(Người Chăn Nuôi) - Năm 2019, ngành chăn nuôi gặp khó khăn do ảnh hưởng của ASF làm tổng đàn heo của cả nước giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thức ăn gia súc cũng giảm theo.
Việc tiêu thụ TĂCN cũng điêu đứng, do người nuôi không tái đàn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp vào thời kỳ cao điểm. Việc này kéo theo chuỗi những hệ lụy trong lĩnh vực TĂCN. Nhiều đại lý TĂCN giảm mạnh sản lượng bán ra, dẫn đến tình trạng đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Cùng với tiêu thụ giảm thì khó khăn chung của ngành TĂCN là lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài, bị các doanh nghiệp FDI thâu tóm, khống chế về giá cả. Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2019, Việt Nam chi hơn 3,3 tỷ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, chỉ giảm hơn 4% so với cùng kỳ.
Khi Việt Nam tham gia sâu vào hội nhập, sự cạnh tranh của thị trường chung khiến đầu tư của doanh nghiệp cũng như mức chênh lệch về giá TĂCN giữa thị trường thế giới và Việt Nam được kéo gần hơn về khoảng cách. Nguyên nhân do thuế nhập khẩu giảm khi các hiệp định thương mại có hiệu lực và sự cạnh tranh trong ngành này cũng góp phần ổn định thị trường hơn. Mặc dù vậy, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN vẫn không ngừng tăng lên qua các năm.
Theo TS. Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nhiều nước xuất khẩu nông sản mạnh, trong đó có xuất khẩu nguyên liệu TĂCN như Mỹ, Brazil… có ưu thế về diện tích lớn, họ đã áp dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất ở tất cả các khâu từ sản xuất, kiểm soát vật tư đầu vào, kiểm soát dịch bệnh, điều khiển tưới, bón dinh dưỡng tự động bằng những bộ phận cảm biến… Trong khi đó, ở Việt Nam cây bắp từ khâu gieo trồng đến chăm sóc đều thủ công; thu hoạch cũng mới chỉ có số ít diện tích được đầu tư máy móc. Chi phí cao, năng suất không cao bằng nhiều nước trên thế giới nên không cạnh tranh được với bắp ngoại nhập. Chìa khóa là phải tổ chức lại sản xuất, phối hợp nhiều công nghệ đồng bộ trên cánh đồng, nhất là khai thác ưu thế của cơ giới hóa.
Cùng chung quan điểm trên, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, thịt heo được các doanh nghiệp nhập khẩu từ Mỹ về nhiều, giá rẻ hơn so với heo nội vì giá thành chăn nuôi của họ thấp. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là nông dân Mỹ mua được nguyên liệu TĂCN tại chỗ với giá rẻ hơn nhiều so với người chăn nuôi trong nước. Nếu chưa giải quyết được bài toán giảm giá thành sản xuất TĂCN bằng việc chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước thì chăn nuôi nội địa sẽ gặp khó khăn về giá cả, chưa kể khi hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực, sản phẩm lại thêm khó khăn khi các dòng sản phẩm thịt từ nước ngoài tràn vào trong nước với thuế suất ưu đãi, khiến sản phẩm chăn nuôi trong nước rơi vào tình trạng khó chồng khó.
Dương Tiến
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với chăn nuôi Việt Nam. Trong bối cảnh này, để ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững...
(Người Chăn Nuôi) - Một thử nghiệm gần đây cho thấy hỗn hợp tannin và axit béo chuỗi trung bình ngắn có trong hạt dẻ hứa hẹn sẽ tương phản với sự phát triển của mầm bệnh trong chăn nuôi gia cầm.
(Người Chăn Nuôi) - Bổ sung chất béo vào thức ăn cho bò sữa giúp cải thiện cân bằng năng lượng trong giai đoạn cho con bú. Từ đó, cải thiện khả năng sinh sản, sản xuất sữa và các chức năng sinh học khác.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET