Phun hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại
Để việc tái đàn sau Tết thuận lợi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương khuyến cáo các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm quy trình tái đàn và công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có hơn 17,1 triệu con gia súc, gia cầm các loại. Tuy nhiên, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, một lượng lớn gia súc, gia cầm đã được tiêu thụ để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để việc tái đàn được thuận lợi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương khuyến cáo các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm quy trình tái đàn và công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trước khi thực hiện tăng, tái đàn, bà con cần chuẩn bị thật tốt chuồng trại. Chuồng trại phải được thu gom và xử lý toàn bộ phân, rác thải, quét sạch màng nhện, bụi bám trên mái, trên tường, sử dụng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng để phun, khử trùng. Người chăn nuôi cũng cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường của sản phẩm chăn nuôi về lượng cung cầu để có kế hoạch đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp, không tái đàn ồ ạt.
Người dân nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống tại chỗ có chất lượng. Nếu phải nhập con giống từ bên ngoài, cần tìm đến các cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng. Con giống phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm đầy đủ theo quy định của cơ quan chuyên môn; có giấy chứng nhận kiểm dịch. Khi đưa con giống về phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình hình sức khỏe, tuyệt đối không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh lây lan dịch bệnh.
Gia súc, gia cầm non khi mới nhập về phải áp dụng tốt kỹ thuật úm, dùng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc sưởi ấm bằng than, củi, trấu… để giữ ấm. Cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng, bảo đảm dinh dưỡng cho từng loại, lứa tuổi vật nuôi, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa nhằm tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi.
Định kỳ tiêm phòng các loại vaccine; ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Bà con nên tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để phối trộn thức ăn, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.
Hằng ngày phải giám sát đàn vật nuôi, nếu thấy hiện tượng bất thường như sốt cao, bỏ ăn, ho, khó thở… phải nhanh chóng cách ly kiểm tra, theo dõi, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng trị bệnh thích hợp. Thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch chủ động phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi
Tổ chức việc kê khai với chính quyền địa phương về tình hình hoạt động chăn nuôi, việc tăng tái đàn để được quản lý theo quy định. Đối với những hộ chăn nuôi không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học cương quyết không tái đàn để hạn chế rủi ro trong sản xuất chăn nuôi.
Nguyễn Minh Đức (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương)
Nguồn: Báo Hải Dương
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật: 12/7/2013 9:09:49 PM (GMT+7) 07/12/2013 11:52 (GMT + 7) TTO- Ngày 7-12, báo Văn Hối Hong Kong cho biết ca nhiễm cúm H7N9 thứ hai đã xuất hiện ở đặc khu này, đó là một người đàn ông 80 tuổi người Thâm Quyến
(Người Chăn Nuôi) - Mô hình được thực hiện tại 2 hộ dân thuộc 2 xã Hộ Hải và Phương Hải (huyện Ninh Hải), do Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận thực hiện.
(TBKTSG Online) – Khi hội nhập, tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến ngành chăn nuôi Việt Nam không lớn nhưng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước mạnh trong ngành chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ và Úc có thể...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET