Dịch xảy ra tràn lan
Một nông dân ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) thở ngắn than dài với chúng tôi: Đầu tháng 3/2013 không biết dịch LMLM từ đâu ập xuống làm cho hàng chục con trâu bò bỏ ăn, miệng lở loét, móng thì long. Một tháng sau, do khống chế không được kịp thời nên dịch đã lan sang các xã lân cận thuộc huyện Can Lộc và Nghi Xuân.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh Hà Tĩnh, ngoài ổ dịch xuất hiện ở Hồng Lĩnh, đến 30/8/2013 dịch LMLM typ A đã tiếp tục xảy ra tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Do xuất phát điểm ổ dịch ở Cẩm Mỹ là xã đầu nguồn nước nên dịch lây lan rất nhanh không những 17 xã ở huyện Cẩm Xuyên đã bị dịch mà dịch nhanh chóng “nhảy cóc” vào địa bàn 12 xã ở huyện Kỳ Anh, 6 xã Thạch Hà, 4 xã Can Lộc và một số xã ở Nghi Xuân, Hương Khê. Qua tìm hiểu, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 31 xã/6 huyện có dịch LMLM làm cho hơn 900 con trâu bò bị mắc bệnh.
Đoàn công tác Cục Thú y vào kiểm tra việc dập dịch tại Kỳ Anh
Không riêng năm nay, qua tìm hiểu được biết, hầu như không có năm nào trên mảnh đất Hà Tĩnh không có dịch LMLM trâu bò, dịch tai xanh trên lợn. Mỗi khi có dịch nông dân lại thêm một phen điêu đứng. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã chỉ trích mạnh mẽ một số cơ quan chức năng rằng: Tại sao không tập trung tìm ra giải pháp để dập tắt ổ dịch dứt điểm ở một số điểm như Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh), Thạch Hà, Kỳ Anh… Ngành thú y, lãnh đạo địa phương để xảy ra dịch, lơ là dập dịch phải chịu trách nhiệm trước tỉnh, trước nhân dân.
Nhiều ý kiến cho rằng dịch xảy ra do một số địa phương không kịp thời báo cáo lên cấp trên, trong đó có nhiều xã cố tình giấu dịch đến khi bùng phát lan rộng ra mới báo lên huyện. Nguyên nhân nữa là do công đoạn báo cáo đoạn trường vòng vo, lùng nhùng dẫn đến dịch mặc nhiên cứ thế bùng phát.
Giải pháp nào?
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm vào ngày 18/11/2013, ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo đã yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt, khống chế, bao vây không để dịch phát sinh mới.
Phun tiêu độc khử trùng cho đàn gia súc
Theo đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đồng thời thường xuyên thông tin báo cáo tình hình dịch. Dứt khoát không được giấu dịch; đến hết tháng 11 phải thực hiện bấm thẻ tai 100% gia súc mắc bệnh. Chốt chặt các điểm kiểm dịch, cấm vận chuyển, buôn bán gia súc trong vùng dịch.
Được biết, tỉnh Hà Tĩnh đã cung ứng 50.000 liều vacxin đa typ, hơn 30.000 lít hóa chất cho các huyện có dịch để tổ chức tiêm phòng bao vây và tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Hiện tại, 12/31 xã không phát sinh ca bệnh mới.
Dịch LMLM typ A lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh trong khi giá mỗi liều vacxin lên tới 27.000 đồng so với typ O khoảng 9.000 đồng. Hà Tĩnh có tổng đàn 300.000 con trâu, bò, tất cả buộc phải tiêm phòng nên đây sẽ là gánh nặng đối với một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh.
Vẫn còn giấu dịch Trước tình trạng dịch LMLM tại Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan rộng sang các tỉnh lân cận, ngày 1/11/2013, Bộ NN-PTNT đã có Công điện khẩn số 16/CĐ-BNN-TY đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Sở NN-PTNT và các ban ngành liên quan trong tỉnh khẩn trương thực hiện các giải pháp: Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; công bố dịch LMLM theo đúng quy định của pháp luật Thú y; Thiết lập các chốt kiểm dịch tại đường ra, vào xã, huyện có dịch; Cấm vận chuyển gia súc trong vùng có dịch; Tập trung dập tắt các ổ dịch, tiêm phòng vacxin bao vây vùng có dịch; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của dịch và nắm vững các biện pháp phòng chống dịch; Thành lập ngay Ban chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để chỉ đạo kiểm tra diễn biến dịch hàng ngày tại các xã, huyện trọng điểm. Tuy nhiên, báo cáo với lãnh đạo Bộ NN-PTNT mới đây, một lãnh đạo Cục Thú y cho biết, tới nay, tình hình dịch vẫn rất phức tạp với 38 xã thuộc 7 huyện của Hà Tĩnh có dịch. Đáng lo ngại là dịch như vậy, nhưng công tác phòng chống dịch rất lơ là. Có huyện phát dịch từ đầu tháng 10 nhưng mới đây, đoàn công tác của Cục Thú y vào vẫn chưa có gì chuyển biến, công tác tiêm phòng cũng bỏ ngỏ. Không những vậy, một số huyện còn giấu dịch. Báo cáo với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Thú y cho biết, việc vận chuyển, tiêu thụ gia súc trên địa bàn vẫn diễn ra hết sức bình thường, đến nay nhiều huyện vẫn chưa lập chốt kiểm soát, một số huyện lập chốt thì không có người trực. KC |
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Có nhiều nguyên nhân khiến gà bị còi cọc, chậm lớn. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời, hợp lý, tránh được thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.
(Người Chăn Nuôi) - Thời tiết thay đổi thất thường, ngày nóng, chiều tối có kèm theo những cơn mưa bất chợt làm cho thỏ dễ phát sinh bệnh tụ huyết trùng. Đây được xem là bệnh gây ra nhiều thiệt hại lớn đối với thỏ nuôi.
Lạm phát và suy thoái kinh tế đang thúc đẩy người tiêu dùng Nhật Bản chuyển từ các loại thịt đắt đỏ như thịt bò sang protein giá rẻ hơn như thịt gà. Xu hướng này sẽ xuất hiện ở các nước châu Á khác và tác động đến hoạt...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET