cho hộ khác nuôi, ông vẫn còn 15 con bò giống cùng 5 con trâu của gia đình nuôi từ trước. Từ những lợi thế có sẵn của gia đình, ông Sinh đã gây dựng nên đàn trâu bò đông nhất, nhì vùng Tây Bắc. Năm 2002, đàn trâu của ông lên tới 40 con, đàn bò lên đến 150 con. Thời điểm ấy, nắm trong tay đàn bò chừng ấy con đã là kỷ lục, vậy mà thỉnh thoảng gia đình lão vẫn cứ đứt bữa như thường.

Đơn giản là vì xã Sín Thầu còn tách biệt với thế giới bên ngoài. Bò nuôi chỉ để giết thịt mỗi khi lễ Tết chứ chẳng bán được cho ai để mà giàu cả. Nhiều bữa đói quá, ông Sinh phải gọi vài người trong bản mổ bò uống rượu cho qua bữa. Rượu xong, ông tuyên bố sẽ dắt bò qua biên giới để đổi hàng hóa. Chợ cửa khẩu lúc ấy mỗi tháng mở hai phiên. Vậy là cứ đến phiên, ông lại dắt theo vài con bò đi bộ 7km đường rừng sang biên giới đổi gạo, đổi quần áo, đổi đồ dùng sinh hoạt.

Chung sức với cộng đồng

Mãi đến năm 2007, khi Sín Thầu có đường ôtô vào đến tận ngã ba biên giới, mọi chuyện mới thay đổi. Có đường là có sự giao thương, buôn bán. Và cũng đến tận lúc đó, ông Sinh mới biết đến tiền, bởi trước đó, ông “một chữ bẻ đôi không biết”. Tuy vậy, Chang Vãng Sinh vẫn giữ rất nhiều thói quen cũ, đó là mỗi khi cần mua sắm cái gì, ông đều quy ra bò cả. Con trai đi học đại học, ông cho một con bò; con gái sinh cháu ngoại, ông cho nửa con, chờ sinh đứa thứ hai thì cho hẳn; vật liệu xây dựng nhà cửa, trang trại, thuê người vận chuyển, thuê nhân công... tất tần tật đều đổi bằng bò. Chang Vãng Sinh là người đầu tiên ở ngã ba biên giới này xây được nhà cửa khang trang, kiên cố nhờ vào việc mang bò đi đổi. Tổng cộng ngôi nhà ấy đã lấy đi của ông tròn 100 con. 

Ông Chang Vãng Sinh bên đàn bò của mình

Sau khi làm nhà, đàn bò của ông Sinh chỉ còn 150 con, nhưng cũng chỉ đúng một năm lại thấy tăng lên 180, rồi 200 con như cũ. Lái trâu, lái bò ở miền xuôi tìm lên tận Tá Miếu. Mỗi con bò trưởng thành có hàng chục triệu đồng, còn trâu thì có giá hơn chút, ông Sinh được người ta gọi là “tỷ phú nuôi bò” từ đó. Năm 2011, dù bị dịch bệnh nhưng đàn bò của ông Sinh vẫn còn tới 120 con, trâu 20 con. Bình quân hàng năm, thu nhập từ bán trâu, bò của gia đình ông cũng đạt gần 150 - 200 triệu đồng.

Ông Sinh bảo: “Con bò nó cũng giống như con người thôi, mình chăm chút nó, nó cũng không nỡ phụ công mình. Khổ nhất là những khi có dịch bệnh, tôi gần như mất ăn mất ngủ với chúng. Nào là chạy vạy chỗ nọ chỗ kia để hỏi han cách phòng, chữa, nào là lo cho nó từng miếng cỏ, thau nước. Đó là chưa kể đến cái chuyện phải tắm rửa cho chúng, vệ sinh chuồng trại, che chắn gió mưa mọi bề. Bò có yên thì mình cũng mới ngủ được...”. Nhờ sự chăm chút như thế nên đàn bò của ông Sinh cũng rất hiếm khi bị mắc bệnh, ngay cả khi đang có dịch.

Do mang trong mình dòng máu Hà Nhì nên ông Sinh có tính cộng đồng rất cao. Bà con trong bản, bất cứ ai muốn nuôi trâu, bò đều được ông giúp vốn, giống, kinh nghiệm nuôi. Như trường hợp của ông Sừng Gò Tư hay anh Lý Ha Tư cùng bản Tá Miếu, được ông Sinh giúp đỡ kinh nghiệm nuôi trâu, bò sinh sản, giờ thu nhập hàng năm của hai gia đình đó cũng đạt 30 - 40 triệu đồng. Thậm chí, đối với những hộ gặp khó khăn, ông Sinh còn đem bò của mình cho họ mượn để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, ở Sín Thầu bây giờ những hộ giàu lên nhờ nuôi bò khá nhiều. Hiện cả xã có khoảng 3.000 con bò.

Không chỉ nuôi trâu, bò để lấy sức kéo và lấy thịt, mà giờ đây, người dân ở xã Sín Thầu còn tận dụng phân của chúng để xuất qua phía bên kia biên giới. Theo thống kê của UBND xã, mỗi năm nhân dân Sín Thầu xuất đi khoảng 10.000 bao phân trâu, bò khô. Có thời điểm thương lái trả gần 60.000 đồng mỗi bao. Lúc đầu người ta cũng không biết chừng ấy là nhiều hay ít, chỉ đến khi biết được phân trâu, bò khô rất tốt cho cao su phát triển, nhất là cây cao su sắp cho nhựa thì họ mới chú tâm vào việc tận thu. Nhờ thế mà rất nhiều hộ ở Sín Thầu cải thiện cuộc sống, làm giàu.

Riêng nhà ông Sinh, có năm thu được đến 30 triệu đồng tiền bán phân, trâu bò. Tiền đó, ông mua được xe máy đời mới cho con. Cũng từ đó, các hộ gia đình ở Sín Thầu đã học tập nhau, xây dựng mô hình mới, chăn nuôi qui củ hơn, không còn thả rong như trước. Nhưng tính đến giờ, vẫn chưa có hộ gia đình nào vượt được đàn bò của ông Sinh cả. Bởi, không chỉ là người giàu kinh nghiệm trong chăn nuôi, ông Sinh còn nghĩ ra nhiều cách nuôi bò hết sức độc đáo. Ví dụ như để dễ phân biệt khi đàn bò nhà mình ăn chung với bò của các hộ dân khác trong bản, ông Sinh nghĩ ra cách làm dấu. Mỗi khi có chú bê con chào đời, ông đều bẻ gập chóp tai trái rồi dùng kéo nhấp một góc nhỏ trên vành tai, rồi tập cho chúng nghe những tiếng hú rất riệng biệt. Thế nên, ngay giữa thảo nguyên bao la, hễ thấy bò bị cắt tai người ta đều biết ngay đó là bò ông Sinh, không lẫn vào đâu được. Đồng thời, cũng chỉ riêng bò của ông mới biết cách tự về chuồng mỗi khi chủ gọi, tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi đi lùa.

Giờ dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Sinh vẫn dẻo dai như dòng Mo Phí của bản. Hàng ngày, ông vẫn thừa sức leo qua 4 quả đồi, 5 con dốc để trông nom đàn trâu, bò của mình. Chia tay ông Sinh trong buổi chiều muộn, ông bảo, giờ điều mong mỏi lớn nhất của ông là nhà nào trong bản, trong xã cũng nuôi được đàn trâu, bò đông đúc, để không còn gia đình nào phải chịu cái đói, cái nghèo như trước kia nữa, để Sín Thầu ngày càng phát triển và hưng thịnh.

 

 

Nguồn: Congly.vn / Gia Bảo

 


Có thể bạn quan tâm

Tỷ phú nuôi gà bật mí bí quyết làm giàu từ nuôi gà đẻ
Tỷ phú nuôi gà bật mí bí quyết làm giàu từ nuôi gà đẻ
Tỷ phú nuôi gà bật mí bí quyết làm giàu từ nuôi gà đẻ

Ông Mạnh chia sẻ hiện ông đang ấp ủ mở rộng dự án với quy mô nuôi 12.000 con gà đẻ và 3.000 con vịt đẻ cung cấp trứng giống cho Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, phấn đấu đạt doanh thu từ 4,5 tỷ đồng/năm trở lên.

Xử lý khi heo có hiện tượng bỏ ăn, sưng đầu
Xử lý khi heo có hiện tượng bỏ ăn, sưng đầu
Xử lý khi heo có hiện tượng bỏ ăn, sưng đầu

(Người Chăn Nuôi) - Hỏi: Heo 1,5 tháng tuổi, có hiện tượng bỏ ăn, sưng đầu, sưng mặt, sưng mắt, đỏ mắt, sốt, đi ngoài phân lỏng màu đen, xin hỏi cách điều trị?

Nâng cao hiệu quả thụ tinh nhân tạo trên trâu
Nâng cao hiệu quả thụ tinh nhân tạo trên trâu
Nâng cao hiệu quả thụ tinh nhân tạo trên trâu

(Người Chăn Nuôi) - Hiện, nhân giống và cải tạo giống trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đang được thực hiện ở nhiều địa phương. Để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật.