Anh Hoàng Văn Thành (bên phải) và mô hình nuôi dế Thái vàng.
Thực hiện phong trào thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp do Huyện đoàn Đại Từ (Thái Nguyên) phát động, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương đoàn viên thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, trong đó có anh Hoàng Văn Thành, ở Chi đoàn xóm Văn Giang, xã Phú Lạc, với mô hình nuôi dế Thái vàng. Trung bình mỗi năm, anh thu lãi 200 – 250 triệu đồng.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Hoàng Văn Thành đi làm công nhân ở nhiều công ty, nhà máy. Song mức lương được nhận chỉ giúp anh trang trải tiền sinh hoạt hằng ngày, thuê nhà, xăng xe đi lại… mà không có tích lũy.
Anh Thành quyết định trở về quê khởi nghiệp, nhưng bắt đầu từ đâu, trồng cây gì, nuôi con gì không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Anh chịu khó lên mạng Internet tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và quyết định khởi nghiệp bằng nuôi dế Thái vàng.
Năm 2019, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm mấy chục đàn để vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm. Bởi nuôi dế là mô hình hoàn toàn mới lạ ở quê hương anh, quy trình, kỹ thuật chăn nuôi đều phải tự học hỏi trên mạng, nhất là việc điều chỉnh nhiệt độ, thức ăn sao cho phù hợp với khí hậu của địa phương. Có những lúc, dế chết nhiều, đầu ra khó khăn, nhưng anh không nản chí.
Anh Thành cho biết: Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa tìm được thị trường đầu ra ổn định. Vì nuôi dế không phải như nuôi lợn, gà… để có thể hỏi kinh nghiệm, sự hỗ trợ của những người đi trước khi cần, nhưng với quyết tâm cao và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình, dần dần công việc làm ăn của tôi cũng ổn định, thuận lợi. Năm 2022, tôi tiếp tục đầu tư 250 triệu đồng để mở rộng khu chăn nuôi dế trên diện tích 350 m2. Với giá bán từ 80 – 100 nghìn đồng/kg dế, trung bình mỗi năm tôi thu lãi từ 200 – 250 triệu đồng.
Về kỹ thuật nuôi dế Thái vàng, anh Thành cho hay, khi đã có kinh nghiệm thì việc nuôi dế lại dễ dàng, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là rau, lá chuối, lá sắn, lá khoai lang. Tất cả các rau, cỏ cho dế ăn đều phải rửa sạch, không có thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra có thể cho dế ăn bổ sung các loại cám đã nghiền mịn. Dế Thái vàng để làm nguồn thức ăn nuôi chim, cá cảnh, có thể chế biến thành món ăn cho con người…
“Mô hình này thích hợp với người nhàn rỗi, người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu muốn chăn nuôi dế hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất là phải nắm chắc kỹ thuật.” – Anh Thành chia sẻ.
Mô hình chăn nuôi dế hiệu quả của anh Hoàng Văn Thành đã thu hút nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Bí thư Đoàn xã Phú Lạc, nhận xét: Anh Thành là một đoàn viên gương mẫu, cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm và đã thành công nhờ mô hình nuôi dế Thái vàng. Mô hình mới mẻ đối với địa phương và đã thành công nên chúng tôi đánh giá rất cao, khuyến khích đoàn viên thanh niên trong xã đến tham quan, học hỏi để khởi nghiệp. Đoàn xã luôn đồng hành, hỗ trợ khi thanh niên cần như về kỹ thuật, xây dựng trang trại, tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương khác…
Trong thời gian tới, anh Thành có kế hoạch mở rộng thêm mô hình nuôi dế và đang tìm hiểu để nuôi con tắc kè, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập. Anh Thành mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng về kỹ thuật, nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để có mặt bằng mở rộng thành trang trại, có thể giúp đỡ các đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp.
Hải Đăng
Có thể bạn quan tâm
NHÓM PV -Thứ Tư, 20/11/2013, 9:35 (GMT+7) Dịch tai xanh ở lợn, dịch LMLM ở trâu bò liên tục diễn ra tại Hà Tĩnh khiến nông dân tỉnh này tổn thất rất lớn. Vì sao vậy?
(Người Chăn Nuôi) - Những công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR có thể giúp cải thiện tình trạng kháng dịch bệnh và thúc đẩy sản xuất gia cầm.
Là vùng đất ngập mặn quanh năm, thế mạnh của địa phương là con tôm, con cua, con cá và rừng ngập mặn; nông dân vừa nuôi vừa đánh bắt thuỷ sản, vừa bảo vệ rừng...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET