Với bản tính cần cù, không ngại đương đầu với khó khăn thử thách, Phạm Như Bồn được nhiều người biết đến là ông chủ của mô hình chăn nuôi tổng hợp quy mô lớn trên địa bàn xã Yên Đồng, huyện Yên Mô. Với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ năm, hiện nay, mô hình không những mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Phạm Như Bồn.
Năm 2003, Nhà nước thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, khuyến khích người nông dân phát triển các mô hình kinh tế mới. Nhận thấy đây là cơ hội “ ngàn năm có một” để làm giàu, ông Bồn tham gia đấu 8 sào đất và bắt đầu xây dựng mô hình đa canh cá - lúa, cá thịt , chăn nuôi gia cầm.
Do kinh tế gia đình còn hạn chế nên nguồn vốn ban đầu chủ yếu ông phải đi vay mượn anh em bạn bè, thậm chí cắm cả sổ đỏ để có được số tiền 60 triệu đồng đầu tư. Mạo hiểm là thế, nhưng ông vẫn tràn đầy niềm tin vào tương lai với một cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.
Tại thời điểm đó, không có máy móc hiện đại cũng như kinh nghiệm về chăn nuôi, vợ chồng ông phải tự tay cải tạo ao đầm, đắp bờ bằng phương pháp thủ công rất vất vả. Ngoài ra, do đồng vốn eo hẹp, việc đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại nuôi gia cầm chưa được nhiều, kinh nghiệm chăn nuôi hạn chế, vì vậy, mấy năm đầu gia đình ông cũng ít nhiều thua lỗ.
Song nhờ bàn tay và khối óc luôn khát khao vươn lên, ông Bồn hăng say bắt tay vào công việc với sự chăm chỉ, cần cù quyết tâm cao độ. Bên cạnh đó, ông được Trung tâm khuyến nông huyện xuống hướng dẫn cách nuôi cá lúa và quy trình chăm sóc chúng sao cho hiệu quả.
Nhờ phương pháp nuôi khoa học và cẩn thận, mô hình nhà ông dần phát triển vượt trội và trở thành một trong những điển hình tiêu biểu trên địa bàn huyện Yên Mô. Do mỗi năm lại tái đầu tư mở rộng nên đến nay, diện tích mô hình nhà ông đã lên tới hơn 4 mẫu, được chia làm 2 khu để nuôi cá và gia cầm.
Với hơn 3 mẫu ao, ông phân thành 3 nơi để nuôi cá trắm ốc, cá lúa (gồm các loại trắm đen, trắm cỏ) và cá giống. Cùng với đó là đàn gia cầm số lượng khá lớn lên tới 300 con gà pha chọi và 200 con vịt chuyên đẻ trứng.
Mỗi ngày, ông Bồn dành khá nhiều thời gian cho việc chăm sóc vật nuôi. Thức ăn của cá trắm ốc là ốc dạ nhỏ nên ông cũng khá vất vả trong việc tìm nguồn thức ăn ổn định cho chúng. Ngoài ra, các loại cá khác được nuôi theo hình thức bán công nghiệp, vừa ăn cỏ, vừa ăn cám nên trọng lượng luôn đạt tiêu chuẩn cao.
Ước tính, cân nặng trung bình của cá trắm ốc đạt từ 6 đến 10kg/con với giá dao động từ 150 đến 250 nghìn đồng/kg; cá trắm cỏ và trắm đen dao động từ 2 đến 3kg/con cũng đạt mức giá ổn định từ 50 đến 150 nghìn đồng/kg. Với quy mô nuôi khá lớn, năm nào trang trại nhà ông cũng xuất gần 2 tấn cá ra thị trường, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.
Bên cạnh đó, việc chăn nuôi gia cầm cũng mang lại lợi nhuận không nhỏ. Mỗi năm ông xuất đều đặn 2 lứa gà pha chọi ra thị trường, đàn vịt được chăm sóc kỹ lưỡng để đẻ trứng. Vì vậy, nhà ông trở thành đầu mối cung cấp trứng - thịt quanh năm cho các thương lái trong vùng. Hiện nay, tổng doanh thu mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Bồn ước tính 1 tỷ đồng một năm.
Bài, ảnh: Vân Anh
Có thể bạn quan tâm
NGUYỄN GÁI -Thứ Sáu, 15/11/2013, 10:26 (GMT+7) Nuôi bò nhốt chuồng, lấy phân bò nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi lươn, làm thức ăn chăn nuôi. Mô hình khép kín trên cho gia đình anh Vũ Văn Hòa, xóm 12, thôn Thăng Long, xã Bắc Sơn, huyện Hưng...
(Người Chăn Nuôi) - Sau mưa lũ, nguồn thức ăn cho gia cầm khan hiếm. Đồng thời, môi trường cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, do đó, đây được xem là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh trên gia cầm.
Nông dân Ðào Văn Mẫn, ở thôn Tú Dương - xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả cao, nhất là chăn...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET