Đàn lợn 200 con nhà ông Thể được kiểm soát gắt gao để phòng DTLCP - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngoại trừ tỉnh Ninh Thuận, còn lại dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã bao trùm cả nước. Để ngăn chặn sự phát sinh của dịch cũng như đảm bảo nguồn cung cho những tháng cuối năm, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) vẫn được cho là tối ưu hiện nay.
An toàn giữa vùng dịch
Đến xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội những ngày này không còn cái nhộn nhịp của việc chăn nuôi như thường lệ, không còn thương lái ra mua vào bán, không còn xe cám, xe giống ra vào… Tất cả đang chìm trong vùng có DTLCP. Tuy nhiên, giữa yên lặng ấy, ở nhà ông Lê Viết Thể, thôn Địch Trung trong xã Phương Đình lại vẫn tất bật chăn nuôi.
Đàn lợn 200 con của ông nằm ngay trong khu dân cư đông đúc vẫn an toàn. Đúng là chuyện lạ! Đến nhà ông tìm hiểu, ông hồ hởi chỉ trên màn hình camera soi vào từng chuồng thấy rõ đàn lợn mạnh khỏe đang được chăm sóc hết sức cẩn thận.
Không đưa được chúng tôi vào tận chuồng tham quan quy trình chăn nuôi đặc biệt của mình ông Thể áy náy giải thích: “Nhà báo thông cảm, hiện giờ tình hình dịch vẫn căng nên nhà tôi cũng thường chỉ được 1 người ra vào để chăm sóc, lợn cũng sắp đến ngày xuất rồi, nhỡ có chuyện gì xảy ra cũng khó cho nhà tôi…”.
Chúng tôi hoàn toàn đồng tình vì biết việc khép kín quy trình chăn nuôi hiện nay là việc rất cần thiết trong chăn nuôi lợn. Ông Thể vừa chỉ màn hình vừa mô tả việc quây kín chuồng trại mà gia đình ông đang áp dụng. "Chuồng trại được quây kín để tránh chuột, bụi bặm, người lạ tuyệt đối không được vào chuồng trại; định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại hằng tuần; riêng hệ thống nước làm mát cũng được tôi pha thêm thuốc tiêu độc khử trùng phun 24/24 giờ để tăng thêm hàng rào bảo vệ đàn lợn”, ông Lê Viết Thể mô tả.
Vậy nhưng, điều kỳ lạ là, dù chuồng trại ngay sau nhà nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không cảm thấy có mùi “đặc trưng” của nghề chăn nuôi lợn. Hỏi bí quyết, ông Thể cho biết ông sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi nên khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm mùi hôi.
Bên cạnh đó, để tăng sức khỏe cho đàn lợn, từ đó có khả năng chống chịu sự tấn công của virus, vào các ngày nắng nóng, ông tăng cường các chất điện giải vào thức ăn của lợn; bổ sung các loại vitamin; nguồn nước sử dụng là nước sạch từ nhà máy.
Một trong những chế phẩm gần đây ông dùng phối hợp với thức ăn chăn nuôi là chế phẩm vi sinh probiotic của Bio Spring. Theo bà Lưu Thủy Trâm, Phó Giám đốc Công ty Bio Spring, qua thử nghiệm, chế phẩm vi sinh probiotic của Bio Spring góp phần giảm tỉ lệ tiêu tốn thức ăn từ 5-6%; giảm tỉ lệ chết và làm tăng sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi.
Cũng theo bà Trâm, chi phí bổ sung các chế phẩm vi sinh rất thấp, chỉ 50 - 60 đồng/kg thức ăn, tính ra trong cả chu kỳ nuôi của một con lợn, chi phí cho chế phẩm vi sinh chỉ 15.000 - 20.000 đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dương (trái) - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đang trò chuyện với ông Thể về các biện pháp chăn nuôi ATSH - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Nhân rộng các mô hình ATSH
Qua thực tế về các chuồng trại thực hiện tốt ATSH, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết hiện nay chăn nuôi ATSH là biện pháp hiệu quả nhất để chống lại DTLCP và tăng đàn, đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm.
Nhìn nhận về tình hình dịch bệnh, ông Dương đánh giá: “Đến thời điểm này dịch đã dịu bớt đi nhưng diễn biến khá phức tạp. Nếu diễn biến dịch vẫn như hiện nay thì khả năng thiếu thịt vào những tháng cuối năm và tình hình giá lợn có thể tăng. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản để bù đắp vào lượng thịt lợn thiếu hụt, sản lượng các sản phẩm này cũng đã tăng được khoảng 7%”.
Hiện nay, một số mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn lên men sinh học tại Hưng Yên, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế cho thấy, mặc dù nằm trong vùng dịch nhưng nhờ sử dụng thức ăn có bổ sung men vi sinh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học, đàn lợn của các hộ thử nghiệm vẫn an toàn, trong khi nhiều hộ đã phải tiêu hủy lợn.
Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm sử dụng chế phẩm vi sinh ủ vào thức ăn trong thời gian từ 36 - 48 giờ trước khi cho ăn và trộn vào đệm lót nền (không rửa chuồng nuôi) đồng thời đưa chế phẩm vào phun trong không gian chuồng nuôi. Kết quả cho thấy, trong khi nhiều hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh và chết thì toàn bộ lợn của 15 hộ chăn nuôi theo mô hình của Quế Lâm không bị nhiễm dịch.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết việc tái đàn thời gian tới cần hết sức thận trọng. “Cần nhân rộng các mô hình ATSH, với những vùng đã có dịch hoặc vừa hết dịch thì chưa nên tái đàn. Chỉ những trang trại đã kiểm soát tốt bằng ATSH mới nên tái đàn nhưg những trang trại này cũng nên bổ sung các chế phẩm vi sinh để tăng kháng cho lợn. Điều này sẽ đạt được 2 mục đích, thứ nhất là ngăn chặn sự phát tán dịch. Thứ hai, dùng chế phẩm này thì không dùng kháng sinh nhưng vẫn sẽ có sản phẩm thịt an toàn, như vậy vừa kiểm soát dịch mà vừa có được thực phẩm an toàn”, ông Dương nhấn mạnh.
Đỗ Hương / Nguồn: chinhphu.vn
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với UBND thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ủ chua rơm dự trữ thức ăn để nuôi bò cho người dân địa phương.
Năm 2019 có thể là một năm nhiều tiềm năng đối với thị trường thịt lợn toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề dịch bệnh và những vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại vẫn là những thách thức đối với thị trường, đặc biệt là bệnh tả lợn...
Nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, nhiều khả năng mùa đông năm nay sẽ ấm hơn, tuy nhiên vẫn xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Ngành Nông nghiệp...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET