Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

5 vấn đề nổi bật ngành gia cầm năm 2021

Cập nhật: 08/01/2022, 16:13:17


Ảnh minh họa: Kopriva

(Người Chăn Nuôi) - Đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2021 nhưng những gì ngành gia cầm gặp phải trong năm qua lại trái ngược hoàn toàn. Không chỉ đánh mất đà tăng trưởng cao, lợi thế lớn, gia cầm Việt Nam còn liên tiếp đón nhận những tin tức không vui, đặc biệt là sự xuất hiện của chủng virus độc lực cao A/H5N8 hay việc thịt gà ngoại ồ ạt tràn thị trường. Cùng Chúng tôi điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành năm qua.

1. Tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm gần đây
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, ước tính đến hết tháng 11/2021, tổng đàn gia cầm trong nước đạt hơn 523 triệu con, tăng khoảng 1,7% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng trứng ước 14,15 tỷ quả, tăng 6,6% so cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Bằng chứng là năm 2020, tổng đàn gia cầm xấp xỉ 500 triệu con, tăng 6,2% so năm trước đó; Sản lượng trứng đạt 14,5 tỷ quả, tăng khoảng 9,5%. Còn năm 2019, tổng đàn gia cầm của cả nước chỉ đạt 467 triệu con, nhưng mức tăng lên tới 14,2% so năm 2018; Sản lượng trứng gia cầm cả năm ước đạt 13,2 tỷ quả, tăng 13,7%...

Tăng trưởng của đàn gia cầm hiện nay đang nhanh hơn rất nhiều so với con số khuyến cáo của các chuyên gia. Tổng đàn tăng hàng năm nhưng thị trường cho mặt hàng này vẫn chỉ trong nước là chủ đạo. Điều này không chỉ khiến áp lực thị trường tiêu thụ mặt hàng gia cầm ngày một lớn, mà còn gây ra những bất ổn, đặc biệt là dịch bệnh và giá cả…

2. Giá gà thấp kỷ lục
Từ năm 2020 đến nay, giá gà trong nước, đặc biệt là gà công nghiệp liên tục sụt giảm. Đỉnh điểm là ngày 2/8/2021, nhiều địa phương tại Đồng Nai, thủ phủ nuôi gà cả nước, ghi nhận giá gà lông trắng công nghiệp giảm kỷ lục, dao động 7.000 - 9.000 đồng/kg, thậm chí chỉ còn 5.000 đồng/kg đối với gà quá trọng lượng. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng rất cao, việc thông thương bị đứt đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đầu ra tiêu thụ gặp nhiều khó khăn thì việc giá gà giảm kỷ lục đã khiến nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm thua lỗ nặng. Nguyên nhân này một phần do tác động của đại dịch toàn cầu khiến giao thương bị đứt đoạn, nhưng cũng phải kể đến việc tổng đàn gà trong nước liên tục tăng trưởng “nóng” những năm qua. Mặc dù đã được cảnh báo việc vượt ngưỡng tiêu thụ, thế nhưng tổng đàn gia cầm (trong đó chủ yếu là gà) năm nay vẫn tiếp tục nhiều hơn năm ngoái ước khoảng 23 triệu con. Vậy nên, với việc quá hạn chế trong xuất khẩu thì khi thị trường nội địa gặp khó, ngay lập tức trở ngại dồn lên vai người chăn nuôi khi giá cả bị ép xuống “đáy”.

3. Giá TĂCN liên tục tăng
Theo khảo sát trên thị trường, tính từ tháng 10/2020 đến nay, giá TĂCN gia súc, gia cầm đã tăng 8 lần liên tiếp, trong đó có loại tăng tới 9 lần. Ngay đầu tháng 10/2021, giá TĂCN gồm cám, các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm của các công ty, doanh nghiệp lại tiếp tục được các doanh nghiệp chế biến TĂCN lại được điều chỉnh tăng. Hiện nay, tính trung bình, giá TĂCN đã tăng khoảng 30 - 35% so thời điểm cuối năm 2020.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, việc tăng giá nguyên liệu chủ yếu do dịch COVID-19 tác động tới logistics toàn cầu kéo theo việc tăng giá mạnh cước vận chuyển. Trong khi đó, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng. Thế nhưng, trong hoàn cảnh này, nhiều người vẫn tiếc, bởi nếu nước ta, một đất nước nông nghiệp, có thể đáp ứng phần nào nguyên liệu cho chế biến thì ít nhiều cũng sẽ kiềm chế được các mức tăng giá thức ăn này.

4. Chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện
Từ tháng 6/2021, cúm gia cầm chủng A/H6N8 đã lần đầu tiên xuất hiện trên đàn gia cầm của nước ta. Chủng cúm này được phát hiện trước tiên tại Cao Bằng (đầu tháng 6) và Quảng Ninh (giữa tháng 6/2021). Sau đó, virus cúm gia cầm A/H5N8 đã lây lan sang 14 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 38.000 con gia cầm. Hiện, cả nước vẫn còn 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Quảng Nam chưa qua 21 ngày. Cục Thú y khẳng định, Việt Nam có đủ lượng vaccine cúm gia cầm, kể cả vaccine phòng H5N8 chất lượng để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, Cục Thú y khuyến cáo, trong thời gian tới nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện và lây lan là rất cao. Nguyên nhân do Việt Nam có chung đường biên giới dài với các nước trong khu vực, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, con người qua lại giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt chim hoang dã có thể nhiễm mầm bệnh ở các nước rồi mang vào Việt Nam.

Tính chung dịch cúm gia cầm, từ đầu năm đến ngày 5/10/2021, cả nước đã xảy ra 100 xã có dịch thuộc 29 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 377.105 con gia cầm. Có 3 chủng virus cúm gia cầm lưu hành, bao gồm: A/H5N1; A/H5N6 và A/H5N8.

5. Nhập khẩu thịt gà giảm mạnh
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8/2021, nhập khẩu thịt gà đông lạnh đạt 167,8 nghìn tấn, trị giá hơn 148,8 triệu USD, giảm 23,8% về lượng và giảm 26,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2020. Mặc dù việc nhập khẩu thịt gà đã giảm mạnh so năm trước, thế nhưng, con số đó vẫn là quá nhiều với một nước có tổng đàn gà đứng trong top đầu của thế giới. Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, đàn gà trong nước bị tắc thị trường, đặc biệt là gà lông trắng. Có thời điểm giá 1 kg gà lông trắng chỉ ngang ngửa với 1 quả trứng gà ta xịn. Để giảm áp lực lên đàn gà nuôi trong nước, hiệp hội ngành hàng, người chăn nuôi đã lên tiếng để các bộ, ngành liên quan xem xét và kiểm soát mặt hàng thịt gà ngoại, đặc biệt là có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Thế nhưng, những tiếng “kêu cứu” này có vẻ vô vọng, bởi điều khoản trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, và bởi một số nhà quản lý vẫn khẳng định rằng “thịt gà ngoại không gây áp lực lên thị trường trong nước.

Trái ngược lại, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thịt gia cầm lại tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước, với 15,2 triệu USD, đứng thứ 3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành chăn nuôi. Trong đó, xuất khẩu sang Hồng Kồng chiếm 57,4% thị phần, tăng 21,9%; Trung Quốc chiếm 20,5%, tăng 28,1%; Hàn Quốc chiếm 11,2%, tăng 899,0%; Thái Lan chiếm 10,3%, tăng 4.838,2%.

Hồng Hà


Có thể bạn quan tâm

Nguyễn Ngọc Danh: Làm giàu từ mô hình sản xuất đa con
Nguyễn Ngọc Danh: Làm giàu từ mô hình sản xuất đa con
Nguyễn Ngọc Danh: Làm giàu từ mô hình sản xuất đa con

Ông Nguyễn Ngọc Danh (xã An Phúc, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những nông dân sản xuất giỏi cấp huyện 3 năm liền. Với 10 công đất áp dụng mô hình sản xuất đa con, mỗi năm ông Danh lãi hơn 200 triệu đồng.

Tấm gương nông dân sản xuất giỏi
Tấm gương nông dân sản xuất giỏi
Tấm gương nông dân sản xuất giỏi

Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã Bình Nam (huyện Thăng Bình) đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù,...

Giải pháp giảm chi phí trong chăn nuôi
Giải pháp giảm chi phí trong chăn nuôi
Giải pháp giảm chi phí trong chăn nuôi

Thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao trong chi phí sản xuất, do vậy, việc tìm ra những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cho vật nuôi là điều hết sức cần thiết.