Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Có đầu ra ổn định nhờ nuôi thủy sản an toàn

Cập nhật: 29/10/2013

Nhờ tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản chất lượng cao của Cty Metro Cash & Carry (trong chương trình hợp tác công - tư mà Bộ NN-PTNT đang thực hiện với nhiều tập đoàn nước ngoài), nhiều hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL đang khá lên từng ngày.

Về xã Lịch Hội Thượng (Trần Đề, Sóc Trăng) vào những ngày này, hỏi tới cá chẽm, ai cũng ngao ngán bởi giá cá năm nay đã giảm mạnh quá. Năm 2012, giá cá chẽm thương phẩm bắt tại ao ở mức bình quân 70.000 đ/kg. Hồi tháng 8 vừa rồi, giá cá chẽm thương phẩm ở đây chỉ còn khoảng 51.000 - 52.000 đ/kg. Đến giữa tháng 10 này, giá cá đã tăng lên 55.000 đ/kg. Với giá này, người nuôi cá chẽm vẫn lỗ nặng bởi giá thành hiện ở mức 60.000 đ/kg...

Trong bối cảnh ấy, anh Hứa Trung Việt, một hộ nuôi cá chẽm ở xã Lịch Hội Thượng vẫn yên tâm, tiếp tục gắn bó với nghề này. Bởi cá chẽm do anh nuôi lại đang bán được với giá bằng hoặc cao hơn giá thành một chút. Sở dĩ có điều này là nhờ khoảng 1 năm nay, anh Việt đã tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản chất lượng cao của Cty Metro Cash & Carry (gọi tắt là Cty Metro), và luôn được công ty này thu mua cá chẽm với giá cao hơn thị trường 5.000 - 7.000 đ/kg.

Mỗi tuần, Cty Metro xuống lấy cá chẽm của anh Việt từ 2 - 3 lần, mỗi lần khoảng 1,2 - 1,5 tấn cá. Không những thế, nhờ được sự tập huấn, tư vấn tận tình của Fresh Studio (một đối tác của Metro trong vấn đề tập huấn cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn Metro Requirements), anh Việt đã giảm được giá thành chăn nuôi nhờ mua đúng con giống tốt, sử dụng thức ăn hợp lý…

Chị Nguyễn Hồng Ngọc Trân, một hộ nuôi ếch ở ấp Hóa An, xã Xuân Hòa, huyện (Kế Sách, Sóc Trăng), cũng nhờ tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản của Metro mà vẫn đang có lãi khá khi bán cho Metro với giá 35.000 đ/kg, dù giá ếch trên thị trường đang ngang bằng với giá vốn là 30.000 đ/kg. Mỗi tháng, chị Trân thả 10 vạn con ếch, tháng này thả nối tiếp vào tháng kia. Ếch nuôi 2 tháng là cho thu hoạch. Mỗi lần thu được 1 tấn ếch, trừ chi phí, chị bỏ túi 5 triệu đồng lãi.

Cũng như anh Hứa Trung Việt, chị Trân đã được các nhân viên của Fresh Studio tới tập huấn, hướng dẫn và kiểm tra thường xuyên quy trình nuôi ếch ATTP theo tiêu chuẩn Metro Requirements. Nhờ đó, sản phẩm ếch của chị Trân không chỉ giảm được giá thành chăn nuôi mà đã luôn đảm bảo được các tiêu chí an toàn nên được Metro bao tiêu hết. Có đầu ra ổn định như thế, chị Trân đang tiếp tục yên tâm với nghề nuôi ếch của mình mà không cần phải lo lắng về mặt thị trường.

Một điển hình khác về hiệu quả kinh tế của nông dân khi tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản của Metro là ông Lê Ngọc Quý (một hộ nuôi cá điêu hồng ở cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Cần Thơ). Trước khi tham gia chuỗi giá trị, giá thành sản xuất 1 kg cá điêu hồng của ông Quý là 29.000 đ.

Từ khi tham gia vào chuỗi cung ứng, được hướng dẫn cách chọn con giống, sử dụng thức ăn sao cho hợp lý nhất, và nhất là kiên quyết không dùng thuốc thú y để phòng bệnh, ông Quý đã giảm được giá thành xuống còn 21.000 đ, sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn an toàn. Phần lớn sản lượng cá điêu hồng của ông Quý được Metro thu mua thường xuyên với giá cao hơn giá thị trường. Nhờ vậy, mỗi tấn cá, ông Quý thu lời 4 - 5 triệu đồng. Với sản lượng 120 - 130 tấn cá mỗi năm, khoản lợi nhuận mà ông Quý thu được từ cá điêu hồng là không nhỏ.

Theo anh Lê Văn Cảnh, quản lý thu mua tại Trạm trung chuyển thủy sản của Metro tại Cần Thơ, hiện nay, mỗi ngày Trạm này đang thu mua bình quân 5,2 - 5,5 tấn thủy sản tươi, với trên 80 sản phẩm các loại, từ hải sản đánh bắt ngoài biển tới thủy sản nuôi.

Trong đó, có 9 loại thủy sản nuôi như cá chẽm, cá điêu hồng, ếch, cá rô, các sặc rằn…, đã được Metro triển khai hợp tác với nông dân để hình thành chuỗi cung ứng thủy sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn Metro Requirements. Đến nay, đang có 88 hộ nuôi và cung cấp trực tiếp các sản phẩm thủy sản an toàn cho Metro. Ngoài ra còn có hơn 200 hộ nuôi nhỏ lẻ cung cấp sản phẩm cho Metro thông qua 88 hộ trên.

Nhờ hình thành được chuỗi cung ứng thủy sản an toàn, đồng thời duy trì chế độ kiểm tra thường xuyên, nên tỷ lệ sản phẩm bị phát hiện nhiễm dư lượng khi đưa tới Trạm trung chuyển thủy sản là rất nhỏ. Cả năm ngoái chỉ phát hiện 1 mẫu có dư lượng chất độc hại. Từ đầu năm đến nay cũng vậy.

Thanh Sơn


Có thể bạn quan tâm

Quản lý chăm sóc thỏ vào mùa hè
Quản lý chăm sóc thỏ vào mùa hè
Quản lý chăm sóc thỏ vào mùa hè

(Người Chăn Nuôi) - Vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, thỏ rất dễ bị mất nước và thiếu Vitamin D3 trong cơ thể dẫn đến dễ mắc bệnh. Nếu không biết cách chăm sóc hợp lý thì năng suất sinh sản của thỏ cũng...

Dịch bệnh đang định hình lại ngành chăn nuôi lợn
Dịch bệnh đang định hình lại ngành chăn nuôi lợn
Dịch bệnh đang định hình lại ngành chăn nuôi lợn

Năm 2019 có thể là một năm nhiều tiềm năng đối với thị trường thịt lợn toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề dịch bệnh và những vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại vẫn là những thách thức đối với thị trường, đặc biệt là bệnh tả lợn...

Nông dân Sơn La đua nhau học nghề để làm giàu
Nông dân Sơn La đua nhau học nghề để làm giàu
Nông dân Sơn La đua nhau học nghề để làm giàu

Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều gia đình ở Sơn La đã giàu lên nhanh chóng. Toàn tỉnh hiện có 28.573 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, trong đó hộ SXKD giỏi; cấp huyện, thành phố có...