Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Thờ ơ hiểm họa dịch cúm gia cầm

Cập nhật: 30/11/2013

 

Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang đã công bố trên địa bàn có vịt dương tính với virus cúm A/H5N1. Tỉnh Bình Phước cũng phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại một hộ chăn nuôi vịt ở huyện Đồng Phú. Đây là tín hiệu cảnh báo mùa dịch cúm gia cầm đang tới. Thế nhưng tại TPHCM, gia cầm sống không rõ nguồn gốc vẫn bán ở nhiều chợ lề đường.

        Giết mổ gà vịt trên lề đường

Tại dốc cầu Mỹ Thủy (đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận 2, TPHCM) có một chợ tự phát bán gia cầm, với hơn 10 quầy gà vịt sống. Không chút e dè hiểm họa dịch cúm gia cầm, người đến chợ này vẫn đông đúc, do tiện đường, giá bán rẻ hơn gia cầm làm sẵn ở siêu thị, có giúp giết mổ, làm lông gà vịt tại chỗ. Mỗi buổi ra chợ, mỗi tiểu thương bán được vài chục con gà vịt là bình thường.

 Hỏi mua gà với số lượng lớn để làm đám tiệc, chúng tôi được một người có biệt danh “Lợi gà” chào hàng: “Gà của em ăn lúa, thịt dai ngon lắm. Về giá cả chị hoàn toàn yên tâm, đảm bảo rẻ nhất khu vực này, 100.000 đồng/kg”. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc gà ở đâu, Lợi nhanh nhẹn đáp: “Gà tụi em chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh hay huyện Củ Chi, cũng có khi bắt ở Long An, Tiền Giang. Dù gà ở đâu, tụi em cũng bảo đảm chất lượng. Nếu muốn, tụi em làm lông luôn tại chỗ, chỉ lấy một nửa tiền công so với trong chợ để làm quen”.

Gia cầm vẫn được bày bán ngay trước biển cấm.

Khảo sát thêm các điểm lâu nay chuyên bán gà vịt sống khác như ở chân cầu cống đập Rạch Chiếc (hay còn gọi là cầu Năm Lý), đường Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, quận 9), chúng tôi thấy số gà vịt bày bán đã giảm hẳn. Nhưng thực tế, do phường tổ chức kiểm tra ngăn chặn nên những người bán gà vịt phải “rút vào trong”.

Một tiểu thương bán cua cho hay: “Chỉ là không dám bày bán gà vịt sống như trước, chứ muốn mua bao nhiêu cũng có, hàng sẵn ở đây rồi”. Một đầu nậu gà vịt tên Tiến vẫn thản nhiên bày bán gà vịt bên lề đường. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua vịt với số lượng lớn để mở quán gỏi vịt, Tiến hồ hởi: “Vịt ở đây đảm bảo không nuôi thức ăn tăng trọng. Mỗi ngày anh giao cả trăm con vịt làm sẵn cho các tiệm gỏi vịt ở quận 2, quận 9 thì em biết chất lượng rồi đó. Lấy nhiều anh để cho 30.000 đồng/kg bằng giá vẫn để cho mối ruột, đảm bảo em không kiếm được chỗ nào giá mềm như ở đây đâu!”. Vừa nói Tiến vừa chỉ tay ra phía sau, nơi chất đầy lông gà vịt vừa làm xong.

Chợ Cầu (đường Quang Trung, quận Gò Vấp), cầu Tham Lương (nối quận Tân Bình và quận 12), đường Phạm Hùng (giáp ranh quận 8 và huyện Bình Chánh)… lâu nay cũng có nhiều người bày bán gà sống, giá từ 120.000 - 140.000 đồng/con. Thu hút được khá nhiều khách hàng ham thực phẩm rẻ nên các chợ gà này bất chấp sự cấm cản của chính quyền địa phương, vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác.

        Vì sao không ngăn chặn được?

“Mua gà ở đây vừa tiện lại rẻ, mắc gì phải vào siêu thị. Nếu gà bị cúm thì người bán đã bị nhiễm trước rồi”, một người đang dừng xe máy ở lề đường Nguyễn Thị Định đợi người bán làm gà đã nói vậy khi nghe chúng tôi hỏi có lo ngại việc chọn mua gà bày bán trôi nổi ngoài lề đường hay không. Số quán ăn chuyên về gỏi vịt, tiết canh vịt, cháo vịt, phở gà, miến gà vẫn mọc lên và ngày càng nhiều, thu hút được đông đảo thực khách. Hầu hết thực khách đều chẳng cần quan tâm nguồn gốc gia cầm tại các quán ăn này.

Lo lắng môi trường sống bị nhiễm virus cúm, nhiều lần cư dân gần chợ gà cầu Mỹ Thủy đã phản ánh lên chính quyền địa phương. Sau đó chỉ thấy chỗ chợ gà có gắn tấm biển “Nghiêm cấm buôn bán gia cầm trái phép” rất lớn nhưng vô tác dụng, chợ gà vẫn hoạt động bình thường.

Ông Trần Văn Thạnh, Chủ tịch UBND phường Cát Lái quận 2, phân trần: “Dẹp việc bán gia cầm sống là một chiến dịch rất khó, khu vực cầu Mỹ Thủy thuộc địa bàn phường Cát Lái, nhưng giáp ranh với phường Thạnh Mỹ Lợi và Bình Trưng Đông, những người bán cử sẵn người trực 2 đầu đường nên khi đoàn kiểm tra tới thì họ ôm gà chạy sang phường khác, nên đoàn kiểm tra không xử lý được. Chúng tôi đề xuất phương án kết hợp 3 phường để giải quyết căn cơ vấn đề này và đã được quận chấp nhận.

Thực hiện phối hợp giữa việc kiểm tra xử lý điểm tập kết hàng của các đối tượng buôn bán gia cầm, vận động các hộ dân trên địa bàn nuôi gia cầm nên tiêu hủy. Đồng thời kết hợp với công an phường xử lý người dừng xe dưới lòng lề đường mua gia cầm vì hành vi cản trở giao thông. Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán gia cầm trái phép trên địa bàn phường Cát Lái trong tháng 12”.

Cũng gặp phải những khó khăn như chính quyền phường Cát Lái, bà Phạm Thị Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long B quận 9, cho biết tới đây phường sẽ phối hợp với phường Phước Bình để chốt chặn thường xuyên, đồng thời tháo dỡ các căn nhà chòi lấn chiếm hành lang bảo vệ cầu. Những căn nhà chòi này là nơi cất giấu gia cầm sống khi có lực lượng của phường kiểm tra, do đó, phường đang lập hồ sơ về nguồn gốc các căn nhà để có biện pháp tháo dỡ. 
Mặt khác, phường đang theo dõi các đối tượng bán gia cầm sống, lập danh sách, xác minh nhân khẩu, hộ khẩu để có biện pháp quản lý, vận động chuyển đổi ngành nghề”.

THU HƯỜNG

 

Có thể bạn quan tâm

Nuôi dưỡng chăm sóc đà điểu con
Nuôi dưỡng chăm sóc đà điểu con
Nuôi dưỡng chăm sóc đà điểu con

(Người Chăn Nuôi) - Nuôi dưỡng chăm sóc đà điểu từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi là giai đoạn rất quan trọng, quyết định đến kết quả ở các tháng nuôi tiếp theo. Do đó, chuồng trại, dinh dưỡng cần được theo dõi và xử lý kịp thời.

Kỹ thuật chăn nuôi cừu
Kỹ thuật chăn nuôi cừu
Kỹ thuật chăn nuôi cừu

(Người Chăn Nuôi) - Cừu là loài dễ nuôi, mau lớn, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh tật, chuồng trại lại đơn giản. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế cao cần thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nuôi.

[Bình Dương] Thêm mô hình làm giàu từ nuôi chim bồ câu
[Bình Dương] Thêm mô hình làm giàu từ nuôi chim bồ câu
[Bình Dương] Thêm mô hình làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Với nghề nuôi chim bồ câu lấy thịt, nhiều người dân ở Bình Dương đang làm giàu một cách chính đáng, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vợ chồng anh Trần Minh Dũng và chị Trương Thị Hải (khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX. Thuận An,...