(Người Chăn Nuôi) - Lở mồm long móng (LMLM) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại virus thuộc giống Aphthovirus, họ Picornaviridae gây ra, lây lan rất nhanh, rất mạnh cho tất cả các loài gia súc. sử dụng vaccine phòng ngừa đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra.
Chủng loại, thành phần
Căn cứ vào kết quả giám sát lưu hành virus, kết quả giải trình tự gen và theo dõi sử dụng vaccine LMLM tại Việt Nam trong năm 2017. Cục Thú y đã khuyến cáo việc sử dụng vaccine phòng bệnh LMLM tại các địa phương ở Việt Nam (Công văn số 2168/TY-DT ngày 5/10/2017) năm 2018 như sau:
• Sử dụng vaccine nhị giá (típ O và A) tại những địa phương (cấp huyện) sau đây: Địa phương có lưu hành virus LMLM típ A hoặc cả O và A; địa phương có nguy cơ cao đối với sự xâm nhập của virus LMLM típ A.
• Địa phương có phát sinh ổ dịch lâm sàng bệnh LMLM nhưng không lấy được mẫu để xác định típ virus LMLM gây bệnh;
• Sử dụng vaccine đơn giá típ O tại những địa phương (cấp huyện) không có lưu hành virus LMLM típ A trong 3 năm gần đây;
• Sử dụng vaccine tam giá (týp O, A và Asia 1) để tiêm phòng khi xuất hiện virus LMLM típ Asia 1.
Về thành phần kháng nguyên trong một liều tiêm: Vaccine đơn giá típ O phải có tối thiểu 2 trong 4 kháng nguyên O3039, OManisa, OTaw98, OTur 5/09. Vaccine nhị giá (típ O và A) phải có tối thiểu 2 trong 4 kháng nguyên như vaccine đơn giá típ O và tối thiểu 2 trong 3 kháng nguyên típ A gồm: A22Irq, AMay97, ATur06. Đối với vaccinet am giá (típ O, A và Asia 1) yêu cầu như vaccine nhị giá và thêm thành phần kháng nguyên Asia 1 Shamir. Hiện nay, ở Việt Nam đang sử dụng 2 loại vaccine: Aftopor (heo), Aftovax (trâu, bò, dê, cừu) của Merial, Decivac của Intervet và Posi-FMD Trivalent của Pfizer.
Bảo quản, vận chuyển
Vaccine ngừa LMLM cần được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 80C, tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Nếu vaccine bị đông đá hoặc để lâu ở bên ngoài thì thành phần vaccine bị biến đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Khi vận chuyển, cần duy trì nhiệt độ 2 - 80C (xe phải có khả năng giữ lạnh). Trường hợp bảo quản trong thùng giữ nhiệt thì cần bỏ nhiều túi giữ lạnh để duy trì nhiệt độ phù hợp. Chú ý, không để lọ vaccine và túi lạnh tiếp xúc trực tiếp với nhau. Vaccine LMLM thường có thành phần nhũ dầu, nên khi ở nhiệt độ thấp vaccine thường khó tiêm chủng (do chúng thường có dạng nhớt). Để tiêm phòng dễ dàng, trước khi tiêm ta nên để bên ngoài nhiệt độ phòng (15 - 250C). Nhanh chóng sử dụng hết vaccine trong vòng 2 - 3 tiếng. Nên để nhiệt kế để đo nhiệt độ phòng. Trước khi tiêm nên lắc nhẹ chai vaccine từ trên xuống dưới khoảng 20 lần để vaccine được trộn đều.
Khi tiêm chủng
Kiểm tra chai vaccine trước khi sử dụng: Thông tin trên nhãn: Tên vaccine, số lô, cách sử dụng, liều dùng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Những hư hỏng trong chai vaccine: Nút chặt hay lỏng, vaccine có chia làm 2 lớp (tách pha) hoặc có chứa nhiều sợi nhỏ (bị tủa) không. Phải có sổ theo dõi, ghi chép thông tin trên nhãn, ngày tiêm, tình trạng sức khỏe của gia súc trước và sau khi sử dụng vaccine… Chỉ tiêm phòng cho gia súc khỏe mạnh, bình thường. Trước khi tiêm, cần lắc nhẹ chai để trộn đều vaccine.
Nên tiêm ở vùng bắp sau cổ hoặc sau tai heo. Trường hợp mũi kim bị cong hoặc kim tiêm không thẳng có thể vaccine sẽ tiêm vào vùng mỡ nên cần giữ thẳng kim tiêm để vaccine được tiêm vào vùng bắp thịt. Vaccine LMLM có dạng nhũ dầu (dạng sệt) nên cần thao tác từ từ để vaccine hoàn toàn tiêm vào phần cơ bắp. Trường hợp mũi kim bị dơ (bẩn) hoặc phần đầu kim bị cùn có thể gây viêm nhiễm vết thương cho heo. Cần tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo của nhà sản xuất khi tiêm vaccine.
Tránh bọt khí trong ống tiêm: Cần đặt 2 kim vô trùng cắm vào nút cao su của chai vaccine nhằm tránh tạo bọt khí để hạn chế tác dụng phụ ở vị trí tiêm. Tuyệt đối không dùng 2 kim này để tiêm thuốc cho gia súc.
Sử dụng kim, bơm tiêm hợp lý: Không tiệt trùng kim, bơm tiêm bằng hóa chất. Chọn kim tiêm hợp lý cho từng đối tượng gia súc: Tiêm trâu bò sử dụng kim 18 G (1,2 x 40 mm) hoặc 16 G (1,6 x 40 mm)... Tiêm heo sử dụng kim tiêm bắp: 18 G (1,2 x 40 mm), 16 G (1,6 x 40 mm) hoặc 21 G (1,8 x 40 mm) cho heo con. Tiêm bắp, cần tiêm sâu vào bắp thịt cổ.
Thao tác tiêm phòng: Vaccine LMLM không ảnh hưởng đến bào thai. Tuy nhiên, thao tác tiêm cần phải thận trọng, nhẹ nhàng, tránh tạo stress, tác động mạnh cho gia súc, đặc biệt là gia súc mang thai.
Xử lý sau khi tiêm
Sau khi tiêm vaccine, vật nuôi có thể bị phản ứng do: Các chất phụ trong vaccine, vật nuôi đang ủ bệnh (đang mang mầm bệnh của bệnh cần tiêm vaccine), hoặc do kỹ thuật tiêm... Trường hợp phản ứng tại chỗ như sưng, nóng, đau... thì sau một thời gian phản ứng này sẽ mất, nếu vị trí tiêm bị nhiễm trùng, gây áp-xe mủ thì điều trị bằng kháng sinh. Trong trường hợp tiêm vaccine có thể gây phản ứng dị ứng vật nuôi sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẩn trên da... Nếu phản ứng nhẹ thì sau một thời gian sẽ khỏi, nếu nặng con vật có thể chết. Đối với các trường hợp này cần báo ngay cho cán bộ thú y để kịp thời can thiệp.
Hoàng Ngân
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Sử dụng đệm lót sinh học nuôi gà là giải pháp chăn nuôi không mùi hôi hiệu quả, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giúp hạn chế các mầm bệnh nguy hiểm.
(Người Chăn Nuôi) - Trong trường hợp heo nái đẻ lâu, thời gian đẻ kéo dài nên cho uống nước ấm pha muối, đồng thời dùng tay hỗ trợ động tác đẻ cho heo. Hoặc có thể cho heo con đẻ trước bú để kích thích heo mẹ đẻ. Người...
Thứ năm, 14/11/2013 - 04:11 PM (GMT+7) [+] Cỡ chữ: Mặc định NDĐT - Ngày 14-11, tại Hà Nội, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức đón nhận Huân chương Lao động hạng ba và Đại hội nhiệm kỳ III...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET