Bệnh tụ huyết trùng xảy ra khá phổ biến trên đàn heo nuôi. Ảnh: ST
(Người Chăn Nuôi) – Tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm diễn ra rất phổ biến, bệnh có tỷ lệ chết cao, có thể ghép với suyễn, đóng dấu heo, phó thương hàn và dịch tả heo. Do đó, cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh hợp lý, đúng cách.
Tác nhân
Do cầu trực khuẩn Pasteurella multocida gây nên với đặc điểm gây bại huyết, xuất huyết và gây xáo trộn hô hấp (chủ yếu là viêm phổi). Bệnh này rất nguy hiểm đối với những cơ sở chăn nuôi heo tập trung có mật độ cao. Mầm bệnh có sẵn ở trong đất, trong khí quản và trong phổi heo. Ở trạng thái bình thường heo ít bị bệnh tấn công nhưng khi heo bị suy giảm sức đề kháng thì mầm bệnh sẽ phát sinh và gây bệnh.
Triệu chứng bệnh
Bệnh tụ huyết trùng ở heo thường phát sinh rải rác, tuy nhiên có những lúc bệnh phát triển ồ ạt tạo thành dịch bệnh. Bệnh thường hay phát sinh vào đầu và cuối mùa mưa. Bệnh thường xảy ra đối với heo từ 3 – 4 tháng tuổi và heo sau cai sữa. Thời gian nung bệnh từ 1 – 5 ngày và bệnh thường phát ra ở 2 thể.
Thể cấp tính: Heo thường bị sốt cao 41 – 420C, hầu và cằm bị sưng to. Khi bệnh, heo thường bị viêm phổi nên khó thở, nhịp thở nhanh, ho khan, chảy nhiều nước mũi, lúc đầu loãng sau đặc dần. Ở tai, mõm, bụng và những chỗ da mỏng xuất hiện những nốt đỏ, tím. Đôi khi heo có hội chứng thần kinh khi sốt cao như đi vòng tròn, kêu tom run rẩy, sùi bọt mép, chân co giật. Ở giai đoạn đầu của bệnh, heo thường bị táo bón sau đó bị tiêu chảy. Nếu không can thiệp kịp thời, heo sẽ chết rất nhanh sau 12 – 36 giờ.
Thể mãn tính: Heo cũng bị sốt cao, khó thở và tiếp tục ho, các khớp bị sưng. Heo thường gầy hẳn đi, yếu ớt sau 1 – 2 tháng là chết.
Phòng trị bệnh
Phòng bệnh: Bằng vaccine tụ huyết trùng heo keo phèn, đối với heo nái tiêm phòng trước khi phối giống, đối với heo con tiêm khi heo được 40 – 45 ngày tuổi. Tiêm cho heo vào gốc tai với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi tiêm 8 – 14 ngày thì vaccine mới bắt đầu phát huy tác dụng và hiệu quả phòng ngừa bệnh kéo dài từ 4 – 5 tháng. Vì vậy nên tiêm phòng cho heo theo định kỳ 4 – 5 tháng 1 lần.
Ngoài việc tiêm phòng, cần chú ý cải thiện điều kiện vệ sinh thú y và chăm sóc nuôi dưỡng tốt để giúp heo nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh. Chuồng nuôi phù hợp với từng loại heo và độ tuổi khác nhau, có tường bao, rào chắn; luôn thông thoáng, đủ ánh sáng, mát về mùa hè ấm về mùa đông. Thường xuyên quét dọn, định kỳ tẩy uế, khử trùng chuồng nuôi, cọ rửa và tiêu độc máng ăn, máng uống,… Sau mỗi đợt nuôi, phải vệ sinh chuồng trại và khử trùng tiêu độc, sau đó để trống chuồng. Heo mới mua về phải nuôi cách ly ở khu vực riêng 15 – 20 ngày trước khi nhập đàn. Phân, rác và chất thải trong chuồng cần được thu gom thường xuyên, đưa ra chỗ tập trung riêng để giữ chuồng luôn sạch sẽ. Hạn chế phương tiện, người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi…
Trị bệnh: Việc điều trị chỉ đạt hiệu quả cao khi phát hiện và điều trị heo bị bệnh sớm. Hầu hết các loại kháng sinh hiện nay đang sử dụng trong thú y đều có tác dụng mạnh đối với mầm bệnh. Trong thực tế điều trị thường dùng phối hợp giữa Streptomicine với liều 20 – 40 mg/kg thể trọng và Penicillin với liều 20.000 – 40.000 IU/kg thể trọng hoặc dùng Terramicin 10 – 20 mg/kg thể trọng. Để nâng cao hiệu quả điều trị, cần phối hợp với những loại thuốc trị triệu chứng như thuốc giảm sốt (Analgine), thuốc giảm ho (Eucalyptin), thuốc kháng viêm (Dexamethasone), thuốc trợ lực trợ sức (Cafein, Vitamin C, B Complex…).
Có thể sử dụng một trong các loài thuốc sau để trị bệnh: EXFO – INJ, MEGAFEN – 20S solution… EXFO – INJ, tiêm bắp 0,6 – 1ml/10kg P, ngày 1 lần. Có thể nhắc lại 3 ngày liền. MEGAFEN – 20S solution pha loãng với tỷ lệ 1ml sản phẩm với 2 lít nước uống, hoặc 0,05ml sản phẩm cho 1kg thể trọng và điều trị trong 5 ngày. Ngoài ra, cần bổ sung thêm B-Complex, vitamin để tăng cường sức đề kháng, mau phục hồi sức khỏe. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác an toàn sinh học, sát trùng trang trại 1 – 2 lần bằng vôi hoặc một số thuốc, hóa chất khác.
Bích Hòa
Có thể bạn quan tâm
Sau mưa lũ, vệ sinh và khử trùng là các bước quan trọng để khôi phục chuồng trại về trạng thái an toàn, đảm bảo sức khỏe vật nuôi và duy trì hiệu quả kinh tế.
Chi phí và nguồn cung các nguyên liệu thức ăn chính như ngô và khô đậu liên tục biến động đang gây không ít khó khăn cho nhà sản xuất. Bổ sung enzyme giúp thức ăn thay thế dễ tiêu hóa hơn và duy trì hiệu quả.
Thấy gia đình con gái ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang có thu nhập ổn định nhờ nuôi bồ câu, năm 2023, ông Trương Văn Cư (ấp Long Thạnh, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) quyết định đầu tư, phát triển kinh tế gia đình với...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET