Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đang được ngành thú y và các địa phương thực hiện quyết liệt nhằm khống chế không để dịch lan rộng. Để hiểu rõ về thực trạng cũng như cách phòng chống hiệu quả một cách khoa học, P.V đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Cảm – Hội KHKT Thú y Việt Nam.
PV: Thưa ông, Dịch cúm gia cầm đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đời sống sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân. Xin ông cho biết nguyên nhân, tốc độ và diễn biến phát triển dịch bệnh cúm gia cầm ở nước ta trong những năm gần đây?
TS. Nguyễn Văn Cảm: Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nước ta từ năm 2003 đến nay, nguyên nhân là do virus cúm A/H5N1. Nhóm virus cúm nói chung và virus cúm A/H5N1 nói riêng đều liên tục biến đổi.
Đầu tiên xuất hiện virus cúm A/H5N1 là clade 1 sau đó xuất hiện nhiều clade khác như clade 2.3.4; 2.3.2.1 a,b,c; thậm chí cả clade 7….Mỗi clade lại có sự thay đổi tính kháng nguyên nhất định, vì vậy vacxin phòng bệnh nếu không có kháng nguyên phù hợp với virus gây bệnh sẽ kém hoặc không có hiệu quả.
TS. Nguyễn Văn Cảm – Hội KHKT Thú y Việt Nam. |
Ở Việt Nam đã nhập và sử dụng nhiều loại vacxin trong đó có vacxin chủng Re 1 ban đầu rất có hiệu quả sau đó do virus biến đổi phải nhập đến chủng Re 5 và hiện nay là chủng Re 6.
Về tốc độ và diễn biến dịch cúm gia cầm nước ta những năm gần đây: Từ năm 2003 dịch cúm gia cầm thể độc lực cao xuất hiện ở Việt Nam, bắt đầu ở miền Bắc sau đó lây lan đến miền Trung và miền Nam.
Năm 2004 là cao điểm về dịch cúm gia cầm do virus mới xâm nhập độc lực cao và đàn gia cầm của ta rất mẫn cảm (chưa hề có kháng thể kháng bệnh này) cộng thêm ta chưa có kinh nghiệm phòng chống bệnh nên việc tiêu hủy gia cầm là rất lớn tới hàng chục triệu con, gây thiệt hại nặng nề cho ngành gia cầm.
Đặc biệt bệnh đã lây nhiễm và gây chết người nên cộng đồng rất hoang mang. Năm 2005 ta đã được OIE khuyến cáo dùng vacxin, kết hợp với các biện pháp đã được điều chỉnh hợp lý thì năm 2006 hầu như cả nước không xảy ra dịch.
Ở đây nên nhấn mạnh biện pháp dùng vacxin, lúc đó có sự chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên ta làm rất tốt cả khâu kỹ thuật và giám sát. Vì vậy đạt kết quả năm 2006 như nói ở trên.
Những năm tiếp theo do mầm bệnh vẫn tồn tại trong tự nhiên, đặc biệt là trong thủy cầm nên bệnh cúm hàng năm vẫn xảy ra nhưng do chúng ta có tiêm phòng (tỷ lệ không cao), có tiêu độc sát trùng diệt mầm bệnh trong môi trường (không triệt để) nên ở phạm vi hẹp, đặc biệt các ổ dịch chỉ xẩy ra ở những hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, vịt chạy đồng….
Những nơi chăn nuôi này không áp dụng được phương thức chăn nuôi an toàn sinh học. Từ đầu năm 2014 đến nay tuy xẩy ra ở 21 tỉnh nhưng chỉ có 67 ổ và tiêu hủy chỉ có 63.611 con chứng minh rỗ cho điều này.
PV: Theo ông, cách phòng chống lây lan một cách khoa học và hiệu quả nhất?
TS. Nguyễn Văn Cảm: Việc phòng chống bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh cúm A/H5N1 nói riêng phải bền bỉ, đồng bộ và khoa học. Phương pháp tốt nhất và hiệu quả nhất là chăn nuôi an toàn sinh học.
Phải dựa vào 3 yếu tố tạo thành dịch là mầm bệnh, nhân tố trung gian truyền bệnh và động vật thụ cảm. Nếu ta tách, hoặc triệt tiêu một trong 3 yếu tố đó sẽ không có dịch.
Biện pháp cụ thể là với mầm bệnh nếu có ở gia cầm ốm chết chúng ta phải tiêu hủy đúng kỹ thuật (chôn, đốt…) để tiêu diệt mầm bệnh và không cho vận chuyển gia cầm ốm từ vùng dịch sang vùng an toàn.
Với nhân tố trung gian (phương tiện vận chuyển, dụng cụ tiêu hủy, quần, áo, dày, dép và người..) có mang mầm bệnh không cho tiếp xúc với gia cầm và thường xuyên phải tiêu độc khử trùng để giết chúng.
Còn đối với động vật mẫn cảm là gia cầm chúng ta phải tiêm phòng bằng vacxin (vacxin phù hợp với tính kháng nguyên của mầm bệnh) để tạo kháng thể chống lại mầm bệnh (nếu có mầm bệnh vào cơ thể chúng sẽ bị kháng thể trung hòa).
Tuy nhiên, tùy theo phương thức chăn nuôi mà áp dụng các phương pháp cho hợp lý. Ví dụ: chăn nuôi theo phương thức công nghiệp phải chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học; chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, tận dụng phải chú trọng tới công tác tiêm vacxin phòng bệnh…..
PV: Dưới nhãn quan của một nhà khoa học, một chuyên gia trong lĩnh vực thú y, ông đánh giá thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh của các cơ quan quản lý hiện nay?
TS. Nguyễn Văn Cảm: Dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra nhiều năm ở nước ta, các cơ quan quản lý đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống.
Về công tác phòng, ngoài các biện pháp truyền thông tuyên truyền liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành chức năng đã xây dựng các chương trình ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phòng bệnh này.
Đặc biệt trong nền chăn nuôi còn lạc hậu các cơ quan quản lý nhà nước rất trú trọng tới công tác tiêm phòng bằng các đợt tiêm phòng, giám sát virus lưu hành hàng năm để cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng.
Tuy nhiên, về phía các tỉnh như nhận định của Cục Thú y: “Một trong những nguyên nhân khiến dịch xảy ra ở nhiều địa phương hiện nay là do nhiều tỉnh, thành phố không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt hai năm 2013 và tiêm phòng đợt một năm 2014 khiến các đàn gia cầm không có miễn dịch bảo hộ virus cúm A/H5N1”.
Về chống dịch, Chính phủ đã cho thành lập Ban chỉ đạo quốc gia từ năm 2004 (gồm tất cả các Bộ tham gia do Bộ Nông nghiệp và PTNT điều hành) để chống bệnh này và duy trì cho đến ngày nay, hoạt động rất có hiệu quả.
Các tỉnh, huyện cũng có Ban chỉ đạo chống dịch, tuy nhiên việc hoạt động của Ban chỉ đạo này không đều ở các tỉnh. Vì vậy, đã có tình trạng không ít tỉnh dịch xảy ra trên diện rộng mới biết, chống dịch gặp nhiều khó khăn và kéo dài, thậm chí lây lan sang các tỉnh khác.
PV: Hiện tại, Ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng các sản phẩm gia cầm…?
TS. Nguyễn Văn Cảm: Trong các bữa ăn của các gia đình hàng ngày không thể không có thịt gia cầm. Tuy nhiên, trong các đợt dịch cúm gia cầm người tiêu dùng nên chú ý khi mua gia cầm sống cần quan tâm đến xuất sứ, gia cầm đã qua kiểm dịch, đặc biệt không mua gia cầm ốm, chết và từ vùng dịch vận chuyển đến.
Đối với sản phẩm gia cầm người tiêu dùng không nên ăn tiết canh, không mua sản phẩm gia cầm mà chưa có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.
Xin cảm ơn ông!
Lê Duy thực hiện
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Đại học Khoa học đời sống Na Uy đang áp dụng phương pháp mới sợi sinh học để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) bằng vi khuẩn.
Thứ tư, 06/11/2013 20:32 GMT+7 Từ ngày 31/10 đến ngày 4/11, ngành thú y đã ghi nhận ở 4 hộ trên địa bàn hai xã Tân Phú và Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, có vịt bệnh và chết. Tổng số vịt nuôi của 4 hộ là 938 con, trong...
(Người Chăn Nuôi) - Với tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi gà với quy mô lớn, tập trung được xây dựng nhiều.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET