Thường xuyên tăng cường sức đề kháng cho heo qua khẩu phần ăn - Ảnh: De Heus
(Người Chăn Nuôi) - Bệnh viêm dạ dày, ruột truyền nhiễm (Transmissible Gastro Enteritis - TGE) là một bệnh do virus gây ra. Bệnh khá phổ biến trên heo, gây nôn ói và tiêu chảy trên heo ở mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân
Bệnh do một virus thuộc nhóm Coronavirus gây ra. Virus chứa ARN, có hình tròn đặc biệt, được phủ bởi một lớp bọc protein dễ bị phá hủy bởi các chất sát trùng. Virus kháng axit, không bị tiêu diệt bởi axit chlorhydric (HCl) và Tripcin của dạ dày, ruột, cho phép nó đi xuống ruột và gây nhiễm cho ruột non. Virus có khuynh hướng cư trú trong các tế bào biểu bì dạ dày ruột, nhất là ruột non. Chúng ký sinh và sinh sản trong nguyên sinh chất tế bào biểu bì. Sau khi heo bị nhiễm virus, trong giai đoạn sốt có thể tìm thấy virus ở trong máu và trong tất cả cơ quan tổ chức của cơ thể heo bệnh.
Đặc điểm dịch tễ
Trong tự nhiên, các loài như chó, mèo, cáo, chồn… có thể mang trùng virus TGE. Chúng thải virus qua phân, nước tiểu và các dịch tiết khác.
Heo nhiễm bệnh TGE chủ yếu qua ăn, uống hoặc hít phải virus lơ lửng trên không khí do chúng ở trong chuồng kín. Virus sinh sôi trong nguyên sinh chất tế bào biểu bì của dạ dày, ruột và được thải ra môi trường xung quanh qua phân và nước tiểu rồi gây nhiễm sang heo khác. Virus có thể tồn tại ở ruột và đường hô hấp lâu, khoảng 2 - 3 tháng.
Heo cai sữa thường không bị chết bởi bệnh TGE. Khi chúng khỏi bệnh hoặc lớn khỏe mạnh thường mang mầm bệnh trong nhiều năm và truyền cho các con khác trong đàn. Các ổ dịch TGE mới thường xảy ra vào mùa đông. Điều này có thể được giải thích là do điều kiện khí hậu của mùa đông ít ánh sáng mặt trời, nhiệt độ thấp nên có lợi cho sự sống của virus và bệnh nhanh chóng lây lan ra cả đàn, cả trại. Mặt khác, thời tiết lạnh và thay đổi thất thường là yếu tố làm giảm khả năng kháng bệnh của heo khiến chúng dễ mắc bệnh.Virus TGE có thể gây bệnh cho heo ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh nặng nhất là ở heo con 1 - 3 tuần tuổi, gây chết chủ yếu ở heo 4 - 10 ngày.
Triệu chứng lâm sàng
Ở những đàn không có miễn dịch, nôn ói thường là triệu chứng đầu tiên, sau đó là tiêu chảy nhiều nước, mất nước và khát nước quá mức. Phân của heo con theo mẹ thường chứa sữa đông không tiêu. Tỷ lệ chết gần 100% ở heo con dưới 1 tuần tuổi, trong khi heo trên 1 tháng tuổi hiếm khi chết. Heo nái mang thai thỉnh thoảng bị sảy thai, heo nái nuôi con thì thường nôn ói, tiêu chảy và mất sữa. Những heo con mẹ còn sống thì hiện tượng tiêu chảy vẫn tiếp tục xảy ra trong khoảng 5 ngày và heo lớn hơn có thể bị tiêu chảy trong thời gian ngắn hơn.
Trong các đàn quy mô lớn bị nhiễm TGE, các triệu chứng lâm sàng có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ miễn dịch và cường độ phơi nhiễm. Khả năng miễn dịch nhờ kháng thể trong sữa mẹ thường chỉ đủ để bảo vệ heo con trong 4 - 5 ngày tuổi. Khi hàm lượng kháng thể trong sữa giảm, heo con có thể bị nhiễm trùng và bị bệnh. Nếu miễn dịch thụ động đủ để bảo vệ heo trong suốt thời kỳ theo mẹ thì tiêu chảy thường xảy ra trong vài ngày đầu sau cai sữa.
Bệnh tích
Thể cấp: Ruột, đặc biệt là ruột già căng phồng chứa đầy chất lỏng, chứa nhiều cục sữa vón không tiêu hoặc bán lỏng lẫn bọt khí. Niêm mạc dạ dày và ruột non bị viêm đỏ tấy, bị phù nề.
Thể dưới cấp: Niêm mạc dạ dày bị viêm từ cata đến viêm hoại tử. Trên niêm mạc ruột già hình thành nhiều nếp nhăn ngang. Có những cục sữa không tiêu bị vón đọng, thành ruột non rất mỏng và trong suốt. Cơ tim bị thoái hóa. Tim to, nhão nên được gọi là tim sư tử.
Chẩn đoán
Dựa vào triệu chứng lâm sàng với những biểu hiện khá rõ ràng và ít khi nhầm lẫn với bệnh khác. Ngoài ra, có thể thực hiện chẩn đoán trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp ELISA phát hiện kháng nguyên virus trong mẫu phân, phương pháp RT-PCR từ mẫu phân và tế bào nhiễm.
Phòng và kiểm soát bệnh
Bệnh không có thuốc đặc trị. Ngay khi nghi ngờ có bệnh, phải lập tức cách ly những nhà đẻ chưa bị nhiễm bệnh, bằng cách sử dụng nhân viên và dụng cụ chăn nuôi, đồ bảo hộ riêng biệt. Điều này đặc biệt quan trọng ở heo con dưới 14 ngày tuổi. Hạn chế được thời gian lây lan của bệnh càng lâu càng tốt để giảm tỷ lệ tử vong. Nếu có thể, nên chuyển heo nái 3 tuần trước đẻ đến một khu đẻ sạch bệnh trước khi chúng bị nhiễm.
Hỗ trợ cho heo con bằng cách tăng sức đề kháng, giữ vệ sinh chuồng trại, giữ ấm cho heo con, tạo môi trường khô ráo, ấm áp nhằm giảm các bệnh kế phát. Biện pháp hữu ích là tăng nhiệt độ chuồng nuôi để giảm tối thiểu mất nhiệt cơ thể và bổ sung điện giải để chống mất nước. Ngoài ra, việc sử dụng globulin miễn dịch cũng được chứng minh là mang lại lợi ích. Cùng đó, việc cai sữa trễ hơn đối với các heo con đang ăn thức ăn tập ăn có thể làm giảm tỷ lệ chết.
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh TGE cho heo nái 2 lần ở 6 tuần và 2 tuần trước khi nái sinh. Ngoài ra, heo con ngay khi ra đời cần được bú sữa mẹ để có kháng thể tốt nhất. Bên cạnh đó, phải thực hiện quản lý cơ sở chăn nuôi theo nguyên tắc an toàn sinh học đối với chuồng đẻ, chuồng cai sữa, và các chuồng heo lứa - thịt, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Hạn chế sự xâm nhập của chim trời vào chuồng trại.
>> Virus gây bệnh đề kháng yếu với các tác động của nhiệt độ, dễ dàng bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời trong vòng vài giờ và rất nhạy cảm với các chất sát trùng, tuy nhiên lại rất ổn định ở nhiệt độ lạnh.
Thái Thuận
Có thể bạn quan tâm
Xuất thân là một hộ nghèo đặc biệt khó khăn nhưng nhờ biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương là chăn nuôi trâu mà gia đình người nông dân Lý Lành Pá ở thôn Nà Phai, xã Nghiên Loan đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu...
(Người Chăn Nuôi) - Các bệnh về hô hấp trên gà thường dễ quan sát và nhận biết. Tuy nhiên, để có được sự kiểm soát tối ưu, người nuôi cần phải áp dụng đúng phương pháp chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây bệnh và thiết kế được một...
(Người Chăn Nuôi) - Gà đẻ ra trứng dị dạng là hiện tượng mà người chăn nuôi thường xuyên gặp phải. Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này, trong đó nguyên nhân phổ biến hơn cả vẫn là do Salmonella.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET