Khách chọn mua thịt lợn tại siêu thị Winmart ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mặc dù giá lợn hơi trên thị trường lên xuống thất thường nhưng giá thịt lợn của các DN xây dựng được thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, thực hiện chuỗi liên kết lại tương đối ổn định, tạo sức hút với người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp lớn đổ bộ chăn nuôi lợn
Thời gian qua, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thịt lợn đã xuất hiện nhiều “ông lớn” với tham vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Điển hình là Công ty CP Tập đoàn Masan đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư chuỗi cung ứng – trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATLife.
Hiện Masan MEATLife đang vận hành trang trại nuôi lợn kỹ thuật cao tại tỉnh Nghệ An với quy mô 223ha, công suất 250.000 lợn hơi/năm. Công ty cũng vận hành 2 tổ hợp chế biến thịt tại các tỉnh Hà Nam và Long An với công suất 1,4 triệu con/tổ hợp/năm, tương đương 140.000 tấn/tổ hợp/năm.
Mới đây, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai ra mắt thương hiệu Bapi – Heo ăn chuối HAGL, hướng tới mục tiêu trở thành một thế lực mạnh trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thịt lợn trên thị trường. Hiện, sản phẩm Bapi-Heo ăn chuối HAGL với đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân như: Sườn, thịt vai, ba chỉ, thăn…
Bên cạnh đó, Bapi HAGL cũng cung cấp các dòng sản phẩm xúc xích, chả truyền thống, thịt nguội, heo xông khói. Dự kiến, tháng 10/2022, HAGL sẽ ra mắt Bapi-Heo ăn chuối của HAGL tại Hà Nội, và cuối năm 2022 sẽ mở khoảng 200 cửa hàng, tăng lên 1.000 cửa hàng đến cuối năm 2023.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ngành chăn nuôi lợn đã có những bước chuyển dịch tích cực, từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô lớn; phát triển các mô hình trang trại tập trung và hình thành những chuỗi giá trị có thương hiệu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, tổng đàn lợn thuộc 16 DN chăn nuôi quy mô lớn đang duy trì 6,5 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn cả nước.
Thịt lợn là loại thực phẩm chính sử dụng hằng ngày của đa phần người dân Việt Nam. Đa số sản phẩm thịt lợn của các tập đoàn, công ty lớn đều có thương hiệu, tạo được chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ. Đây chính là nền tảng để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững. Ngoài ra, các thị trường Trung Quốc, Malaysia… cũng đang tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu thịt lợn choai, lợn sữa.
Thời điểm hiện tại, sản phẩm thịt lợn an toàn, có thương hiệu đã tạo được sức hút rất lớn trên thị trường. Tuy nhiên, do quá phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nên giá thịt lợn vẫn ở mức cao, sức cạnh tranh yếu.
Chăn nuôi lợn tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Để tạo điều kiện, thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín và xây dựng thương hiệu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín, Tp Hà Nội) Nguyễn Văn Chữ cho rằng, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương cần rà soát quy hoạch phát triển chăn nuôi lợn, tăng tỷ lệ trang trại quy mô lớn, chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh… để giảm chi phí đầu vào.
Cùng với đó, hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tái đàn theo tín hiệu thị trường để cân đối cung – cầu.
Thông tin về định hướng phát triển chăn nuôi lợn của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, TP sẽ duy trì tổng đàn lợn khoảng 1,8 triệu con. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô tập trung phát triển theo vùng, xã trọng điểm; hỗ trợ DN hợp tác xã xây dựng thương hiệu thịt lợn.
Cùng với đó, khuyến khích, phát triển chăn nuôi lợn bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị để tạo ra sản phẩm thịt lợn mang thương hiệu riêng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tổng đàn lợn thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn lợn được nuôi tại trang trại công nghiệp chiếm trên 70%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có 10 – 12 chuỗi liên kết lớn. Đồng thời, xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu thịt lợn; triển khai các giải pháp phát triển giết mổ tập trung, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thịt lợn.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi năm, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5 – 7%/năm. Cụ thể, năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi lợn, đến năm 2016 giảm xuống còn 3,4 triệu.
Sau đợt khủng hoảng giá thịt lợn năm 2017, số cơ sở chăn nuôi lợn còn khoảng 2,5 triệu. Năm 2020, cả nước có khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi lợn. Năm 2021, cả nước chỉ còn 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con, chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn lợn của cả nước.
ÁNH NGỌC
Báo Kinh Tế & ĐT
Có thể bạn quan tâm
Khoản tiền vay được từ một chương trình tài chính vi mô năm 2006 đã giúp anh Hoàng Trọng Hậu (Hưng Yên) phát triển trang trại gà, mang lại thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
QĐND - Chủ Nhật, 03/11/2013, 20:26 (GMT+7) QĐND - Chiều tối 3-11, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo, dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh ở lợn tiếp tục được khống chế thành công, hiện không có địa phương nào báo cáo có...
(Người Chăn Nuôi) - Vệ sinh thức ăn là một yếu tố kiểm soát an toàn sinh học quan trọng đối với vi khuẩn gây bệnh như Salmonella.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET