Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Dịch cúm A/H7N9: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ở Việt Nam

Cập nhật: 11/12/2013

 Được phát hiện tại Trung Quốc từ tháng 3/2013, dịch cúm A/H7N9 vẫn chưa ngừng, cho dù, Trung Quốc và các tổ chức quốc tế đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn. Mới đây, đã xuất hiện người mắc cúm A/H7N9 ở cả Đài Loan và Hồng Kông (vào tháng 11 và 12/2013), khiến số người bị cúm A/H7N9 đã lên tới 143 người mắc và 47 người tử vong.

Nhằm khẩn trương đánh giá lại kết quả hoạt động giám sát dịch bệnh cúm A/H7N9, để hoàn chỉnh công tác phòng chống dịch một cách hữu hiệu, Bộ Y tế phối hợp với FAO, WHO, USAID và một số tổ chức quốc tế khác tổ chức hội thảo về tăng cường giám sát và phòng dịch cúm A/H7N9 tại Hà Nội vào ngày 9/12.

Các đại biểu vẫn bày tỏ sự lo âu khi cúm A/H7N9 lần đầu tiên gây bệnh cho người, độc lực lại thấp ở gia cầm, nên rất khó phát hiện, nhưng khi xuất hiện ở người là dễ gây tử vong. Phần lớn các ca nhiễm là nam giới và đa số các ca tử vong cũng lại là nam giới cao tuổi. Nhiều ca bệnh đồng thời có bệnh mạn tính. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn bệnh, đường lây truyền, cũng chưa biết có lây từ người sang người hay không.

Lo âu nhất là chưa có vaccine phòng bệnh, cho dù Trung Quốc tuyên bố đã điều chế thành công vaccine ngừa cúm gia cầm H7N9. Bởi theo các đại biểu quốc tế dự hội thảo, mức độ thành công và hiệu quả của vaccine mà Trung Quốc sản xuất vẫn chưa được đảm bảo, nên việc tiêm phòng vẫn chỉ mang tính thử nghiệm là chính. Phương pháp phòng bệnh cúm A/H7N9 chủ yếu vẫn là tránh đến những nơi có nguy cơ cao mà không được bảo vệ đúng cách, giữ gìn ATTP và vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng.

Thời tiết đông xuân rất thuận lợi cho cúm A phát triển.

Theo đại diện của FAO, dù hiện chưa phát hiện trường hợp cúm A/H7N9 nào, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ cao, vì thực tế cho thấy, nguồn vận chuyển gia cầm vào Việt Nam từ Trung Quốc và cả Lào. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Văn Long (Cục Thú y, Bộ NN&PTNN), mỗi năm, Trung Quốc có hàng trăm ngàn trại gia cầm thải loại, trong đó, có hàng triệu con gia cầm thải loại được xuất sang Việt Nam. Giá gà thải loại ở Trung Quốc chỉ là 15.000đ/kg, nhưng ở Móng Cái (Việt Nam) đã là 35.000đ/kg và về đến Hà Nội đã lên tới 65.000đ/kg. Sự chênh lệch giá rất cao này khiến cho việc kiểm soát gà thải loại tuồn vào Việt Nam hết sức khó khăn.

Thực tế, từ tháng 6/2012 đến 3/2013 đã phát hiện nhiều mẫu có virus cúm A với tỉ lệ 0,5% dương tính với H5N1 trên tổng số 9.180 con gà loại thải. Mới đây, ngành nông nghiệp đã lấy 900 mẫu tại 60 chợ thuộc 9 tỉnh có nguy cơ cao do nguồn gia cầm từ Trung Quốc sang, thì đã phát hiện 595 mẫu dương tính virus H5N1. Tỉ lệ mẫu dương tính với cúm A cao nhất ở các tỉnh phía Nam, sau đó là phía Bắc, Tây Nguyên ít nhất.

Nỗi lo âu không nhỏ của các nhà chuyên môn Việt Nam và quốc tế về việc phát triển dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam là hiện 94% xã, phường chăn nuôi gia cầm, trong đó 90% các hộ chăn nuôi dưới 50 con. Hơn nữa, sau khi dịch cúm A/H7N9 bùng phát vào tháng 3-2013 hiện đang tạm lắng, nên người dân rất dễ chủ quan. Bên cạnh đó là sự biến đối của virus khiến việc phát hiện và phòng ngừa, điều trị càng khó khăn. Công tác kiểm dịch chưa chặt chính là nỗi lo âu lớn của việc lây lan dịch cúm.

Các chuyên gia còn lo ngại khi thời gian qua, tình hình báo cáo về hội chứng cúm còn chậm; việc cung cấp môi trường bảo quản mẫu bệnh phẩm cũng chưa kịp thời; điều tra các ca bệnh không đầy đủ và còn chậm báo cáo về số liệu, cũng như tiến độ báo cáo giữa các nơi không đồng đều.

Sau khi có dịch cúm A/H7N9, ngoài 4 điểm giám sát cũ được duy trì, ngành Y tế đã mở thêm 5 điểm mới. Theo TS. Vũ Đình Kiềm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), ở tuyến Trung ương, việc giám sát được thực hiện kịp thời và chặt chẽ. Hầu hết các ca viêm phổi nặng được phát hiện ở các BV Trung ương, rất ít ca được phát hiện ở BV tỉnh.

 

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Số mẫu xét nghiệm tầm soát mới chỉ mạnh ở tuyến Trung ương

PV: Hiện nay, người dân có vẻ thờ ơ với căn bệnh này. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9?

 

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Quan tâm hay thờ ơ là do cách thức truyền thông. Tùy theo từng thời điểm và mức độ của dịch bệnh, để truyền thông, tránh cho người dân bị hoảng loạn.

PV: Bộ Y tế sẽ triển khai nhiệm vụ gì để ứng phó với dịch cúm A/H7N9 trong thời gian tới?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Sau hội thảo này, ngành y tế sẽ nhận ra điều gì chưa được thì bổ sung, hoàn chỉnh để có kế hoạch tốt nhất. Tới đây, sẽ khuyến cáo người dân về mức độ và khả năng lây lan của cúm A/H7N9, để người dân thực hiện tốt các khuyến cáo về phòng bệnh: Đó là không buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc; ăn uống đảm bảo ATTP; khi có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính, nhất là người vừa đi Trung Quốc về, phải đến cơ sở y tế, để được điều trị kịp thời, nhằm tránh lây lan. Các cơ sở y tế tăng cường giám sát, thông qua các ca hô hấp cấp tính nghi ngờ, truyền thông. Ở sân bay vẫn tiếp tục giám sát thông qua máy đo nhiệt độ từ xa vì WHO vẫn chưa khuyến cáo hạn chế khách du lịch.

PV: Những gì diễn ra vừa qua đã cho ngành Y tế thấy lỗ hổng cần phải “trám” trong thời gian tới là gì chưa thưa ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Trong việc tầm soát thì số mẫu xét nghiệm trên gia cầm chưa nhiều; trên người cũng chỉ mạnh ở tuyến Trung ương. Việc kiểm soát gia cầm nhập lậu không dễ chính là khó khăn làm cho nguy cơ tăng cao. Ý thức của người dân đang là nguy cơ khi vẫn sử dụng gà thải và có lúc thì hoang mang quá, có lúc lại thờ ơ quá trước dịch bệnh.

PV: Cám ơn ông!

Thanh Hằng (Thực hiện)



Có thể bạn quan tâm

Phù Đổng giàu lên nhờ bò sữa
Phù Đổng giàu lên nhờ bò sữa
Phù Đổng giàu lên nhờ bò sữa

(Người Chăn Nuôi) - Với gần 20 năm phát triển, nghề nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đã giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú, bộ mặt làng quê ngày một đổi thay.

Từ chối du học Pháp, nuôi gà để lập nghiệp
Từ chối du học Pháp, nuôi gà để lập nghiệp
Từ chối du học Pháp, nuôi gà để lập nghiệp

Nguyễn Duy Thiên Ân, người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công trứng gà Omega 3- loại trứng nhiều dinh dưỡng gấp 3 lần trứng gà thông thường, có nhiều chất có lợi vượt trội cho sức khỏe.

Người nông dân làm giàu từ mô hình chăn nuôi Lợn
Người nông dân làm giàu từ mô hình chăn nuôi Lợn
Người nông dân làm giàu từ mô hình chăn nuôi Lợn

Từ một gia đình nông dân nghèo khó, nhờ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, gia đình chị Trịnh Thị Liên ở phường Kỳ Trinh đã vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi Lợn nái có quy mô.