Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Hội chứng tiêu chảy ở bê nghé

Cập nhật: 06/12/2019


Ảnh minh họa - nguồn internet

(Người Chăn Nuôi) - Bệnh tiêu chảy thường xảy ra ở bê, nghé non dưới 6 tháng tuổi. Bệnh thường xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa xuân có mưa phùn ẩm ướt, mùa hè nóng ẩm sau những trận mưa rào làm chuồng trại và bãi chăn bị ô nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời, vật nuôi sẽ chết do mất nước và chất điện giải.
Nguyên nhân

Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra: Do vi khuẩn: (E.coli, Salmonella, Clostridium perfringens….); Do virus (thường là Parvo virus ở bê non); Do ký sinh trùng (cầu trùng, giun đũa, sán lá gan, giun xoăn dạ muối khế…); Do nấm (thường gặp là Candida albican); Do thức ăn nhiều đạm, nhiều béo hoặc thức ăn ôi mốc hoặc thay đổi thức ăn đột ngột. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn tiêu hóa thức ăn, hoặc bị nhiễm khuẩn. Khi bị giun đũa bê, nghé có dáng điệu lù đù, mệt mỏi, bụng to, lông xù, hay nằm một chỗ. Khi mắc bệnh bê nghé uống nhiều nước, ăn ít hoặc bỏ ăn, không nhai, thức ăn ứ lại trong dạ dày, dạ lá sách bị cứng. Lúc đầu phân lổn nhổn, hơi táo, từ màu đen chuyển sang vàng xám, đặc sền sệt, sau đó chuyển sang màu trắng và loãng dần, có khi lẫn dịch mũi nhầy, mùi tanh khắm, rất thối. Còn khi bị cầu trùng bê, nghé ỉa chảy, phân có mùi tanh. Khi ỉa con vật cong lưng rặn nhưng phân ra ít và có dính chất nhầy và máu.

Điều trị

Trước khi điều trị phải kiểm tra nguồn thức ăn, nước uống xem có bị nhiễm bẩn hay ôi mốc không để loại trừ. Nếu bị ỉa chảy thông thường có thể dùng các loại lá chát như búp ổi, sim, phèn đen, quả hồng xiêm giã nát, hoặc nước cho uống. Trường hợp nhiễm khuẩn, ỉa chảy kéo dài phải dùng kháng sinh cho uống hoặc tiêm bắp. Nếu mất nước nhiều phải bổ sung nước và chất điện giải bằng cho uống dung dịch Oresol, hoặc truyền huyết thanh mặn ngọt vào tĩnh mạch 1.000 ml/100 kg thể trọng.

Trường hợp ỉa chảy do giun đũa, phải dùng thuốc tẩy giun đũa để điều trị. Có thể dùng Piperazin liều 0,3 - 0,5 g/kg thể trọng trộn lẫn thức ăn hay hòa nước cho uống, trường hợp bị nặng có thể điều trị lặp lại sau 5 ngày. Hoặc dùng Levamisol liều 6 - 7 mg/kg thể trọng, cho uống 1 lần vào buổi sáng.

Trường hợp ỉa chảy do cầu trùng, có thể dùng các đơn thuốc sau: Sulfamerazin hoặc Sulfadimerazin liều 0,1 - 0,12 g/kg thể trọng trộn vào thức ăn hoặc nước uống, liệu trình 5 - 6 ngày liên tục.

Cần lưu ý, trong khi điều trị bệnh cầu trùng nên kết hợp dùng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn đường tiêu hoá như Gentamycin và dùng các thuốc trợ sức trợ lực như Vitamin B1, Vitamin C, Vitamin K, Cafein. Trường hợp mất nhiều nước, bê nghé yếu cần truyền huyết thanh mặn ngọt với lượng 1.000 ml/100 kg thể trọng. Bổ sung vi sinh vật có lợi để cần bằng hệ vi sinh vật đường tiêu hóa cho bê, nghé.

Phòng bệnh

Để phòng hội chứng tiêu chảy cần nuôi dưỡng tốt bê nghé con, cho ăn đủ khẩu phần, thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch sẽ, đầy đủ, không thay đổi thức ăn đột ngột. Luôn giữ cho chuồng nuôi ấm áp, khô ráo và sạch sẽ. Thường xuyên dọn vệ sinh chuồng nuôi, phân tập trung ủ để diệt trứng giun và cầu trùng.

Thường xuyên vệ sinh chồng trại sạch sẽ, định kỳ tiêu độc khử trùng diệt trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, mòng...). Định kỳ tẩy trừ giun, sán ký sinh đường tiêu hóa cho bê, nghé.

TS. Phùng Thế Hải - Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật nuôi gà sao thịt
Kỹ thuật nuôi gà sao thịt
Kỹ thuật nuôi gà sao thịt

(Người Chăn Nuôi) - Gà sao có nhiều ưu điểm như sức đề kháng cao, dễ nuôi, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, có thể nuôi nhốt hoặc thả vườn.

Nguyên nhân và cách khắc phục gà bị chậm lớn, còi cọc
Nguyên nhân và cách khắc phục gà bị chậm lớn, còi cọc
Nguyên nhân và cách khắc phục gà bị chậm lớn, còi cọc

(Người Chăn Nuôi) - Có nhiều nguyên nhân khiến gà bị còi cọc, chậm lớn. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời, hợp lý, tránh được thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.

Làm giàu từ nuôi bò 3B
Làm giàu từ nuôi bò 3B
Làm giàu từ nuôi bò 3B

Ở thôn 6 xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì ai cũng biết Vũ Kim Tuyền, một thanh niên dám nghĩ, dám làm trong việc chăn nuôi bò thịt BBB (3B) để làm giàu trên mảnh đất quê hương.