Ngành cá tra “chết lâm sàng”
ĐB Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) quan tâm chỉ một chuyện duy nhất là con cá tra. ĐB chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát nguyên nhân sự xuống dốc trong nuôi trồng thủy sản mà cụ thể là con cá tra. Chúng ta đã thu hàng tỷ đô la và là nghề sinh sống của rất nhiều hộ dân nhưng đến nay đã có 50% hộ bỏ nghề, và 50% nhà máy “chết lâm sàng”. Những vấn nạn từ việc sử dụng chất tăng trọng, hạ giá thành hại lẫn nhau và vai trò tổ chức hiệp hội chưa rõ đã khiến ngành nuôi cá tra trở nên lao đao như hiện nay. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để giúp phục hồi và phát triển bền vững ngành cá tra Việt Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: Nhiều người nuôi cá tra và DN khó khăn, chúng tôi rất trăn trở, rõ ràng lỗi không phải người nuôi mà cái chính là chúng ta đã quản lý việc chế biến, XK có kẽ hở để cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất hàng kém chất lượng phá uy tín và phá giá của chúng ta trên thị trường thế giới. Do đó, Bộ NN&PTNT đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chặt chẽ hơn về quản lý sản xuất và nuôi cá tra.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) vẫn quan tâm đến chính sách hỗ trợ ngư dân gắn với chủ quyền biển đảo, nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt, chính sách của nhà nước cho ngư dân còn hạn chế… đến nỗi chính Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng phải thốt lên: ĐB nhất quán mối quan tâm đến ngư dân, biển đảo bởi “ta có nhiều giải pháp căn cơ nhưng chưa thành công”, do đó Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng cần có những giải pháp trong trước mắt và lâu dài để thực hiện thành công các chủ trương hỗ trợ cho ngư dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, bà con sinh sống ven biển nước ta nhiều người sinh ra và lớn lên lại theo cha ra biển, từ lâu chúng ta đã có chủ trương hạn chế số tàu thuyền nhưng ngày càng gia tăng. Từ con số 85.000 tàu khi bàn giao Bộ Thủy sản lại cho Bộ NN&PTNT thì đến nay đã tăng lên 122.000 tàu, thường xuyên có gần 1 triệu ngư dân đánh bắt trên biển. Cho nên vấn đề đặt ra là tạo điều kiện để nâng cao hoạt động của ngư dân và cải thiện đời sống của họ.
Để hỗ trợ ngư dân, theo Bộ trưởng, cần các biện pháp đồng bộ gồm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm bảo quản sản phẩm đánh bắt, tiết kiệm nhiên liệu, đề xuất Chính phủ có chính sách ưu đãi hỗ trợ ngư dân ứng dụng KHCN, hỗ trợ sản xuất…
Tăng trưởng chậm là thách thức lớn của ngành
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận tốc độ tăng trưởng của ngành đúng là đang chậm lại. Bộ trưởng cho biết, đã đặt hàng các viện nghiên cứu và các cơ quan có liên quan để có những phân tích sâu sắc hơn, cụ thể hơn.
Về cá nhân Bộ trưởng, ông cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 5 năm trước đạt 3,3%, nhưng năm nay chỉ đạt 2,9%, có nghĩa thu nhập và việc làm của nông dân chậm lại. Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương 7 khẳng định phải duy trì tốc độ tăng trưởng 3,5-3,8% là “thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp để phục hồi và phát triển” như lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Nguyên nhân được cho là do đất lúa không giảm nhưng đất chuyên trồng lúa giảm mỗi năm 10.000 ha; Cơ cấu lao động số lượng có thời gian giảm; nguồn lực của nhà nước cũng như của xã hội đầu tư cho nông nghiệp có xu hướng tăng chậm lại, “nếu 1% tăng GDP phải có 5% đầu tư thì nông nghiệp không thể ít hơn thế”, Bộ trưởng nói.
“Trong tình trạng không thể đảo ngược tình trạng giảm lao động trong nông nghiệp thì phải tạo môi trường để đầu tư cho nông nghiệp tăng, tăng cường ứng dụng KHCN và tổ chức lại sản xuất để có hiệu quả cao hơn, là định hướng chính trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói thêm.
Chưa quản được vật tư nông nghiệp
Mở đầu buổi chất vấn, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu câu hỏi: Bộ trưởng sẽ khắc phục ra sao khi hàng loạt vấn đề như việc quản lý vật tư nông nghiệp hiện nay còn nhiều yếu kém, phân bón giả, kém chất lượng, mua bán và sử dụng tràn lan; Chất kích thích tăng trưởng, bảo quản rau quả gây hoang mang cho người tiêu dùng. Bởi theo ĐB, tình trạng này diễn ra lâu nhưng không những chậm khắc phục mà tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Đồng tình với ĐB Minh, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho biết mặc dù đã chất vấn và nhận được câu trả lời của Bộ trưởng, nhưng ông vẫn “chưa hài lòng”. Bởi cử tri Bạc Liêu vẫn quan tâm vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường đối với các mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… Nguyên nhân được cho là chậm hoặc chưa ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng này.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi, phân bón và hướng dẫn nông dân thực hiện. “Qua kiểm tra thấy rằng trên thị trường lưu hành số lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chất lượng kém và bị làm giả. Chúng tôi xác định trong toàn ngành là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ số một của ngành”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, dù nỗ lực nhiều năm nay nhưng “vẫn chưa chuyển biến nhiều”. Để tình hình chuyển biến mạnh mẽ hơn, Bộ sẽ tập trung 4 nhóm giải pháp lớn, trong đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với vật tư nông nghiệp; chấn chỉnh bộ máy và thanh kiểm tra trên toàn quốc trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp...
Tạm trữ lúa gạo chỉ là tình thế
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về chính sách tạm trữ lúa gạo chưa mang lại lợi ích cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đây chỉ là giải pháp tình thế, chỉ khi nào giá lúa gạo xuống thấp, nông dân không được lãi 30% như cam kết của Chính phủ, thì mới áp dụng. Và trên thực tế đã áp dụng và tương đối thành công, nhất là vụ Hè Thu vừa qua. “Chính phủ đang cố gắng thực hiện lời hứa của mình, có lúc giá tăng 800 đồng/kg lúa, tuy nhiên cần phải có giải pháp đồng bộ để ngành lúa gạo phát triển bền vững hiệu quả và phát huy lợi thế của nước ta”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Về các giải pháp để thực sự người nông dân được hưởng mức lãi tối thiểu như chủ trương của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, chúng ta có lợi thế về cây lúa nước nhưng không phải nơi nào cũng trồng mà tập trung vào đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long; tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật đặc biệt là về giống lúa. Bộ đã đặt hàng các viện nghiên cứu, tìm giống phải đạt tiêu chí đạt từ 500-800 USD/tấn, trồng bền vững 10 năm trở lên; Thúc đẩy hệ thống kinh doanh lúa gạo có cạnh tranh và tổ chức lại sản xuất… “Đã đến lúc phải gắn kết lại, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang là lối thoát có triển vọng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Tuy nhiên, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng trên thực tế người nông dân chưa được hưởng lãi 30% như lời của Bộ trưởng (tức là lãi từ 800-1.000 đồng/kg lúa) và đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể địa phương nào được hưởng mức như trên. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã hứa sẽ chuyển văn bản cụ thể tới ĐB.
Về an toàn hồ đập, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết cả nước có 6.800 hồ đến nay có 1.200 hồ có vấn đề, cần tu bổ nâng cấp sửa chữa. Chính phủ đã đầu tư nâng cấp được 500 hồ, năm nay có 317 hồ hư hỏng, đã hỗ trợ địa phương 500 tỷ sửa hơn 90 hồ nhưng vẫn còn hơn 200 hồ nữa. Mùa mưa bão, Bộ đã thông báo cụ thể, cảnh báo địa phương và nhân dân đề phòng nhưng lâu dài phải tăng cường quản lý. Bộ trưởng đề nghị QH ủng hộ xem xét để đầu tư 3.000 tỷ đồng để sửa chữa các hồ này. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng phải báo cáo rõ: “Bộ trưởng có đảm bảo 1.200 hồ này có vỡ không, chưa có tiền phải báo cáo Chính phủ báo cáo QH để tính, nhưng về mặt chuyên môn phải tính toán cụ thể”. |