Hiện nay, phong trào nông dân sản xuất giỏi ở tỉnh Tiền Giang phát triển mạnh. Qua đó, có nhiều nông dân trở thành tỉ phú và đóng góp tích cực cho nền kinh tế của địa phương. Điển hình như nông dân Võ Văn Ba ở ấp 2, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho - một tấm gương sản sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền rất đáng biểu dương.
Nhớ lại hoàn cảnh, điều kiện của bản thân trước đây, ông Võ Văn Ba, nông dân ở ấp 2, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vẫn không nghĩ rằng mình có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay.
Ông Ba cho biết, trước đây cuộc sống gia đình rất nghèo khó. Năm 1980 khi rời quân ngũ về địa phương, vợ chồng ông chỉ có 4 công đất trồng lúa và hoa màu, thu nhập bấp bênh. Hằng ngày, ông phải chịu khó đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Để cải thiện cuộc sống gia đình, ông dành dụm tiền mua lợn nuôi. Từ 1-2 con lợn nuôi thả trong vườn, dần dần gia đình ông nhân rộng ra được vài chục con.
Đến năm 2000, khi có nguồn vốn khá, gia đình ông Võ Văn Ba bắt đầu xây chuồng nuôi lợn kiểu trang trại. Dù qua bao thăng trầm do giá cả lên xuống, dịch bệnh hoành hành nhưng đàn lợn của ông năm sau nhiều hơn năm trước. Đến nay, trang trại lợn này có diện tích gần 2.000 mét vuông, nuôi hơn 500 con lợn; trong đó có khoảng 80 con lợn nái. Số lợn nái sinh con, đều được ông để lại để nuôi bán lợn thịt. Nhờ vậy mà ông không tốn nguồn vốn mua lợn con, thường giá rất cao.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, ông Võ Văn Ba chịu khó đi dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, nghiên cứu từ báo, đài, đi tham quan các mô hình chăn nuôi lợn tiên tiến do Hội nông dân xã tổ chức.
Nông dân Võ Văn Ba trở thành tỷ phú từ mô hình chăn nuôi lợn tập trung. |
Ngoài ra ông còn động viên một người con gái đi học trung cấp thú y để phục vụ chăn nuôi. Qua thời gian chăn nuôi, trại lợn của gia đình ông Ba có nhiều đợt bị rủi ro do dịch bệnh. Có đợt ông phải thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Tuy vậy, ông không hề chán nản, mỗi lần thất bại là người nông dân này rút ra bài học kinh nghiệm để chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn.
Gần đây, tháng nào trại lợn này cũng xuất chuồng được từ 50-60 con lợn thịt. Mỗi năm, trại nuôi lợn của ông Võ Văn Bà đã cung cấp cho thị trường trên 100 tấn lợn thịt, đem lại nguồn thu nhập khoảng 500 triệu đồng, cho lãi 50%.
“Mô hình nuôi heo tập trung với số lượng lớn nên khi giá heo xuống thấp, nguồn thu của gia đình cũng giảm đáng kể, tuy nhiên khi heo được giá lãi suất cũng tăng cao. Kinh nghiệm cho thấy, người nuôi heo phải nắm chắc kỹ thuật, phòng bệnh là quan trọng nhất. Con heo trước nhất phải tiêm ngừa các tạp chủng, chuồng trại chăn nuôi vệ sinh sạch sẽ, sát trùng tránh đàn heo bị dịch bệnh”, ông Ba chia sẻ.
Trang trại nuôi lợn của ông Ba có quy mô lớn, nhưng nhờ áp dụng khí sinh học và thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại nên giảm thiểu được ô nhiễm môi trường và ít bị dịch bệnh. Các hầm biogas của trại lợn, ông có hệ thống xử lý để phục vụ cho sinh hoạt, đun nấu cho gia đình và hơn 10 hộ dân lân cận.
Đặc biệt để giữ vững thương hiệu đàn lợn thương phẩm, ông Võ Văn Ba không chấp nhận sử dụng chất cấm. Thức ăn mua vào đều được ông chọn các doanh nghiệp sản xuất có uy tín. Ông nuôi lợn thành công nhưng không giấu nghề, luôn tận tình giúp đỡ kỹ thuật chăn nuôi lợn khi nông dân địa phương cần hỗ trợ. Thời gian qua, ông còn cho hơn 100 sinh viên từ trường Đại học Cần Thơ, Đại học Trà Vinh, Đại học Cửu Long… đến thực tập, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi lợn. Các em được người nông dân này hướng dẫn tận tình như là người thầy thứ 2.
Ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang còn cho biết, nông dân Võ Văn Ba là tấm gương tiêu biểu của địa phương, nhiều năm liền vinh dự là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
“Mô hình chăn nuôi lợn của ông Ba là trang trại lớn, được Sở NN&PTNT đánh giá kết quả về xử lý môi trường, hàng năm được cấp giấy chứng nhận. Việc xử lý hầm biogas từ phế thải chăn nuôi của trang trại vừa tiết kiệm cho chi phí sinh hoạt vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm nay, ông Ba được đề nghị nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đại cho biết.
So với một số vật nuôi khác, con lợn nuôi rất khó do đầu ra bấp bênh, hay bị rủi ro do bệnh dịch, ít có nông dân nào “chung thủy” với vật nuôi này. Tuy vậy, do có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Võ Văn Ba đã thành công và trở thành tỉ phú từ chăn nuôi lợn.
Dù tuổi đã ở tuổi 60 và kinh tế gia đình đã khá giả, nhưng ông Võ Văn Ba vẫn còn có tâm quyết sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ông cho biết, sẽ cố gắng lao động để có thêm nguồn thu nhập vừa nâng cao cuộc sống gia đình vừa làm công tác từ thiện, giúp đỡ những người nghèo, những mảnh đời cơ cực, gian khó mà gia đình ông đã từng có những tháng ngày như thế./.
Nhật Trường/VOV - ĐBSCL
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi được xem là con dao hai lưỡi nếu không nắm vững cách sử dụng.
(Người Chăn Nuôi) - Bệnh thường xảy ra ở trâu, bò. Bệnh ở thể cấp tính rất nguy hiểm, khi gia súc phát bệnh nếu không kịp thời can thiệp sẽ bị ngạt thở, trúng độc axit cacbonic làm trở ngại tuần hoàn và xuất huyết não, gây chết nhanh.
Mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn, giúp các hộ dân thoát nghèo và hiện tại đang được nhân rộng ở các tỉnh phía Nam, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET