Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Diễn Châu (Nghệ An): Dịch lở mồm long móng hoành hành (25/11/2013)

Cập nhật: 25/11/2013

 
Theo thông tin từ Trạm Thú y huyện Diễn Châu (Nghệ An), vào ngày 13-11 tại xã Diễn Thái xuất hiện bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên cá thể trâu, bò. Như vậy, sau 6 năm (trước đó là vào năm 2008) dịch LMLM type A đã xuất hiện trở lại tại địa phương này. Dịch đã kéo dài gần nửa tháng nếu không có biện pháp kịp thời, cụ thể sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn cho người dân.
 
 
Đưa gia súc bị bệnh đi tiêu hủy
 
Chủ động đối phó
 
Có mặt tại xóm 8, xã Diễn Thái - nơi đầu tiên xuất hiện dịch LMLM, ngay từ đầu xóm, tuyến đường vào thôn đã bị phong toả, rải vôi để ngăn việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa phương này. Vào ngày 13-11, gia đình nhà chị Phan Thị Sáu (xóm 8, xã Diễn Thái) cho biết: Trâu nhà chị có dấu hiệu bỏ ăn, đi cà nhắc. Nghi bị dịch LMLM, một mặt chị Sáu dùng các chất có vị chua để bóp chân cho trâu, mặt khác chị thông báo cán bộ thú y để nắm tình hình. Và sau 2 ngày chị được thông báo phải tiêu huỷ con trâu vì nó đã bị bệnh LMLM type A. Theo chị Sáu thì đầu năm đàn lợn nhà chị cũng bị loại dịch này tấn công, đành phải tiêu huỷ, lần này trâu cũng bị, mặc dù tiếc của nhưng chị cũng phải chấp nhận tiêu huỷ theo đúng chủ trương, tránh bùng phát diện rộng.
 
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng như trên ở trâu, bò tại xã Diễn Thái, chính quyền nơi đây đã nhanh chóng có những biện pháp theo dõi, giám sát loại dịch bệnh nguy hiểm này. Ông Đinh Viết Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thái cho biết: Diễn Thái là một trong những xã của Diễn Châu nằm trong chương trình đề án giám sát dịch bệnh hằng ngày nên vấn đề giám sát dịch được thực hiện khá tốt. Chiều ngày 13-11 có trâu xuất hiện triệu chứng bệnh, ngay lập tức cán bộ thú y xã đã về kiểm tra, báo lên huyện, trưa ngày 15-11 cơ quan thú y vùng III trả lời kết quả các mẫu bệnh phẩm lấy từ ổ dịch dương tính với virut LMLM type A, đến ngày 15-11 các con trâu, bò đầu tiên bị bệnh đã được tiêu hủy. 
 
Bên cạnh việc tiêu huỷ gia súc bị nhiễm bệnh, các ngành chức năng từ xã đến huyện nơi có dịch đã nhanh chóng dùng những biện pháp tạm thời để khử trùng, tẩy uế như rắc vôi bột, tiêm phòng bao vây chống dịch. Ông Hoàng Trọng Bốn - Trưởng Trạm Y tế huyện Diễn Châu cho biết: "Biết rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh LMLM type A, ngay sau khi khẩn trương gửi mẫu bệnh phẩm, xác định được bệnh, chúng tôi đã lập tức phối hợp với Chi cục Thú ý tỉnh tiến hành tiêu hủy trâu bò bị bệnh, đồng thời lập các chốt kiểm dịch để nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc ra vào địa bàn xã Diễn Thái; cắm biển báo dịch, rải vôi ở đầu các trục đường ra vào xã, ở chợ”. 
 
Ngoài ra, Chi cục Thú y Nghệ An cũng đã cấp ngay 200 lít hóa chất bencocid để khử trùng tiêu độc vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng nguy cơ cao và 3.000 liều văcxin đa type để bao vây chống dịch. Tại các xã vùng bị dịch uy hiếp như Diễn Liên, Diễn Đồng, Diễn Nguyên, Chi cục chỉ đạo người dân nuôi nhốt tại chuồng sau tiêm phòng 18 - 20 ngày để hạn chế lây nhiễm mầm bệnh trong môi trường, lập chốt gác từ vùng có dịch ngang qua, rải vôi bột ở đầu các trục đường v.v. 
 
Dân chưa mặn mà tiêu huỷ
 
Có một thực tế là mặc dù biết rõ sự nguy hiểm của loại dịch bệnh này, nhưng việc hỗ trợ cho trâu, bò bị tiêu huỷ đang ở mức thấp (45.000 đồng/kg), trong khi giá trên thị trường từ 90 - 100.000 đồng/kg nên việc vận động nhân dân báo dịch, tiêu hủy rất khó khăn. Dân chưa mặn mà, thậm chí một số người còn lén lút giết mổ để đưa đi nơi khác bán kiếm lời, làm cho dịch bệnh khó kiểm soát và rất nguy hiểm. Chị Phan Thị Sáu chia sẻ: "Nếu con trâu bán ra thị trường sẽ có giá khoảng 25 - 26 triệu đồng, nhưng nếu tính theo mức giá hỗ trợ của Nhà nước thì chỉ được 13 - 14 triệu đồng, cho nên cần Nhà nước nâng mức hỗ trợ lên để người dân có nguồn tái tạo đàn gia súc”.
 
Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết: "Bệnh LMLM gia súc type A là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm, do virut type A có độc lực cao, tốc độ lây lan rất nhanh, hiện hai tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hoá cũng đang có dịch nên việc siết chặt giám sát dịch là hết sức cần thiết. Nếu phát hiện người dân, hay địa phương nào có dịch là ngay lập tức phong toả và tiêu huỷ, tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ để phối với cơ quan chức năng để tiêu huỷ”.
 
Để phòng chống, ngăn chặn dịch LMLM type A lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định cấp ngay 50 nghìn liều văcxin để triển khai các biện pháp dập dịch khẩn cấp. Đồng thời, toàn tỉnh đã triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng từ ngày 15-10 – 15-11 với 7.500 lít hóa chất.  Thành lập tổ công tác lưu động liên ngành kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phòng chống dịch LMLM gia súc, các huyện đã thành lập 10 chốt kiểm dịch tại những điểm cần thiết. Được biết, sau khi Nghệ An thông báo có dịch vào ngày 16-11, Trung ương đã quyết định cấp cho Nghệ An 300 nghìn liều văcxin dịch tả,  50 nghìn liều văcxin LMLM và 40 nghìn lít hóa chất để chống dịch. Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt mức giá hỗ trợ 75 nghìn đồng/kg đối với gia súc bị tiêu hủy.
 
Bắc Vũ
 
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất ngoại nuôi heo
Xuất ngoại nuôi heo
Xuất ngoại nuôi heo

20/02/2014 07:02 Dân Việt - Không được học hành qua trường lớp nào nhưng ông Nguyễn Trí Công nổi tiếng là người đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin và du nhập tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước ngoài vào nghề chăn nuôi heo. Ông Công cũng...

Điều trị bệnh phân trắng ở heo con
Điều trị bệnh phân trắng ở heo con
Điều trị bệnh phân trắng ở heo con

(Người Chăn Nuôi) - Thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều, độ ẩm cao làm cho heo con dễ bị mắc bệnh đi ỉa phân trắng, đặc biệt từ sơ sinh đến 21 ngày tuổi.

Kinh nghiệm nuôi gà đẻ nhiều trứng
Kinh nghiệm nuôi gà đẻ nhiều trứng
Kinh nghiệm nuôi gà đẻ nhiều trứng

(Người Chăn Nuôi) - Theo các chuyên gia, để nuôi gà đẻ trứng đạt năng suất trứng cao, chất lượng tốt, người chăn nuôi cần quan tâm một số yếu tố cơ bản sau đây.