Những ngày nắng nóng, người nuôi cần để ý chuồng trại thường xuyên - Ảnh: CTV
(Người Chăn Nuôi) - Vào mùa hè thời tiết oi bức với những đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao (có ngày lên đến 40 độ) làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gia súc, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Do vậy để giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp chống nóng cho đàn gia súc.
Chuồng trại
Đảm bảo nhiệt độ trong chuồng từ 22 - 250, ẩm độ không quá 75%. Tùy theo quy mô và điều kiện của người chăn nuôi, có thể sử dụng hệ thống dàn mát và quạt hút cho chuồng trại để điều chỉnh nhiệt độ dễ dàng, cần chú ý kiểm tra điện hàng ngày không để mất điện hoặc trục trặc kỹ thuật trong chuồng nuôi.
Lắp đặt hệ thống giàn phun mưa cả trên mái và trong chuồng cho vật nuôi. Hệ thống giàn phun tốt nhất nên lắp hệ thống tự động để đảm bảo chất lượng giàn phun cũng như lượng nước phun trong chuồng. Những nơi chưa có điều kiện lắp giàn phun có thể dùng các cây dây leo như bìm bìm, mướp, nhót, sắn dây… leo trên mái làm mát tự nhiên cũng rất tốt.
Làm hệ thống bạt che nắng để che chắn trực tiếp, nắng đến đâu che bạt đến đó. Đây là biện pháp hữu ích thực tế đã nhiều người áp dụng và rất có hiệu quả.
Cần chú ý kịp thời khi có giông, bão, lốc mưa lớn không để các vật liệu trên bị đổ hoặc tạo sức nặng cho mái chuồng nuôi làm ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi.
Vật nuôi
Quan sát và điều chỉnh giảm mật độ vật nuôi trong chuồng. Với heo, gia cầm cần cải tạo bổ sung các ô chuồng mới để giảm mật độ nuôi. Với trâu bò, chỉ cần đưa trâu bò ra nhốt ở những nơi có bóng mát.
Luôn đảm bảo đầy đủ lượng nước uống và dùng chất điện giải pha cho vật nuôi uống tránh mất nước, vừa bổ sung các loại vitamin, khoáng chất sẽ tăng đề kháng cho vật nuôi.
Những ngày nắng nóng cao điểm, nên bổ sung các máng uống và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo con vật được uống đủ lượng nước sạch. Giảm khẩu phần ăn về buổi trưa, tăng bù vào chiều mát, sáng sớm và đêm. Trong khẩu phần ăn tăng cường thành phần thức ăn xanh như rau cỏ tươi, củ quả… tăng cường khẩu phần đạm giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần ăn.
Định kỳ tắm cho vật nuôi để giảm nhiệt cho cơ thể và phòng chống các bệnh ngoài da.
Phòng bệnh
Thời tiết càng nắng nóng càng cần vệ sinh tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, nền chuồng luôn phải sạch sẽ khô ráo, cống rãnh không đọng phân và nước, nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi. Phun nước làm sạch chuồng trại những ngày này cần phun diện tích rộng cả trong và ngoài chuồng. Đồng thời tăng số lần dùng nước phun rửa trong ngày lên 2 - 3 lần/ngày. Đặc biệt sau khi vệ sinh cơ giới vẫn phải đảm bảo phun thuốc sát trùng định kỳ và thuốc diệt côn trùng để ngăn chặn mầm bệnh. Chuồng nuôi sạch sẽ làm một biện pháp làm mát cho vật nuôi rất hiệu quả.
Ngoài những biện pháp kể trên thì yếu tố kinh nghiệm của người chăn nuôi cũng rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy người chăn nuôi cần chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết từ hôm trước và sáng sớm hôm sau để lên kế hoạch cụ thể về che chắn chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn nước uống, kiểm tra hệ thống điện trong chuồng nuôi. Quan trọng hơn là để kịp thời đối phó với những cơn giông, lốc và những trận mưa lớn xuất hiện đột xuất trong ngày tránh để vật nuôi bị nhiễm lạnh hay mắc bệnh.
Phạm Dũng
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Đại học Khoa học đời sống Na Uy đang áp dụng phương pháp mới sợi sinh học để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) bằng vi khuẩn.
Thứ Sáu, 28/03/2014 - 09:01 Là chủ trang trại nuôi heo lớn ở Biên Hòa, nhưng công việc chiếm nhiều thời gian của ông Nguyễn Trí Công lại là ngồi trước máy tính pha chế thức ăn.
(Người Chăn Nuôi) - Với gần 20 năm phát triển, nghề nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đã giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú, bộ mặt làng quê ngày một đổi thay.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET