Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
(Người Chăn Nuôi) - Dịch tả trâu, bò là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu.
Nguyên nhân
Bệnh do virus dịch tả trâu, bò gây nên. Tất cả động vật nhai lại (trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai…) đều nhiễm virus này. Virus nhiễm vào cơ thể trâu, bò qua đường tiêu hóa.
Bệnh lây lan trực tiếp và gián tiếp từ trâu, bò bệnh sang trâu, bò khỏe do tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chăn thả cùng bãi, qua dụng cụ chăn nuôi, người nuôi hoặc do ăn uống phải thức ăn, nước uống cỏ chứa mầm bệnh, do trâu, bò bệnh thải ra qua phân, nước tiểu, các chất dịch bài xuất.
Triệu chứng
Thời kỳ nung bệnh 3 - 4 ngày nhưng cũng có thể lên đến 7 - 10 ngày.
Thể quá cấp: Bệnh phát ra nhanh chóng. Niêm mạc đỏ ứng. Con vật chết nhanh trong khoảng 12 - 24 giờ. Có khi chưa kịp ỉa chảy thì đã chết. Thể này ít thấy.
Thể cấp tính: Đây là thể này thường gặp nhất. Ở thể này, con vật ủ rũ, run rẩy, nghiến răng, mắt lờ đờ, lưng cong, lông dựng, kém ăn hoặc bỏ ăn. Sốt cao (40 - 410C), mũi khô, niêm mạc (miệng, mắt…) có những điểm xuất huyết. Con vật chảy nước mắt, có dử. Mũi viêm chảy nước, lúc đầu lỏng vàng đục, sau đặc có mủ, mùi hôi thối. Ở gia súc cái âm hộ sưng đỏ, mép âm hộ chảy nước vàng, nhớt có màng giả. Niêm mạc miệng viêm đỏ sẫm hay tím nhạt, có vết loét, mụn loét bằng hạt thóc, hạt ngô, đồng xu hay từng mảng, phủ một lớp bựa màu vàng xám. Thời kỳ đầu phân táo bón, sau ỉa chảy phân loãng. Phân có lẫn máu màu nâu đen và có màng giả, mùi thối khắm… Con vật thở nhanh, khó, tim đập nhanh, yếu dần chết. (Tỷ lệ chết cao có thể lên đến 90 - 100%). Trâu, bò cái có chửa thường đẻ non hoặc sảy thai.
Thể mãn: Con vật gầy còm, lông dựng, thở dốc, ỉa chảy. Những con vật này chứa và lây lan mầm bệnh.
Phòng bệnh
Đối với dịch tả, biện pháp phòng bệnh rất quan trọng. Khi chưa có dịch xảy ra, cần tiêm vaccine cho toàn đàn 1 - 2 lần/năm, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, những vùng xung quanh các ổ dịch, những vùng có nguy cơ cao, kết hợp với việc tổ chức kiểm dịch nghiêm ngặt.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống. Định kỳ quét dọn, thu gom, xử lý phân, chất thải bằng hình thức ủ nhiệt hoặc hầm biogas; Khơi thông cống rãnh xung quanh khu vực chăn nuôi; Phun thuốc diệt ruồi, muỗi, không để ao tù, nước đọng xung quanh chuồng nuôi. Tổ chức phun tiêu độc khử trùng 1 lần/2 tuần đối với vùng chưa có dịch và 1 - 2 lần/tuần đối với vùng nguy cơ cao hoặc đang xảy ra dịch bệnh trên trâu, bò.
Trị bệnh
Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh dịch tả. Trường hợp bệnh mới phát, con vật chưa bị ỉa chảy, có thể điều trị bằng cách tiêm huyết thanh dịch tả trâu, bò, điều trị sớm mới có hiệu quả. Liều lượng: 60 - 100 ml/ngày/con bê, nghé có khối lượng dưới 100 kg; 100 - 160 ml/ngày/con trâu, bò có khối lượng 100 - 200 kg; 160 - 200 ml/ngày/con trâu, bò có khối lượng trên 200 kg.
Ngoài ra, cần sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng: Khi con vật sốt cao, tiêm dưới da Urotropin 10%, liều 10 ml/ngày. Hạn chế ỉa chảy bằng việc cho uống các loại lá chát như lá ổi, lá sim, lá chè tươi. Trường hợp trâu, bò bị ỉa chảy mạnh, mất nước, cần truyền tĩnh mạch dung dịch sinh lý mặn, sinh lý ngọt đẳng trương với liều 1.000 ml/100 kg khối lượng.
Khi có dịch xảy ra, cần tổ chức kiểm tra để phát hiện con ốm, cách ly để điều trị và tránh lây nhiễm sang những con khác.
Tiêm huyết thanh dịch tả cho những con nghi mắc bệnh và tiêm vaccine cho những con trâu, bò khỏe mạnh. Tiến hành công bố dịch và nghiêm cấm hoàn toàn việc giết mổ, vận chuyển gia súc. Những con trâu, bò bị chết do dịch tả phải chôn sâu 2 m, đổ vôi sát trùng và lấp đất cẩn thận. Tẩy uế và khử trùng chuồng trại bằng dung dịch nước vôi 10% hoặc Crezin 2 - 3% và phải để trống chuồng 30 ngày.
Virus đề kháng kém đối với các yếu tố ngoại cảnh, chết ở 50 - 600C trong thời gian 20 phút. Các chất sát trùng thông thường có thể tiêu diệt virus dễ dàng sau vài phút.
Lê Loan
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn 3 - 6 tuần tuồi hoặc thời kỳ gà đẻ, đặc trưng với các biểu hiện tích nước xoang bụng, viêm dính phúc mục, cơ bụng biến màu thành màu xanh thâm đen.
(Người Chăn Nuôi) - Sử dụng đệm lót sinh học nuôi gà là giải pháp chăn nuôi không mùi hôi hiệu quả, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giúp hạn chế các mầm bệnh nguy hiểm.
Chủ Nhật, 15/06/2014 - 06:14 (DĐDN) - Dự án nuôi đàn bò thịt, bò sữa, xây nhà máy chế biến sữa, nhà máy giết mổ thịt với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng của ba “ông lớn” là Cty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Cty CP Thực...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET