Nuôi vịt chạy đồng cho hiệu quả cao Ảnh: LHV
(Người Chăn Nuôi) - Vịt chạy đồng là nguồn thực phẩm sạch, được thị trường ưa chuộng nên đầu ra luôn ổn định. Nuôi vịt chạy đồng cũng được xem là mô hình “một vốn bốn lời” của nhiều người chăn nuôi hiện nay.
Ưu điểm
Đây là hình thức nuôi với mục đích có thể tận dụng thức ăn và lúa rơi vãi sau thu hoạch trên đồng. Ngoài ra còn bổ sung chất hữu cơ cho đồng ruộng và tiêu diệt các loại côn trùng trên đồng ruộng trước, trong và sau thu hoạch. Hầu hết thời gian trong ngày vịt được chăn thả và có thể tự kiếm ăn trên đồng ruộng, tiết kiệm được lao động nên biện pháp này có thể áp dụng trên cánh đồng mẫu lớn với quy mô đàn lớn; Đồng thời áp dụng cho các hộ có diện tích đồng nhỏ, ít vốn khai thác với số lượng vịt nuôi ít, phù hợp với điều kiện nông hộ.
Mùa vụ thả nuôi
Để tận dụng được những ưu thế trên, người chăn nuôi cần phải xác định lịch gieo trồng theo thời vụ và phạm vi đàn vịt có thể chăn thả mà chuẩn bị các điều kiện chăn nuôi và quy mô. Các giống vịt nuôi chăn thả đồng tốt nhất không nên nuôi vượt quá 60 - 75 ngày.
Nuôi vịt thịt chạy đồng là phương thức được áp dụng rộng rãi ở những vùng trồng lúa, tập trung nhiều nhất vào cuối các vụ lúa sắp thu hoạch và suốt sau giai đoạn tiếp theo sau thu hoạch.
Ở miền Bắc, vịt được thả nuôi vào 2 vụ chính là:
- Vịt vụ chiêm: Vào tháng 5 khi ấp nở rộ nhưng phiên chính để gột vịt vào lúc lúa trổ bông đều. Một số ruộng cấy sớm đã có lúa chín vào cuối tháng này. Và vào đầu tháng 6, vịt gột đã gần 1 tháng, biết ăn thóc trùng với vụ gặt, có thể thả vịt ra đồng chăn.
- Vịt vụ mùa: Ấp chính vụ, gột vịt con lúc lúa trổ bông vào tháng 10 và đầu tháng 11, vịt gột đã gần 1 tháng biết ăn thóc trùng với vụ gặt, có thể thả vịt ra đồng chăn.
Ngoài ra, vào mùa hoa cỏ ở các bãi ven sông, ven đê vào tháng 7 - 9 có nhiều loại cỏ ra hoa có hạt mà vịt thích ăn, chăn thả vịt đàn tận dụng hoa lá cỏ, kiếm mồi giun, dế… và cho ăn thêm thóc lúc chiều về.
Ở miền Nam:
- Thả vịt vụ mùa cấy vào tháng 5: Ấp rộ cung ứng vịt con để gột. Cuối tháng 5 và cuối tháng 6 vào vụ cày bừa trên cánh đồng có rất nhiều tôm tép, cua ốc, vịt gột đã gần 1 tháng nên có thể cho vịt ra đồng ruộng chăn, cho ăn thêm thóc. Tháng 7, tiếp tục thả vịt ở đồng chưa cấy.
- Vịt vụ mùa gặt: Ấp rộ cung ứng vịt con để gột lúa trổ bông vào tháng 10 và tháng 11, vịt đã gột xong, lúc bắt đầu gặt rộ nên có thể thả chăn đồng.
Hiện nay mùa vụ cấy lúa, hoa màu trên đồng ruộng có nhiều thay đổi do thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới ngắn ngày, nên tùy từng địa phương mà người chăn nuôi điều chỉnh lịch cho ấp, gột, để thả đồng cho khớp mùa vụ để có thể giảm chi phí thức ăn nuôi vịt thịt.
Kỹ thuật chăn thả
Sau giai đoạn úm và tập ăn lúa, vịt được chăn thả suốt ngày trên đồng, nếu quá xa chuồng và khi thời tiết thuận lợi có thể giữ vịt qua đêm ở những cánh đồng đang thời kỳ thu hoạch. Cần chọn đồng trước khi lùa vịt tới chăn và để vịt tự do tìm thức ăn trong những nơi có nhiều thức ăn.
Hàng ngày nên thả vịt vào sáng sớm để vịt có thể tận dụng lúc trời mát tìm kiếm thức ăn được nhiều hơn. Khi nắng nóng, cần lùa vịt vào những nơi có bóng mát và nước uống đầy đủ để vịt nghỉ ngơi. Chiều mát lùa vịt đi ăn, đến gần tối để vịt ăn thật no, sau từ từ lùa vịt về chỗ nghỉ đêm. Khi vịt đã lớn, nếu thời tiết tốt và có trăng sáng, có thể cho vịt vào ruộng để kiếm ăn tự do, nhằm thúc đẩy sự sinh trưởng nhanh chóng.
Cần di chuyển chỗ nhốt vịt vài tuần một lần để đảm bảo công tác vệ sinh nơi chăn thả và nguồn thức ăn không bị cạn kiệt do chỉ nhốt ở một chỗ. Tránh lùa vịt đi trên đường hoặc ruộng khô khi trời quá nắng sẽ làm kiệt sức. Khi lùa vịt xuống kênh mương để di chuyển, cần chọn chỗ dốc thoải mái cho vịt xuống tắm một chút, rồi từ từ lùa cả đàn đi, nếu có nước chảy nên lùa theo dòng nước.
Hàng ngày cần quan sát kỹ và kiểm tra sức khỏe đàn vịt. Những giống vịt khác nhau khi nuôi chăn thả có tuổi giết mổ khác nhau nên cũng phải áp dụng kỹ thuật nuôi cho hợp lý. Nếu nuôi dưỡng chăm sóc không thích hợp sẽ làm cho vịt chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp.
Phạm Hải
Có thể bạn quan tâm
Thứ Ba, 05/11/2013, 10:36 (GMT+7) Tính đến ngày 4-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 296 con trâu bò bị mắc bệnh lở mồm long móng tại 7 huyện, thị xã, thành phố, hiện nay có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình đó, các ngành...
(Người Chăn Nuôi) - Ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi lợn sạch bằng ủ men vi sinh trên nền đệm lót sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra trên người và vật nuôi.
(Người Chăn Nuôi) - Tuân thủ quy trình tối ưu về vệ sinh, sát trùng chuồng trại giúp duy trì môi trường chăn nuôi lành mạnh, giảm tác động xấu của dịch bệnh, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi và phúc lợi của đàn gà, đồng thời đảm bảo...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET