Phương thức chăn nuôi bán chăn thả được nhiều hộ lựa chọn. Ảnh: IF
(Người Chăn Nuôi) - Hiện nay, ở nước ta những giống bò ngoại chuyên thịt được nuôi phổ biến ở các địa phương. Ưu điểm của các giống này là chúng có tốc độ sinh trưởng và tăng trọng lớn, tỷ lệ thịt khá cao (trên 60%) và phẩm chất thịt ngon.
Hệ thống chuồng trại
Thiết kế chuồng trại theo tiêu chuẩn thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và hướng chuồng nên chọn hướng Nam hoặc Đông Nam để đảm bảo ánh sáng cũng như sự thông thoáng của chuồng. Thông thường, nếu nuôi bò với số lượng lớn, cần xây dựng chuồng thành từng dãy dài, mỗi chuồng có diện tích khoảng 4 - 5 m2/con để thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng bò. Nền chuồng nên láng bằng nền xi măng, tránh láng bóng gây trơn trượt cho vật nuôi.
Thức ăn
Hiện nay, có hai hình thức chăn nuôi bò các hộ chăn nuôi thường áp dụng là chăn thả toàn diện và bán chăn thả.
Nếu diện tích đất rộng, cỏ tốt, có thể chăn thả bò trên bãi khoảng từ 8 - 10 tiếng/ngày, điều này giúp tận dụng tốt nguồn thức ăn sẵn có mà không tốn công sức cắt cỏ và vận chuyển cỏ về chuồng. Thông thường, mỗi ngày bò cần được cung cấp khoảng từ 30 - 40 kg cỏ tươi là tốt nhất (có thể bổ sung thêm rơm khô ủ với urê từ 5 - 7 kg/con/ngày). Ngoài ra, tùy vào điều kiện cụ thể của người nuôi để cung cấp thức ăn tinh phù hợp, mỗi ngày bò cần khoảng 1,5 - 2 kg thức ăn tinh.
Đối với những gia đình không có sẵn nguồn cỏ chăn nuôi bò, thì phương thức chăn nuôi bán chăn thả sẽ là lựa chọn hợp lý nhất. Với hình thức này bò sẽ được thả trên bãi khoảng 4 tiếng/ngày, khoảng thời gian còn lại người nuôi có thể tìm kiếm thêm thức ăn bổ sung tại chuồng cho bò.
Ngoài ra, người nuôi cần chú ý đến nguồn nước uống cho bò vì đây cũng là một trong những yếu tố chính trực tiếp quyết định đến tốc độ tăng trưởng của bò. Nhất là vào mùa khô, hanh, cần phải đảm bảo cho bò được cung cấp nguồn nước sạch sẽ, nếu không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể của bò và từ đó có thể dẫn đến giảm trọng lượng trong cơ thể.
Chăm sóc bò mẹ và bê con mới sinh
Khi bò mẹ chuẩn bị sinh thường có biểu hiện bồn chồn, đứng lên nằm xuống, chân cào nền chuồng, mông sụt, bầu vú căng. Người nuôi cần căn cứ vào các dấu hiệu của bò mẹ để có sự chuẩn bị kịp thời. Nếu trong trường hợp bò đẻ bình thường, người nuôi chỉ cần dùng tay kéo nhẹ bê con đồng thời kết hợp với nhịp rặn của bò mẹ. Đối với trường hợp bò mẹ khó đẻ như thai ngược, thai ngang, nên nhờ sự can thiệp của các cán bộ thú y gần nhất.
Khi bê con được sinh ra, lấy khăn lau sạch nhớt, dãi ở phần đầu để bê con đảm bảo được sự hô hấp.
Sau khi sinh 1 tháng đầu nên để bê ở lại chuồng cùng với bò mẹ, chuồng trại phải luôn khô ráo, sạch sẽ tránh gây bệnh về đường tiêu hóa cho bê con. Sau khi bê con được 30 đến 40 ngày tuổi thì nên tập cho bê ăn cỏ non phơi tái, cho ăn từ 5 - 8 kg/con/ngày, bổ sung thức ăn tinh từ 0,5 - 1 kg/con/ngày.
Đối với bò mẹ sau khi sinh, người nuôi cần cho uống nước ấm có pha muối để cân bằng điện giải và tăng cường sức khỏe. Trong thời gian nuôi con, cho bò mẹ ăn thức ăn thô xanh từ 30 - 40 kg/(cỏ ghine hoặc VA06) ngày và kết hợp cho ăn thức ăn tinh từ 1 - 2 kg/ngày để cho bò mẹ nhanh hồi phục sức khỏe chuẩn bị cho chu kỳ phối giống tiếp theo.
Chăm sóc bê con sau cai sữa
Giai đoạn bê lai đạt từ 6 - 14 tháng tuổi: sử dụng phương pháp chăn thả là chính, bổ sung thêm thức ăn thô xanh với lượng khoảng 7 - 14 kg/con/ngày, thức ăn tinh từ 1 - 1,5 kg/con/ngày, ngoài ra bà con có thể bổ sung thêm rơm khô ủ với urê từ 5 - 7 kg/con/ngày.
Giai đoạn từ 15 đến 18 tháng tuổi: là giai đoạn chuẩn bị xuất bán bò thịt, cần lưu ý bổ sung thức ăn thô xanh từ 35 - 40 kg/con/ngày, thức ăn tinh từ 1,5 - 2 kg/con/ngày. Đặc biệt lưu ý luôn luôn có máng nước uống cho bò vào ban đêm, ngoài ra người nuôi cần sử dụng thêm rơm khô làm thức ăn bổ sung tại chuồng.
Vỗ béo: Trước khi xuất bán, nếu bò gầy, cần vỗ béo khoảng 2 tháng sẽ cho lợi nhuận cao hơn. Để bò nhanh béo cần tẩy giun sán trước lúc vỗ béo. Nuôi nhốt tại chuồng suốt thời gian vỗ béo, mỗi ngày cho ăn 30 - 40 kg thức ăn thô xanh và 3 - 5 kg thức ăn tinh chia làm 4 - 5 bữa trong ngày. Đảm bảo luôn có nước sạch trong máng uống, đồng thời bổ sung khoáng (dưới dạng premix) và lượng vitamin để xúc tác giúp khả năng chuyển hóa thức ăn để nâng cao sự phát triển của đàn bò.
Quản lý dịch bệnh
Thực hiện tốt lịch tiêm phòng, giúp cho bò chống lại được các bệnh phổ biến như tụ huyết đường, lở mồm long móng… Tẩy giun cho bò thường xuyên bằng các loại thuốc đặc hiệu như Ivermectil, hoặc Levamisole, hoặc Menbedazol; thuốc tẩy sán lá gan Dectil.B; đồng thời định kỳ dùng thuốc điều trị dự phòng bệnh ký sinh trùng đường máu, như Azidin hoặc Trypanosoma…Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại thường xuyên và định kỳ tẩy uế chuồng nuôi cũng như môi trường chăn nuôi bằng các thuốc sát trùng Iodine; Antisep; hoặc Benkocid… để đảm bảo môi trường phát triển tốt nhất cho đàn bò.
>> Đối với những giống bò ngoại chuyên thịt, để đạt được hiệu quả tối ưu, người nuôi cần phải đầu tư lớn và nắm bắt được các kỹ thuật chuẩn xác. Mục tiêu cần đạt được là trong một thời gian nhất định, bò đạt khối lượng cao, có độ béo khá mà tiêu tốn thức ăn ở mức thấp nhất.
PSG. TS Phạm Ngọc Thạch
TS Phạm Thị Lan Hương
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Tenuta Vannulo là một trong những trang trại nuôi trâu hữu cơ lớn và lâu đời tại TP Cilento, Ý. Trang trại nổi tiếng không chỉ bởi những miếng phô mai chất lượng được sản xuất từ sữa trâu mà còn bởi cách nuôi khá thú...
Đ.THÀNH -Thứ Tư, 13/11/2013, 9:36 (GMT+7) Chiều 12/11, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết: Bệnh lở mồm long móng (LMLM) bùng phát trên địa bàn xã đã làm 18 con bò của 12 hộ dân ở thôn Phú Bông...
(Cổng ĐT HND)- Trước đây gia đình anh Hoàng Văn Chung, thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cũng như nhiều gia đình khác năm nào cũng thiếu ăn trong thời gian giáp hạt.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET