Bò bị nhiễm virus cần có biện pháp cách ly triệt để - Ảnh: CTV
(Người Chăn Nuôi) - Đây là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây thiệt hại rất lớn cho gia súc. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, gây tỷ lệ chết rất cao, 90 - 100%.
Nguyên nhân
Bệnh tiêu chảy do virus ở bò (Bovine viral diarrhoea - BVD) là bệnh truyền nhiễm do Pestisvirus thuộc họ Flaviridae gây ra. Bệnh gây ức chế hệ miễn dịch và tạo ra một loạt các triệu chứng, bao gồm cả các vấn đề về đường hô hấp, vô sinh và sẩy thai.
Đường lây truyền
Bệnh thường xảy ra ở bò mọi lứa tuổi, nhưng bê 3 - 18 tháng tuổi thường mẫn cảm hơn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gặp vào mùa đông và mùa xuân.
Virus thường thải ra ngoài qua dịch mũi và hầu họng, nước tiểu, lây cho động vật mẫn cảm qua đường hô hấp. Trong phân có rất ít virus. Ngoài ra, virus có thể truyền qua nhau thai gây sẩy thai, chết thai.
Cơ chế sinh bệnh
Bê sau khi sinh hoặc bê thịt nếu nhiễm virus với chủng không gây bệnh tích tế bào thường mắc bệnh thể ẩn tính. Ở hầu hết các đàn có virus tồn tại nhưng không gây thành bệnh. Nếu con mẹ bị nhiễm virus trong giai đoạn trước khi có thai được 120 ngày, do hệ miễn dịch của thai chưa phát triển hoàn thiện, thai bị nhiễm virus gây hiện tượng thai chết lưu, sẩy thai hoặc chết ngay sau khi sinh. Nếu bê con không chết, sẽ sản sinh miễn dịch và virus tồn tại suốt đời. Trong trường hợp bị nhiễm virus sau 120 ngày, bê con sinh ra không sản sinh miễn dịch và bị nhiễm trùng huyết, bê thường giảm sản tiểu não và bị mất điều hòa cơ thể.
Triệu chứng
Thông thường, thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 4 ngày. Khi bị bệnh, bò xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng như sốt cao 41 - 41,50C, sau 2 - 3 ngày giảm xuống rồi lại tăng lên và có hiện tượng thẩm xuất bạch cầu. Sau đó bò chảy nước dãi nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, ỉa chảy liên tục. Xuất hiện vết loét mụn nhỏ trên lợi, kẽ móng chân. Mụn ở miệng thường xuất hiện rất sớm cùng với việc bài xuất virus; về sau mụn giảm dần, nước nhầy lẫn mủ chảy ra từ mũi; ho khan. Triệu chứng rõ nhất của bệnh là ỉa chảy, ban đầu ỉa chảy (vài ngày sau khi nhiệt độ giảm), sau đó kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần thì phân có máu, sợi huyết và niêm mạc ruột; đái ít hoặc không đi đái. Bò gầy sút nhanh, ngừng nhai lại, giảm sữa, mất nước. Bò bệnh chết sau khoảng 5 - 10 ngày khi có triệu chứng lâm sàng.
Bò sữa đang chửa sẽ sẩy thai trong vòng 10 ngày đến vài tháng kể từ khi qua khỏi trạng thái cấp tính. Khi mắc bệnh ở thể mãn tính, bò thường chậm lớn, giảm khối lượng nhanh chóng và ỉa chảy nhẹ hoặc hoàn toàn không ỉa chảy; kéo dài 2 - 6 tháng, tỷ lệ chết 10%. Bệnh thường xảy ra ở các trang trại có chế độ chăm sóc và vệ sinh kém.
Bê sinh ra bị nhiễm trùng huyết có hiện tượng run rẩy, mất cân bằng và bị mù.
Phòng bệnh
Thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp an toàn sinh học như : Giữ chuồng trại và bãi chăn thả bò luôn khô sạch, định kỳ phun các loại thuốc sát trùng; Thức ăn và nguồn nước phải giữ sạch, không ô nhiễm; Không nhập bò từ các cơ sở, các vùng có lưu hành bệnh; Kiểm tra tinh dịch trong thụ tinh nhân tạo để đảm bảo không có xuất hiện virus.
Tiêm phòng vaccine phòng bệnh. Vaccine tạo được kháng thể có khả năng bảo vệ gia súc trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn. Kháng thể truyền qua sữa đầu hạn chế miễn dịch chủ động ở bê; bởi vậy, bê phải được tiêm vaccine vào lúc 6 tháng tuổi, sau đó tiêm phòng nhắc lại lần 2. Trong các trại có bệnh lưu hành, tốt nhất là tiêm vaccine ngay sau khi bê đẻ ra, sau đó tiêm nhắc lại khi 6 tháng tuổi, bò tơ và bò cái mỗi năm tiêm 1 lần. Ở đàn có hiện tượng sẩy thai nên tiêm vaccine toàn bộ bò cái trừ bò đang chửa, sau 4 - 6 tuần tiêm lại một lần nữa thì sau 2 - 3 tháng sẽ giảm hoặc ngừng hẳn sẩy thai.
Điều trị
Bệnh do virus gây ra nên hiện không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh. Khi bò bị bệnh, cần tiến hành cách ly triệt để. Cùng đó, nâng cao sức đề kháng của bò bằng các biện pháp nuôi dưỡng tốt và sử dụng kết hợp thuốc trợ sức.
Thái Thuận
Có thể bạn quan tâm
Chăn nuôi ngày càng đem lại tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, số lượng đàn vật nuôi lớn, mật độ cao và thực trạng chăn nuôi xen kẹt trong khu dân cư lại là gánh nặng đối với môi trường. Việc xây dựng,...
Tụ huyết trùng là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở heo, nhất là thể cấp tính. Bệnh gây thiệt hại lớn trên khắp trên thế giới với mọi thời tiết và mọi điều kiện chăn nuôi nếu không phát hiện và xử lý bệnh kịp thời.
Đây là vấn đề được PGS.TS Võ Đỗ Anh Khoa - Trưởng bộ môn chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đặt ra cho ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre trong điều kiện hạn mặn ngày càng trở nên gay gắt và...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET