Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi đến thăm trang trại của hộ bà Nguyễn Thị Thanh Tơ ở ấp Ruộng 2, xã Tân Quan (Hớn Quản), người đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh trong nhiều năm. Vẻ chất phác, mộc mạc của bà Thanh Tơ thể hiện từ ánh nhìn, cái bắt tay, nụ cười và cả những thao tác thành thạo trong công việc của một nhà nông.
Người dân tộc thiểu số làm tại trại cao su giống của bà Thanh Tơ
Thăm khu vườn rộng 15 ha, trong đó có 12 ha cao su (4 ha đang cho thu hoạch), 3 ha còn lại vừa trồng mít Thái, vừa xây dựng 9 trại nuôi gà, 3 trại nuôi heo theo hình thức gia công. Bà Thanh Tơ cho biết: Trồng cao su những năm 90, đúng thời điểm giá mủ thấp, lại bấp bênh nên mở rộng diện tích rất khó khăn. Tiền thu hoạch từ mủ cao su không bù đắp được số vốn đã đầu tư, chăm bón nên thua lỗ liên tục. Tận dụng ô đất trống trong vườn cao su kiến thiết cơ bản, tôi đã trồng xen 6 ha bắp và làm stump cao su vừa nhân rộng trong vườn, vừa bán cho nông dân. Và khi đầu tư thêm 9 trại nuôi gà, 3 trại nuôi heo, mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền phân bón cho cây trồng.Từ 1 trại nuôi gà vào năm 2001 lên đến 12 trại gà, heo vào năm 2010.
Từ khu trại chăn nuôi của gia đình bà, nhìn sang phía đối diện là một vườn cao su non rộng, bên trong từng hàng bắp được trồng thẳng tắp với trái chắc nịch. Bà Thanh Tơ vui mừng nói: “Khu đất này là nơi sản xuất ra nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn heo, gà. Lấy ngắn nuôi dài, chủ động về nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây trồng chính là bí quyết thành công trong làm kinh tế của gia đình tôi”.
Bà Thanh Tơ sinh ra ở thành phố cảng Hải Phòng nhưng vì nghèo khó nên cả gia đình chuyển vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1980. Sau nhiều năm làm công nhân chăm sóc và y tá tại Nông trường Minh Hưng (Công ty cao su Bình Long), năm 1992 vợ chồng bà dành dụm mua được 0,3 ha đất để trồng lúa, đậu, lấy thức ăn hằng ngày. Bà còn kết hợp nuôi bò, mua xe trâu để chở nông sản và cày đất thuê cho người dân trong vùng.
Năm đầu gây dựng kinh tế, bà đến tận nơi, nhìn tận mắt các mô hình hiệu quả của người dân trong vùng để học hỏi, làm theo. Để có tiền mua thêm đất, cây giống và phân bón, vợ chồng bà phải gán công trừ nợ cho các chủ vườn như: xới đất, xạc cỏ, cưa cây, chặt củi... Bà Thanh Tơ cho biết: Lấy công làm lãi, vợ chồng tôi đã dành dụm mua thêm được hơn 1 ha đất trồng cao su. Tôi đã phải vay lãi 70 triệu đồng mua phân bón. Khi có nguồn thu từ cao su, gia đình tôi tiếp tục mua thêm đất mở rộng diện tích cây trồng.
Nhờ cần cù chịu khó, ham học hỏi, sáng tạo trong công việc nên hiện gia đình bà Thanh Tơ đang sở hữu một mô hình kinh tế hiệu quả, với 3 trại heo, 9 trại gà, 12 ha cao su, 1 ha mít Thái. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà thu về hơn 550 triệu đồng. Mô hình kinh tế của bà còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương với mức lương ổn định từ 3 đến 3,6 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng 20 người từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Là nông dân sản xuất giỏi, bà Tơ còn được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ chăn nuôi của xã. Bà cũng được nhiều người biết đến bằng những việc làm từ thiện, như ủng hộ quỹ Khuyến học, tặng quà tết cho người nghèo, xây nhà tình thương, tình nghĩa... hơn 10 triệu đồng/năm.
(Người Chăn Nuôi) - Hỏi: Heo 1,5 tháng tuổi, có hiện tượng bỏ ăn, sưng đầu, sưng mặt, sưng mắt, đỏ mắt, sốt, đi ngoài phân lỏng màu đen, xin hỏi cách điều trị?
(Người Chăn Nuôi) - Chuồng nuôi chim cút đẻ đúng tiêu chuẩn phải đáp ứng được các nhu cầu sinh lý của chim cũng như đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường, người nuôi cần đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật khi làm chuồng.