Hotline: +84 243 869 1980

Bệnh và điều trị

Kinh nghiệm khử mùi hôi chuồng gà

Cập nhật: 27/07/2024, 16:34:47


Sử dụng đệm lót trong chăn nuôi gà là giải pháp hiệu quả giúp xử lý mùi hôi chuồng trại. Ảnh: Dengie

(Người Chăn Nuôi) – Chuồng trại có mùi hôi, không được vệ sinh sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn có hại phát triển. Chúng có thể trở thành nguồn gây bệnh cho gà, dẫn đến năng suất kém, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Nguyên nhân
Phân gà: Phân gà chứa nhiều chất hữu cơ hàm lượng cao, khi phân hủy sẽ tạo ra các khí mùi hôi.

Thức ăn thừa và chất thải từ chuồng nuôi: Là nguyên nhân góp phần tạo ra mùi hôi do quá trình phân hủy.

Các chất khí từ amoniac trong nước tiểu: Amoniac là một chất khí không màu, có mùi hắc và có thể gây kích ứng đường hô hấp và mắt. Đây cũng là nguyên nhân gây nên mùi hôi chủ yếu.

Thiếu thông gió: Thông gió không tốt trong chuồng gà dẫn đến tăng độ ẩm và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mùi hôi phát triển.

Ảnh hưởng

Mùi hôi từ chuồng trại có nguồn gốc chủ yếu từ chất thải của vật nuôi không được xử lý kịp thời. Một trong những chất chủ yếu gây ra mùi hôi đó chính là Amoniac (NH3). Nồng độ Amoniac cao làm cho chuồng gà có mùi khai, cực gắt, khó chịu, luôn là mối lo ngại với sức khỏe của gia cầm.

Chuồng trại tanh hôi bẩn thỉu còn là môi trường lý tưởng cho các vi sinh có hại phát triển. Những vi sinh này sẽ là nguy cơ trở thành mầm bệnh cho đàn gà.

Mùi hôi thối ảnh hưởng tới quá trình chăm sóc vật nuôi hàng ngày. Chất thải không được xử lý kịp thời và hiệu quả dẫn tới ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Đồng thời, gây ảnh hưởng tới các vùng dân cư.

Thực hiện tốt vệ sinh
Để chuồng gà luôn khô ráo và sạch sẽ, khi thiết kế cần chú ý không gian thoáng và lấy được ánh sáng mặt trời nhằm tiêu diệt nấm mốc và vi khuẩn có hại. Buổi sáng, nên mở tất cả cánh cửa để ánh nắng rọi vào giúp không khí trong chuồng được ấm áp, và nhờ đó tiêu diệt được các loại vi khuẩn, ký sinh trùng ẩn náu trong các góc kẹt của chuồng, dưới lớp lông vũ của gà (trừ trường hợp sáng đó trời mưa hoặc chuyển mưa).

Các loại máng đựng thức ăn, nước uống là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, vì vậy cần phải được cọ rửa hàng ngày và khử trùng thường xuyên. Ngoài ra, cần vệ sinh các khay chứa thức ăn và nước uống nhằm hạn chế mùi hôi phát sinh cũng như an toàn cho sức khỏe gà. Đối với gà bị bệnh hoặc chết cần thu gom xử lý kịp thời để tránh lây lan và phát tán mùi khó chịu.

Thường xuyên làm sạch phân trong và xung quanh chuồng trại. Kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng trại và đảm bảo phân đã khô. Nên cung cấp đủ lượng rác hữu cơ hoặc rơm sẽ giúp gắn kết nitơ và ngăn chặn Amoniac thoát ra ngoài. Phân phải được thu gom và chuyển đến khu vực chứa.

Quét dọn chuồng trại để giảm thiểu bụi. Thường xuyên làm sạch bụi trong chuồng và các lỗ thông gió. Tránh bào tử gây mùi hoặc các chất hữu cơ khác lâu ngày bị phân hủy sinh ra mùi hôi. Cùng đó, những lối đi trong chuồng gà và hành lang xung quanh khu vực chuồng gà cũng cần được quét dọn sạch sẽ.

Thông gió phù hợp
Thông gió là “chìa khóa” để xử lý mùi hôi từ chuồng gà. Do đó, người nuôi cần giữ không khí trong chuồng trại thoáng mát, giúp phân tán mùi hôi trong trang trại. Có thể tăng cường thông gió bằng cách sử dụng quạt.

Ứng dụng đệm lót
Sử dụng đệm lót trong chăn nuôi gà là giải pháp hiệu quả giúp xử lý mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất trộn có thể là trấu, mùn cưa, lõi bắp, vỏ bào… kết hợp men vi sinh vật có lợi dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Hệ men vi sinh vật có lợi giúp phân giải nước tiểu, phân thải, hạn chế khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của vi sinh vật có hại. Riêng phân của gà sau khi thu dọn đệm lót có thể dùng bón cây rất tốt.

Đệm lót lên men có sự khử trùng tố nên không cần phun thuốc định kỳ lên bề mặt. Khi phát hiện đệm lót có mùi khai, thối… cần có cách xử lý phù hợp xới tơi đệm lót, để chuồng thông thoáng, mùa nóng có thể dùng quạt gió, sau đó bổ sung chế phẩm. Trong mùa nóng, mở hết cửa cho thông thoáng, nếu cần phải dùng quạt hơi nước để thoát hơi nóng và làm mát chuồng nuôi cho gà. Trong những tháng nóng nhất nên thực hiện nuôi trên đệm lót mỏng và định kỳ thay mới nếu không có biện pháp chống nóng thích hợp.

Nuôi gà bằng đệm lót sinh học đang được khuyến khích áp dụng và được coi là mô hình an toàn thân thiện với môi trường.

Chế phẩm sinh học
Đây là giải pháp được các chuyên gia khuyến khích lựa chọn hiện nay. Không chỉ loại bỏ mùi hôi, chế phẩm sinh học còn có tác dụng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Ưu điểm vượt trội của sản phẩm là tuyệt đối an toàn cho người và vật nuôi, không ảnh hưởng đến bề mặt nền. Chế phẩm với các thành phần vi khuẩn có lợi, hoàn toàn thân thiện mới môi trường, có hiệu quả lâu dài, triệt để.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm sinh học. Để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần cân nhắc lựa chọn sản phẩm chất lượng và chi phí phù hợp.

Thanh Hiếu


Có thể bạn quan tâm

Sử dụng thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi
Sử dụng thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi
Sử dụng thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi

Hiện nay, để kiểm soát mùi hôi, ô nhiễm môi trường và kiểm soát dịch bệnh, trại nuôi đã và đang dùng chủ yếu là các loại hóa chất có tính sát khuẩn và ôxy hóa mạnh. Vệ sinh chuồng trại định kỳ cũng là việc làm rất quan trọng...

Phòng bệnh cúm gia cầm dịp Tết Nguyên đán
Phòng bệnh cúm gia cầm dịp Tết Nguyên đán
Phòng bệnh cúm gia cầm dịp Tết Nguyên đán

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh từ bên ngoài môi trường xâm nhập các cơ sở chăn nuôi, cần tăng cường biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm.

Phòng bệnh cho vật nuôi mùa mưa bão
Phòng bệnh cho vật nuôi mùa mưa bão
Phòng bệnh cho vật nuôi mùa mưa bão

Miền Bắc đang ở thời điểm của mùa mưa bão. Đây là cơ hội để phát tán mầm bệnh và gây khan hiếm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm.