Điện Biên: Nữ tỷ phú trang trại chăn nuôi đạt chuẩn
Cập nhật: 12/10/2013
Chị Nguyễn Kim Thắng ở đội 11, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên được biết đến là một người phụ nữ đảm đang chịu khó và liều lĩnh. Chính cái sự mạnh dạn, liều lĩnh ấy đã làm nên sự thành công của chị như ngày hôm nay. Hiện trang trại của chị cho thu nhập mỗi năm trên 2 tỷ đồng và đặc biệt được huyện Điện Biên cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
Trong khi nhiều hộ nông dân bỏ chuồng vì cho rằng chăn nuôi lợn không hiệu quả và thua lỗ sau đợt dịch bệnh tai xanh ở Điện Biên đầu năm 2012 thì ngược lại trang trại chị Thắng vẫn đứng vững và không ngừng được mở rộng phát triển chăn nuôi tổng hợp theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2008 bằng sự mạnh dạn và quyết tâm làm giàu cộng với kinh nghiệm từ nhiều năm chăn nuôi, chị Thắng quyết định xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng công nghiệp. Trên diện tích 5.000m2, chị đã xây dựng thành 4 dãy chuồng nuôi lợn thịt, vịt thịt và đào ao nuôi cá. Dãy chuồng lợn rộng 2.000m2, được xây dựng đảm bảo “đông ấm, hè mát”, thường xuyên nuôi 250 – 300 con/lứa, mỗi năm 2 lứa. Dãy chuồng vịt rộng 1.200m2, nuôi 1.500 – 2.000 con/lứa, mỗi năm 4 lứa. Ao cá rộng 1.600m2, nuôi đủ các loại cá để tận dụng nguồn thức ăn từ chất thải chăn nuôi. Hiện mỗi năm, chị Thắng xuất ra thị trường khoảng 40 tấn lợn thịt, 12 tấn vịt thịt. Ngoài ra tạo việc làm thường xuyên cho 4 nhân công lao động, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Đến nay, trang trại của chị cho thu nhập mỗi năm trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Chị Thắng chia sẻ, vào thời điểm giá thức ăn hỗn hợp tăng cao rất khó khăn cho chăn nuôi, chị đã khắc phục bằng cách kết hợp tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như thóc, sắn, ngô bột mà chị đã mua dự trữ trước đó để phối trộn với loại thức ăn đậm đặc giàu dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết được phép sử dụng, nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho đàn vật nuôi phát triển. Đối với chuồng trại, chị vệ sinh sạch sẽ, ra vào phải vệ sinh khử trùng. Bên cạnh đó, định kỳ tiêm vắc xin cho vật nuôi. Đặc biệt, chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để: Phân khô thì cho xuống hố, sau đó bán cho người dân làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; nước thải được cho vào bể bioga để làm khí đốt phục vụ gia đình. Hiện tại, trang trại của chị Thắng đang có 3 bể bioga xử lý chất thải, dung tích 16m3/bể, có như thế vừa hạn chế được dịch bệnh, vừa tiết kiệm được chi phí và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tham quan trang trại chị Thắng thấy rằng, yếu tố quyết định thành công của mô hình này là: Chị đã vận dụng sáng tạo tiến bộ kỹ thuật vào trong chăn nuôi, đầu tư hệ thống tiêu độc khử trùng cho chuồng nuôi hoàn chỉnh, quản lý tốt sức khỏe vật nuôi thông qua việc cho ăn đủ về lượng, đảm bảo về chất.
Về nuôi cá, trước mỗi vụ chị đều cải tạo ao, rắc vôi bột, diệt cá tạp, xử lý, gây màu nước thật kỹ trước khi thả cá; ao nuôi bố trí gần kênh rạch để thuận tiện cho việc thay nước khi cần thiết. Với cách làm hợp lý như trên, chị hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất không cần thiết trong suốt quá trình nuôi nên chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá cao khi xuất bán.
Sau 5 năm nỗ lực sản xuất chăn nuôi chị Nguyễn Kim Thắng đã đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, đời sống gia đình được cải thiện và nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của xã. Trang trại của chị đã được huyện Điện Biên cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Năm 2012 chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích nông dân lao động, sản xuất kinh doanh giỏi. Chị là tấm gương sáng về một người nông dân chịu khó, cần cù, phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi để bà con trong và ngoài xã học tập áp dụng.
HẢI PHÒNG - Về cơ bản, sức đề kháng, môi trường sống của cá Koi không khác cá thông thường, nhưng do cá Koi giá trị cao, nếu xảy ra dịch bệnh, thiệt hại sẽ rất lớn.