(Người Chăn Nuôi) - Hội chứng còi cọc ở heo con sau cai sữa (PMWS) là một bệnh truyền nhiễm do một loại circovirus. Bệnh gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, làm giảm tổng khối lượng xuất chuồng khoảng 10 - 15%. Vì vậy, cần có những giải pháp phòng, xử lý bệnh hiệu quả và kịp thời.
Tác nhân
Tác nhân gây bệnh PMWS là một Porcine Circovirus (PCV). Khi virus xâm nhập vào cơ thể, trong những ngày đầu virus có thể sinh sản không kiểm soát trong tế bào miễn dịch sơ khai, sự sinh sản nhanh chóng của virus phá hủy hệ thống miễn dịch của heo con (giống virus PRRS, đều là virus ức chế miễn dịch), do đó heo trở nên nhạy cảm hơn với những tác nhân gây bệnh khác.
Đặc điểm dịch tễ
Có thể virus gây bệnh vào cơ thể heo con từ rất sớm, nhưng bệnh thường xuất hiện ở heo từ 5 - 18 tuần tuổi (heo sau cai sữa và heo vỗ béo). Tỷ lệ mắc bệnh phổ biến từ 1 - 5% trong đàn, nhưng cũng có những trại tỷ lệ mắc cao dao động tới 50%.
Bệnh xảy ra quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ, khí hậu. Tuy nhiên, người ta thấy ở các đàn nái ngoại cao sản, heo được chăn nuôi công nghiệp thì bệnh xảy ra phổ biến hơn, tỷ lệ heo con mắc hội chứng còi cọc nhiều hơn so với các giống heo địa phương được chăn nuôi theo hướng phân tán, nhỏ lẻ.
Sự lây truyền: Từ heo bệnh sang heo khỏe qua phân, qua tiếp xúc trực tiếp, qua tinh dịch, qua nhau thai (vì vậy có thể nó làm cho heo nái bị sẩy thai). Do đó, việc chăn nuôi heo công nghiệp ở mật độ cao, không đảm bảo an toàn sinh học... đều là những cơ hội tiềm ẩn. Đồng thời việc stress do thay đổi khí hậu, môi trường đột ngột đều là những nguy cơ cao để chúng tấn công vào cơ thể heo.
Triệu chứng
Các triệu chứng thường xuất hiện rõ ở heo từ 5 - 18 tuần tuổi. Triệu chứng điển hình nhất, dễ nhận thấy nhất là còi cọc, tức là heo lớn chậm hơn rất nhiều so với các con khác cùng ổ hoặc cùng lứa tuổi. Một điều đáng lưu ý là PWMS sẽ đồng nhiễm với hội chứng viêm da, bệnh thận ở heo (Porcine Dermatitis and Nephropathy Syndrome - PDNS) gây chết đột ngột, tỷ lệ chết 6 - 10% trên đàn heo bệnh. Bệnh biểu hiện qua viêm vành tai, viêm da phía sau đùi, nặng hơn là viêm da toàn thân (giống triệu chứng viêm da tiết dịch do nhiễm Stanphylococcus) bệnh có thể kéo dài nhiều tháng trong đàn, từ nhóm này sang nhóm khác, điều trị hiệu quả không cao.
Bệnh tích
Nếu bệnh chỉ do PCV- 2 thì khi mổ khám sẽ thấy: Thịt và mỡ có màu vàng (gần giống bệnh xoắn khuẩn); Hạch lâm ba sưng to, thấy rõ nhất là hạch bẹn; Lách sưng và cứng; Thận viêm phù nề, sưng to, trên bề mặt có nhiều nốt trắng; Phổi viêm tiết dịch; Các khoang ngực, khoang bụng chứa nhiều dịch thẩm xuất màu đỏ hồng; Ruột luôn bị viêm xuất huyết tăng sinh; Dạ dày có nhiều nốt viêm hoại tử, viêm loét. Trường hợp bị bội nhiễm thì ngoài các bệnh tích kể trên còn kèm theo các biến đổi cơ thể mỗi loại bệnh ghép (bệnh thứ phát).
Chẩn đoán
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, đặc điểm dịch tễ, bệnh tích có thể chẩn đoán sơ bộ hội chứng còi cọc ở heo con sau cai sữa. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, nhất là khi bệnh có xu hướng lây lan nhanh thì cần áp dụng các phương pháp trong phòng thí nghiệm để khẳng định bệnh. Các phương pháp thường dùng là tìm kháng thể kháng huyết thanh PCV- 2 trong huyết thanh, trong tinh dịch, trong các tế bào nội tạng như thận, hạch lâm ba… gồm PCR, RT- PCR, ELISA… Ở những nơi bệnh xuất hiện lần đầu tiên thì buộc phải phân lập, giám định PCV- 2 từ tế bào thận heo nghi mắc bệnh.
Điều trị
Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị trên toàn thế giới. Thuốc kháng khuẩn thường không hiệu quả trừ khi được phòng ngừa trong một thời gian dài trước khi bệnh bắt đầu. Các báo cáo gần đây từ miền Đông nước Anh cho thấy có phản hồi tốt khi dùng kháng sinh toàn thân dạng tiêm hoặc trộn thức ăn hay nước uống để kiểm soát nhiễm trùng thứ cấp.
Phòng bệnh
Bệnh không có thuốc đặc trị nên quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh cẩn thận, thực hiện an toàn sinh học. Loại bỏ ngay những con còi cọc ra khỏi đàn càng sớm càng tốt. Thực hiện đầy đủ 3 bước giúp hạn chế ảnh hưởng của mầm bệnh: Hạn chế tiếp xúc giữa heo - heo; Giảm các nguyên nhân gây stress; Quản lý vệ sinh, chăm sóc tốt.
- Kiểm soát căn bệnh này được dựa trên hệ thống cùng vào cùng ra.
- Chăm sóc heo thật tốt ngay từ khi vừa mới sinh ra như: cho bú sữa đầu càng sớm, càng nhiều càng tốt, úm heo con đúng kỹ thuật, bấm răng và cắt đuôi đúng, tập ăn sớm…
- PCV là một virus tồn tại rất dai dẳng trong môi trường. Tuy nhiên Virkon S đã được chứng minh là có hiệu quả diệt virus này.
- Phải quan tâm đến dinh dưỡng tốt, thông gió tốt và nhiệt độ phù hợp
- Tránh mật độ cao và hạn chế ghép đàn, đặc biệt là ghép đàn khi heo con đã qua một ngày tuổi mà không được bú sữa đầu.
- Hạn chế hay phòng ngừa những bệnh khác (như parvovirus và dịch tai xanh) cũng chính là một bước phòng ngừa bệnh PMWS
- Sử dụng vách ngăn rắn giữa các nhà nuôi hoặc các ô chuồng nuôi heo ở những độ tuổi khác nhau.
- Đặc biệt chú ý đến khả năng truyền tải qua phân đặc biệt là xe tải.
Tiêm phòng đầy đủ, đúng thời điểm các mầm bệnh thường ghép, kế phát cùng với Circo (PCV) như bệnh tai xanh (PRRS), suyễn heo, cúm, tụ huyết trùng, viêm phổi màng phổi (APP), liên cầu khuẩn. Dùng kháng sinh và thuốc kháng viêm để điều trị các bệnh vi khuẩn kế phát. Trên thế giới có một số vaccine đang được sử dụng rộng rãi như:
- Circovac của Pháp: tiêm 2 ml/nái lúc 2 - 3 tuần trước khi đẻ nhằm tạo miễn dịch thụ động cho đàn con. Nếu nái đẻ chửa lần đầu thì phải tiêm 2 lần, lần 1 vào lúc nái chửa 80 - 84 ngày, lần 2 nhắc lại lúc nái chửa 100 ngày. Vì miễn dịch tạo ra ngắn nên mỗi lần tiếp theo, heo nái chửa phải được tiêm nhắc lại vaccine vào lúc 15 ngày trước khi sinh.
- Circumvent.VM.PVC của Hà Lan là vaccine sống nhược độc tiêm cho heo sơ sinh lúc 3 tuần tuổi cho những cơ sở chăn nuôi đã từng mắc bệnh, tiêm nhắc lại lần 2 sau 3 tuần để loại bỏ sự lây nhiễm PCV- 2 tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa bệnh.
>> PCV là virus rất nhỏ nhưng khỏe mạnh. Có hai týp huyết thanh, loại 1 không gây bệnh; loại 2 (PCV2) có thể được tìm thấy trong các tổn thương và có thể được phân lập trong môi trường tế bào. Đây là một loại AND virus, thuộc lớp II tức là sợi đơn AND không phân đoạn, dạng trần, capsid có đường kính 17 nm. Virus thuộc họ Circoviridae.
Phương Đông
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Mô hình được thực hiện tại 2 hộ dân thuộc 2 xã Hộ Hải và Phương Hải (huyện Ninh Hải), do Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận thực hiện.
(Người Chăn Nuôi) - Phòng bệnh bằng vaccine là giải pháp tốt nhất cho vật nuôi. Tuy nhiên, vaccine không hiệu quả hoặc kém hiệu quả sẽ gây tốn kém công sức và chi phí chăn nuôi.
29/10/2013 - Bi kịch hay nghịch lý lớn nhất mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang mắc phải, đó là người nông dân từ vai trò những ông chủ chăn nuôi trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất, chuồng trại của chính mình. Về lâu dài người chăn...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET