Anh Trần Văn Lĩnh chăm sóc hươu tại chuồng. Ảnh: T.C
Anh Trần Văn Lĩnh (31 tuổi, ở thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã mạnh dạn đầu tư nuôi hươu lấy nhung, phát triển nhiều sản phẩm khác nhau từ nhung hươu, mang lại nguồn thu nhập khá.
Sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Quang Trung), năm 2015, anh Lĩnh làm việc tại một số công ty phát triển phần mềm ở Quy Nhơn với mức lương khá cao; song với khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh đã trở về quê nhà để khởi nghiệp.
Anh Lĩnh tâm sự, khi bàn chuyện làm trang trại nuôi hươu, ban đầu người thân trong gia đình ngăn cản, bởi cha mẹ cho rằng, anh còn quá trẻ, lại có bằng đại học nên nếu làm việc ở các công ty trong và ngoài tỉnh thì sẽ có mức thu nhập ổn định hơn. Nhưng khi biết đam mê và nguyện vọng của anh, người thân đã đồng ý cho anh mượn vốn để lập nghiệp.
Nghĩ là làm, đầu năm 2020, anh Lĩnh quyết định mua 2 con hươu cái giống để nuôi thử nghiệm; đồng thời tìm hiểu thêm kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăn nuôi, phòng trị bệnh cho hươu. Sau nhiều năm, đàn hươu phát triển lên 11 con, trong đó có 6 con đực đang cho khai thác nhung.
Theo anh Lĩnh, hươu là động vật dễ nuôi và có sức đề kháng cao, giá trị kinh tế mang lại cao, nguồn thức ăn dễ kiếm, có thể tận dụng các phế phẩm từ cây cỏ, rau, củ, quả có sẵn trong vườn, nên tốn rất ít chi phí mua thức ăn. Ngoài ra, trong thời gian nuôi 18 tháng, hươu cái trưởng thành được phối giống sinh sản; còn hươu đực bắt đầu ra chồi nhung, càng nuôi lâu thì chồi nhung càng nhiều, lợi nhuận càng cao. Nhung hươu được anh khai thác 2 vụ (vào tháng 1 và tháng 10 âm lịch hằng năm), cho sản lượng gần 1,5 kg nhung tươi/con.
Đặc biệt, nhung hươu có giá trị dinh dưỡng cao, là thực phẩm bồi bổ cho sức khỏe, nên anh đã tự nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm chế biến từ nhung để bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, như: Nhung ngâm mật ong, ngâm rượu, nhung tươi hoặc khô… Với các sản phẩm từ nhung hươu, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 110 triệu đồng/năm. Cùng với đó, anh còn nuôi thêm 5 con bò, 40 con heo nái, riêng khoản này còn mang lại nguồn thu nhập ổn định gần 150 triệu đồng/năm.
Anh Lĩnh chia sẻ: “Thời gian tới, từ số tiền lãi bán nhung hươu, tôi xoay vòng vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại và nhập thêm nhiều con giống mới, từ đó sẽ nuôi hươu theo hướng hữu cơ, cho ăn dược liệu, nhằm tạo ra nhung hươu có chất lượng cao nhất. Đồng thời, năm 2025, tôi sẽ làm hồ sơ, đăng ký một số sản phẩm OCOP được làm từ nhung hươu, tạo đầu ra ổn định hơn, từng bước xây dựng thành dòng sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
TRIỀU CHÂU
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Liên cầu khuẩn ở heo là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm do vi khuẩn Streptoccocus suis gây ra. Bệnh còn có thể xảy ra ở người nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
(Người Chăn Nuôi) - Chăn nuôi là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn, song việc chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu khiến sản phẩm rất khó xuất khẩu, đồng thời dịch bệnh xảy ra nhiều. Để phát triển, việc ứng dụng những công nghệ hiện đại là xu thế...
M.SÁNG -Thứ Ba, 19/11/2013, 9:48 (GMT+7) Hôm qua 18/11, tại TP.HCM, Cục Chăn nuôi, Hiệp hội gia cầm Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ phối hợp tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm đối với sản phẩm gia cầm”.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET