Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Gia Lai: Làm giàu từ trang trại hươu, nai ở Chư Prông

Cập nhật: 12/01/2019

Diễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVET


Anh Thuận bên đàn hươu, nai. Ảnh: P.D

Nuôi hươu, nai lấy nhung không phải là mô hình mới trên địa bàn huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Song nuôi hươu, nai với số lượng lớn để cung cấp nhung, con giống ra thị trường ngoài tỉnh thì có lẽ ở huyện biên giới này mới chỉ có anh Nguyễn Văn Thuận (làng Xom, xã Ia Pia).

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại chăn nuôi hươu, nai ngay phía sau nhà, anh Thuận bộc bạch: “Chăn nuôi không phải là lựa chọn ban đầu của gia đình tôi. Sau thất bại trong trồng trọt, vợ chồng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều mới quyết định chuyển sang chăn nuôi loại động vật này”. Rồi anh Thuận kể, năm 2009, vợ chồng anh rời thị trấn Chư Prông vào xã Ia Pia lập nghiệp. Lý do một phần là để thuận tiện cho vợ đang công tác tại Trạm Y tế xã, phần khác anh cũng muốn có vài sào đất trồng trọt, kiếm thêm thu nhập ngoài nghề sửa chữa xe máy. Thế nhưng, khi 3 sào hồ tiêu vừa kịp phủ kín trụ trên vùng đất mới thì đổ bệnh rồi chết sạch, đẩy gia đình anh rơi vào cảnh trắng tay.

Không đành lòng bỏ đất trống nhưng trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững lại là bài toán khó với vợ chồng anh. Đang loay hoay suy tính thì một lần xem ti vi, thấy ở tỉnh Nghệ An có mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh quyết định tìm hiểu kỹ về 2 loài động vật này. Nhận thấy chuồng trại nuôi hươu, nai không tốn nhiều diện tích, kỹ thuật chăm sóc không quá cầu kỳ, thức ăn chủ yếu là cỏ voi và các loại lá: sung, bơ, mít... anh Thuận bàn với vợ vay mượn thêm để làm chuồng trại và mua con giống. “Gia đình hai bên nội-ngoại, rồi cả vợ đều ngăn cản ý định này vì giá mỗi cặp hươu, nai khá cao trong khi đầu ra không biết thế nào. Nhưng thấy tôi mê quá nên cuối cùng vợ cũng phải đồng ý”-anh Thuận cười nói.

Cuối năm 2013, anh Thuận mang theo 100 triệu đồng rồi bắt xe đò ra huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) để mua 3 con nai trưởng thành (2 con cái và 1 con đực) với giá 75 triệu đồng. “Cả 3 con nai đều hợp với khí hậu nên phát triển tốt. Chỉ 5 tháng sau, con nai đực đã cho thu hoạch hơn 1 kg nhung, bán được 15 triệu đồng”-anh Thuận cho biết. Khởi đầu khá thuận lợi nên anh quyết định mở rộng trang trại và mua thêm 1 con nai đực, 11 con hươu (10 con đực, 1 con cái) về nuôi. Anh Thuận cho rằng, chuồng nuôi nhốt hươu, nai không quá cầu kỳ nhưng phải chắc chắn, sạch sẽ, cao ráo, ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Mặt khác, để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi, anh Thuận dùng 3 sào đất lúc trước trồng hồ tiêu để trồng cỏ. Vào thời điểm hươu, nai ra nhung, anh còn bổ sung thêm tinh bột để có những cặp nhung to, mập. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ, đàn hươu, nai của gia đình anh phát triển tốt, cho nhung đều đặn 2 lần/năm. “Khoảng 16-24 tháng tuổi, hươu, nai đã cho thu hoạch nhung. Mỗi con có thể cho thu hoạch nhung trong 20-30 năm. Bình quân mỗi cặp nhung nai, nhung hươu nặng từ 8 lạng đến hơn 1 kg, có con nai cho cặp nhung 3 kg. Hiện tại, 1 kg nhung hươu có giá khoảng 16 triệu đồng và 1 kg nhung nai có giá 10-12 triệu đồng”-anh Thuận cho hay.

Hai năm trở lại đây, anh Thuận còn cung cấp hươu, nai giống ra thị trường, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm nhung nếu người dân có nhu cầu. Anh Thuận khoe: “Tôi mới xuất 25 con hươu, nai giống đi các huyện: Kbang, Đức Cơ và thị xã An Khê”. Mỗi cặp nai giống, anh bán với giá 26-28 triệu đồng, còn hươu giống có giá 18-20 triệu đồng/cặp. Trang trại chăn nuôi của gia đình anh đang duy trì 12 con hươu (5 con đang chuẩn bị cắt nhung) và 8 con nai (2 con đang chuẩn bị cắt nhung).

Ở tuổi 38, anh Thuận đã là thành viên của Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi huyện Chư Prông. Nói về trang trại của anh, ông Mai Khắc Tuấn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông-nhấn mạnh: “Đây là trang trại chăn nuôi hươu, nai có quy mô lớn. Không chỉ cung cấp nhung hươu, nhung nai và con giống ra thị trường trong và ngoài tỉnh, trang trại của anh Thuận còn đang giúp một số hội viên về kỹ thuật chăn nuôi và bán con giống trả chậm”.

Phương Dung / Nguồn: Báo Gia Lai


Có thể bạn quan tâm

Kinh nghiệm nuôi gà đẻ nhiều trứng
Kinh nghiệm nuôi gà đẻ nhiều trứng
Kinh nghiệm nuôi gà đẻ nhiều trứng

(Người Chăn Nuôi) - Theo các chuyên gia, để nuôi gà đẻ trứng đạt năng suất trứng cao, chất lượng tốt, người chăn nuôi cần quan tâm một số yếu tố cơ bản sau đây.

Kỹ thuật chăm sóc trâu, bò
Kỹ thuật chăm sóc trâu, bò
Kỹ thuật chăm sóc trâu, bò

(Người Chăn Nuôi) - Thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc trâu, bò đúng kỹ thuật sẽ giúp cho đàn vật nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế.

Một số xu hướng trong chăn nuôi heo trên thế giới
Một số xu hướng trong chăn nuôi heo trên thế giới
Một số xu hướng trong chăn nuôi heo trên thế giới

Ngành chăn nuôi trên toàn thế giới đã và đang có nhiều biến động, được dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Riêng đối với chăn nuôi heo đang có những xu thế mới.