Men theo con đường đất đỏ, giữa mênh mông bạt ngàn rừng keo, chúng tôi đến ngôi nhà gỗ ba gian khang trang của vợ chồng anh Đàm Thọ ở xã Lộc Yên. Là một nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Anh đã từng bước biến khu đồi hoang cằn, sỏi đá thành một khu trang trại trù phú. Vợ chồng anh Đàm Thọ là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Đàm Thọ với mô hình kinh tế chăn nuôi liên kết 600 con/ lứa
Sinh ra tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, năm 1979 anh Thọ vào xã Lộc Yên, huyện Hương Khê lập nghiệp. Tại đây anh đã gặp và kết duyên với chị Bùi Thị Hoa, một thiếu nữ vùng sơn cước. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh siêng năng làm lụng trên vài sào đất lúa và hoa màu nhưng do đất đai ít lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên cuộc sống vợ chồng anh chị gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Lúc này nhận thấy diện tích đất đồi hoang hóa phía đông của xã còn nhiều, năm 1989 anh đã mạnh dạn xin phép chính quyền địa phương được khai hoang, phục hóa để phát triển kinh tế.
Sau khi cải tạo được 3 ha đất hoang hóa anh quyết định trồng cây cam, bưởi, đào ao thả cá và chăn nuôi trâu, lợn và gà. Vì nguồn vốn ít lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt nên thời gian đầu anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Anh Thọ tâm sự, có thời điểm "Để có tiền đong gạo, ban ngày anh đào hố trồng cam tối đến anh đập đuốc đi mai cá để sáng mai chị đi chợ bán lấy tiền đong gạo". Khó khăn là thế, nhưng với đức tính siêng năng, cần cù, chịu khó và ý chí vươn lên thoát nghèo anh chị đã biến khu đồi hoang hóa thành vườn cây xanh, tốt và đàn lợn, đàn gà của anh đã ngày càng phát triển. Từ đó, kinh tế gia đình anh khấm khá lên, từ chỗ thiếu ăn gia đình anh chị đã đủ ăn và có của để dành. Năm 1993 anh đã mở rộng diện tích lên 8 ha, lúc này ngoài cây ăn quả và chăn nuôi anh đã quyết định trồng keo nguyên liệu.
Chưa dừng lại ở đó, với khát vọng vươn lên làm giàu từ kinh tế trang trại năm 1999 anh quyết định dốc hết vốn liếng đầu tư mở rộng quy mô ra toàn bộ vùng đồi phía trước. Lúc này anh vấp phải sự can ngăn quyết liệt của vợ con. Chị Hoa tâm sự "lúc đó chị thấy quy mô trang trại như thế là đủ cho gia đình làm rồi, mở rộng ra nữa chị sợ không làm nổi với lại khu đồi đó khô cằn lắm chú ạ". Nhưng với bản tính cứng cỏi, quyết đoán của mình anh đã thuyết phục được vợ. Vợ chồng anh đã bán một đàn trâu 5 con, một chiếc xe máy và 3 cây vàng để đầu tư mở rộng khu trang trại. Tại khu đất mới này, anh quyết định trồng cam chanh ghép, nuôi lợn rừng, trồng Dó Trầm và tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá trắm, cá chép, cá mè. Ngoài ra để tự cung tự cấp về lương thực anh đã san lấp 1ha đất để trồng lúa và hoa màu.
Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt nhưng nhờ quá trình tự học tập, tìm hiểu qua tài liệu, các phương tiện truyền thông, tham quan học tập, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi trang trại tổng hợp của anh Đàm Thọ ngày càng phát triển và cho thu nhập cao. Năm 2012, tổng thu nhập từ trang trại gia đình anh thu được trên 1 tỷ đồng.
Có thêm kinh nghiệm và vốn liếng trong tay, năm 2012 anh đã vay thêm 850 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và liên kết với Công ty CIPI Thái Lan đầu tư xây dựng khu chuồng trại với quy mô 600 con/lứa theo quy trình hiện đại, khép kín, có hệ thống xử lý môi trường. Đây là môt trong những mô hình chăn nuôi tập trung đầu tiên của huyện. Hiện nay, đàn lợn của anh chuẩn bị xuất chuồng, ước tính sẽ đạt 60 tấn, trừ chi phí anh sẽ thu về trên 200 triệu đồng. Cũng nằm trong quy trình xử lý môi trường trong chăn nuôi anh đã đào thêm 5 hồ chứa nước với diện tích gần 1 ha và tận dụng diện tích mặt nước này thả hơn 1 tạ cá giống bao gồm các loại mè, trắm, chép, rô phi đơn tính, ước tính trong năm nay gia đình anh sẽ thu về khoảng 1,5-2 tấn cá thịt.
Trên cơ sở những thành công bước đầu trong chăn nuôi tập trung trong năm nay gia đình anh Thọ đang dự định xây dựng thêm một khu chuồng trại quy mô 600 con nữa và đầu tư trồng khoảng 5 ha cao su tiểu điển.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Thọ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng. Vì thế, nhiều năm liền anh Thọ vinh dự được công nhận là hộ SXDG giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, và được TW Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen cho hộ SXKD giỏi giai đoạn 2007-2011. Anh là đại biểu tham dự đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh và tại đại hội anh vinh dự được bầu vào đoàn đại biểu tham dự đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI. Đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới anh đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, ngày công....để mở đường, riêng gia đình anh gương mẫu đi đầu, chuyển đổi cho xã 5 ha đất mặt đường để quy hoạch khu dân cư. Năm 2012 anh vinh dự được Ủy Ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vinh danh là điển hình tiêu biểu cấp tỉnh trong xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đã đạt được, anh Đàm Thọ xứng đáng là tấm gương điển hình của nông dân huyện nhà trong phong trào xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu xứng đáng và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới./.
(Người Chăn Nuôi) - Nuôi dê lấy sữa là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên, cần nắm vững một số kỹ thuật trong khâu chăm sóc, phòng bệnh để có thể đem lại năng suất cao nhất.
(Người Chăn Nuôi) - Khô cải canola chưa được coi là nguồn thức ăn phổ biến cho bò sữa bởi có rất ít nghiên cứu khoa học đánh giá về loại cải này. Tuy nhiên, nếu sử dụng đúng cách, đây có thể trở thành một nguồn dinh dưỡng lý...
(Người Chăn Nuôi) - Trong lúc giá heo hơi xuống đáy, nhiều người chăn nuôi “khóc dở, mếu dở” phải bỏ chuồng trại, thì anh Kiên lại làm chuyện ngược đời, đi mua thêm heo về nuôi. Nhiều người bảo anh gàn dở, nói anh không biết tính toán, làm...