Hotline: +84 243 869 1980

Bệnh và điều trị

BỆNH DỊCH TẢ LỢN (Classical Swine Fever - Hog Cholera)

Cập nhật: 08/11/2013

 I - Lịch sử bệnh

            Bệnh Dịch tả lợn được phát hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1810, do bệnh được nhập từ Châu Âu. Bệnh có ở hầu khắp các nước trên thế giới, chỉ trừ một số nước: Úc,  Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Newziland, Thuỵ Sĩ. Ở Việt Nam bệnh DTL đã có từ lâu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tính đến năm 1970 bệnh đã xảy ra trên 20 tỉnh thành ở phía Bắc. Đến nay bệnh đã được khống chế, nhưng vẫn còn xảy ra lẻ tẻ và rải rác ở nhiều tỉnh thành.


2 - Căn nguyên bệnh

            Virus gây bệnh dịch tả lợn thuộc loài Pestivirus, họ Flaviridae, virus có họ hàng gần với virus gây bệnh Ỉa chảy ở bò (BVD) và virus gây bệnh Border. Mức độ gây bệnh của virus rất khác nhau, tuỳ thuộc vào tính chất độc lực của virus.

            Bệnh ở các thể quá cấp tính, cấp tính, mạn tính và có thể chết bất thình lình không có dấu hiệu lâm sàng, hoặc có thể bệnh kéo dài 1-2 tuần thì con vật chết.

            Thể mạn tính:

            Với tính chất độc lực thấp của virus, bệnh kéo dài 2-4 tuần thậm chí vài tháng. Tỷ lệ chết thấp.

3 - Dịch tễ học

            - Lợn là vật chủ tự nhiên và cũng là nguồn mang mầm bệnh chủ yếu.

            - Các loại lợn, lợn ở các lứa tuổi  đều mắc bệnh dịch tả lợn.

            - Virus dịch tả lợn truyền lây nhanh chóng do môi trường bị ô nhiễm, do sự tiếp xúc giữa lợn bệnh với những lợn mẫn cảm, phân, rác, nước tiểu, chất độn chuồng, xác gia súc mắc bệnh, các phủ tạng, hạch lâm ba, lách...

            - Tỷ lệ nhiễm 95-100%.

            - Tỷ lệ chết 60-90%.

            - Lợn sau khi khỏi bệnh mang virus rất lâu, có thể kéo dài đến 3 tháng.

            - Lợn nái mắc bệnh mạn tính truyền bệnh cho con, lợn có hiện tượng sảy thai, thai gỗ, lợn con còi cọc.

4 - Triệu chứng lâm sàng

            1. Thể quá cấp tính.

            - Bệnh xảy ra nhanh chóng (1-2 ngày), lợn đang khoẻ bỏ ăn, sốt 40-420C. Da vùng bụng của lợn đỏ ửng hoặc tím lại, lợn giẫy giụa và chết.

            2. Thể cấp tính.

            Lợn ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao 41-420C, kéo dài 5-6 ngày. Viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt có rỉ, xuất huyết lấm tấm dưới da. Lúc đầu con vật bị táo bón, sau tiêu chảy phân lỏng, thối khắm, nhiệt độ giảm. Khi con vật gần chết, da vùng đầu - tai - mõm - chân tím tái.

            Lợn có biểu hiện rối loạn trung khu hô hấp và vận động: lợn thở gấp, thở khó, đi lại xiêu vẹo, co giật hoặc bại liệt.

            3. Thể mạn tính

            Những lợn mắc bệnh cấp tính kéo dài: bỏ ăn, lúc đầu sốt cao, sau nhiệt độ lại trở lại bình thường. Những con vật này sau khi khỏi bệnh nhưng vẫn còn mang trùng, do đó sẽ làm mầm bệnh lây lan (qua phân, chất thải, dụng cụ và người chăn nuôi, tiếp xúc giữa lợn khoẻ và lợn mang trùng...). Lợn mắc bệnh thể mạn tính thường kéo dài khoảng 3 tháng, sau đó có thể sẽ bị chết do bị kiệt sức.

5 - Bệnh tích

            - Thể  quá cấp tính: Bệnh tích không đặc trưng.

            - Thể cấp tính: Mổ khám có hiện tượng xuất huyết ở da, niêm mạc, hạch Amidan, thận, bàng quang, lách có hiện tượng nhồi huyết hình răng cưa. Xuất huyết và có nhiều nốt loét hình úc áo trên  niêm mạc đường tiêu hoá, van hồi manh tràng, trực tràng, hậu môn. Hạch lâm ba xuất huyết vân đá hoa.

6 - Các phương pháp chẩn đoán

            1. Phân lập giám định virus.

            a/ Phương pháp kháng thể huỳnh quang (Fluorescent Antibody Test - FAT)

            Đây là một phương pháp chẩn đoán nhanh, độ chính xác cao, được dùng để phát hiện kháng nguyên dịch tả lợn ở tổ chức cắt lạnh của hạch amidan, lách, thận ...

            b/ Phương pháp miễn dịch Peroxidase (Immuno Peroxidase)

            Đây là phương pháp chẩn đoán phân biệt các chủng virus thuộc họ Pestisvirus.

            2. Phương pháp phân lập virus.

            Phương pháp phân lập virus trên tế bào là phương pháp nhạy, nhưng chậm, mất nhiều thời gian hơn phương pháp miễn dịch huỳnh quang (FAT).

            3. Phương pháp huyết thanh học

            a/ Phương pháp trung hoà virus - kháng thể huỳnh quang.

            c/ Phương pháp ELISA

7 - Chẩn đoán phân biệt

            Cần phân biệt bệnh Dịch tả lợn với các bệnh đỏ khác của lợn như bệnh Đóng dấu lợn, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn.

            1. Bệnh Đóng dấu lợn

            - Chỉ xảy ra ở lợn 3-4 tháng  đến 1 năm tuổi.

            - Thường xảy ra vào những tháng trước và sau tết âm lịch.

            - Lây lan chậm, tiến triển bệnh chậm, giới hạn trong 1 địa phương. Tỷ lệ ốm, chết không cao.

            - Chủ yếu bị táo bón, giai đoạn sau mới có ỉa chảy, nhưng không nặng.

            - Hiện tượng ho, thở khó, sốt, viêm phổi, tụ huyết không đặc trưng.

            2. Bệnh Tụ huyết trùng

            - Xảy ra ở lợn 3-4 tháng tuổi trở lên.

            - Thường xảy ra vào mùa hè, nhất là sau những trận mưa rào.

            - Tỷ lệ ốm không cao, nhưng tỷ lệ chết rất cao. Phạm vi bệnh hẹp.

            - Triệu chứng hô hấp rất đặc trưng: Ho khan, sau ho ướt, ho nhiều, thở khó trầm trọng.

            - Đặc trưng nhất là gây viêm phổi thuỳ, trong lòng khí phế quản có nhiều dịch màu hồng. Hạch vùng hầu, họng viêm sưng.

            3. Bệnh Phó thương hàn

            - Xảy ra chủ yếu ở lợn con hoặc lợn sau cai sữa.

            - Thường xảy ra vào vụ đông xuân.

            - Phạm vi bệnh hẹp.

            - Triệu chứng tiêu hoá rất đặc trưng: phân loãng, thối khắm, có màu vàng bột như cám.

            - Triệu chứng hô hấp không đặc trưng.

            - Viêm loét ruột, dạ dày (chủ yếu ở ruột già), vết loét lan tràn, bờ nông.

            - Lách thường dai, chắc.

8 - Biện pháp phòng chống

            1. Vệ sinh phòng bệnh.

            - Khi dịch chưa xảy ra:

Dùng vaccin tiêm phong định kỳ cho lợn, vệ sinh thức ăn, nước uống, xử lý phân rác độn chuồng.

            - Khi dịch đã xảy ra:

            + Yêu cầu xử lý xác chết bằng cách luộc chín làm thức ăn cho gia súc.

            + Thức ăn thừa, độn chuồng phải được ủ nhiệt sinh học hoặc tổng tẩy uế chuồng trại bằng các chất tiêu độc công dụng.

            2. Vaccin phòng bệnh

            Có 2 loại vaccin đang được sử dụng trên thế giới:

            - Vaccin chết (vô hoạt): được sử dụng ở các nước đã được coi là an toàn về bệnh.

- Vaccin nhược độc: Được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, có chất lượng tốt, đáp ứng miễn dịch cao, thời gian miễn dịch kéo dài. Có 2 dạng là vaccin đông khô (thường được sử dụng), và vaccin tươi.


Có thể bạn quan tâm

BỆNH GLASSER Ở LỢN (VIÊM ĐA XOANG)
BỆNH GLASSER Ở LỢN (VIÊM ĐA XOANG)
BỆNH GLASSER Ở LỢN (VIÊM ĐA XOANG)

Bệnh Glasser trên lợn là một bệnh có mặt khắp nơi trên thế giới, đã xuất hiện ở Việt Nam và đã gây ra những thiệt hại không hề nhỏ cho ngành chăn nuôi, nhất là từ sau khi bệnh tai xanh (PRRS) hoành hành. Bệnh do vi khuẩn Haemophilus...

BỆNH VIÊM DẠ DÀY - RUỘT TRUYỀN NHIỄM Ở LỢN (Trasmissable gastroenteritis - TGE)
BỆNH VIÊM DẠ DÀY - RUỘT TRUYỀN NHIỄM Ở LỢN (Trasmissable gastroenteritis - TGE)
BỆNH VIÊM DẠ DÀY - RUỘT TRUYỀN NHIỄM Ở LỢN (Trasmissable gastroenteritis - TGE)

Bệnh viêm ruột - dạ dày truyền nhiễm ở lợn (TGE) là một bệnh diễn biến cấp tính và lây lan mạnh. Các biểu hiện đặc trưng là nôn mửa, tiêu chảy nghiêm trọng. Lợn ở tất cả các lứa tuổi đều nhiễm bệnh, song ở lợn con 2 tuần...

Bệnh thường gặp trên gia súc và cách phòng ngừa
Bệnh thường gặp trên gia súc và cách phòng ngừa
Bệnh thường gặp trên gia súc và cách phòng ngừa

Để giảm thiểu thiệt hại cho đàn gia súc, người chăn nuôi cần biết cách phòng ngừa, nhận biết các dấu hiệu mắc bệnh để đưa ra các giải pháp trị bệnh kịp thời.