(Người Chăn Nuôi) - Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chăn nuôi góp 40% giá trị toàn cầu vào đầu ra nông nghiệp và hỗ trợ sinh kế cùng an ninh thực phẩm và dinh dưỡng cho gần 1,3 tỷ người. Vẫn còn nhiều dư địa để cải tiến phương thức thực hành chăn nuôi bền vững, hợp lý và ít rủi ro hơn tới sức khỏe của vật nuôi và con người.
Tăng trưởng nhanh
FAO nhận định, ngành chăn nuôi toàn cầu trong năm 2021 đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống thực phẩm bền vững. Ví dụ, chất thải là một nguồn phân bón tự nhiên cực kỳ quan trọng, trong khi những vật nuôi được sử dụng để lấy sức kéo có thể thúc đẩy năng suất ở những khu vực có tỷ lệ cơ giới hóa thấp.
Tính trên toàn cầu, khoảng 500 triệu nông dân sống phụ thuộc vào nghề chăn thả gia súc để làm thực phẩm và thu nhập. Tại địa phương, hệ thống chăn nuôi có tiềm năng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và hấp thụ carbon trong đất và sinh khối. Trong các môi trường khắc nghiệt như vùng núi cao hay đất khô hạn, chăn nuôi là cách duy nhất để biến đổi các nguồn lợi tự nhiên bền vững thành thực phẩm, chất dinh dưỡng cho các cộng đồng địa phương.
Thu nhập tăng, khẩu phần ăn thay đổi và dân số tăng trưởng trong năm 2021 đã khiến nhu cầu tăng theo và thúc đẩy ngành chăn nuôi trở thành một trong những lĩnh vực đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành nông nghiệp tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều này chủ yếu mang lại cơ hội cho các hộ nông dân nhỏ lẻ, kinh doanh nông nghiệp và tạo việc làm xuyên suốt chuỗi cung ứng chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu không được quản lý đúng thì tăng trưởng sẽ kéo theo rủi ro cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Chuyển động bền vững
Theo World Bank, trong năm 2021, nhiều quốc gia đã cam kết hợp tác để phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Đầu tư vào dịch vụ thú y và giám sát sức khỏe vật nuôi cũng được chú trọng nhằm cải thiện sức khỏe, phúc lợi động vật, giảm tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, cải thiện an toàn thực phẩm và giảm rủi ro của kháng kháng sinh. Ngăn chặn dịch bệnh trên động vật đã hạn chế sự lây lan của mầm bệnh từ vật nuôi sang người và kiểm soát sự xuất hiện của các dịch bệnh gây chết hàng loạt.
Cải thiện quản lý chăn nuôi được xem như một phần không tách rời của hướng tiếp cận “Một sức khỏe”, nhằm mục tiêu tối ưu sức khỏe cho người và vật nuôi. Theo World Bank, nhu cầu phát triển chăn nuôi bền vững tăng mạnh tại châu Phi, Nam Á, và Trung Á những năm gần đây với vốn đầu tư lên đến 1,9 tỷ USD. Các quốc gia tại những châu lục này đều cam kết xây dựng hệ thống chăn nuôi theo hướng bền vững hơn và thân thiện với khí hậu. Đồng thời cải thiện nhiều khía cạnh của hệ thống chăn nuôi và chuỗi cung ứng, sử dụng những “đòn bẩy” như ngũ cốc hiệu quả, cân bằng khẩu phần ăn của vật nuôi và nguồn thức ăn bền vững, hấp thụ carbon trong đất nông nghiệp, công nghệ tiết kiệm năng lượng và nguồn năng lượng tái chế, thú y, phúc lợi động vật và quản lý chất thải tốt hơn.
Đáng chú ý, Chương trình chăn nuôi bền vững tại Kazakhstan được phê duyệt năm 2021 gồm các mục tiêu môi trường đầy tham vọng nhằm phát triển ngành chăn nuôi bò thịt bền vững và góp phần vào đa dạng hóa nền kinh tế để thoát sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu khoáng và dầu mỏ. Chương trình này đặt ra các mục tiêu về tăng sản xuất bò thịt đồng thời giảm hoàn toàn khí thải GHG.
Ethiopia và Bangladesh cũng đầu tư 2 dự án trị giá 108,8 triệu USD và 259 triệu USD để phát triển ngành chăn nuôi thân thiện khí hậu. Patagones, thuộc lãnh thổ của Argentina và Chilê cũng đã chuyển đổi cánh đồng ngũ cốc sang đồng cỏ tự nhiên và cải tiến để chăn thả gia súc. Đây là một trong nhiều chiến lược mà nông dân tại khu vực này sử dụng để đánh bại hoang mạc hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại Uruguay, nông dân cũng tích cực áp dụng các phương thức thực hành khí hậu thông minh. Tới nay, đầu tư tại quy mô trại nuôi đã góp phần cải thiện hấp thụ carbon trong đất đồng cỏ và năng lượng hiệu quả của chuỗi cung ứng bò sữa và bò thịt. Nhờ đó, người chăn nuôi tại đây đã giảm thiểu được chất thải, thúc đẩy bền vững và quản lý đất hữu cơ bằng cách giảm sử dụng phân bón và bảo tồn nguồn nước tại trang trại bò sữa.
>> Theo FAO, ngành chăn nuôi toàn cầu phức tạp với nhiều đối tượng nuôi cùng hệ thống sản xuất đa dạng, nhưng đều hướng đến một đích chung là bền vững, hiệu quả và trách nhiệm.
Vũ Đức
(Tổng hợp)
Có thể bạn quan tâm
Trong “Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Việt Nam, gà lôi lam mào trắng là loài chim duy nhất cần bảo tồn khẩn cấp.
Kiểm tra kỹ lưỡng kết cấu chuồng nuôi, tu sửa lại các hệ thống không chắc chắn. Ðặc biệt mái chuồng cần gia cố, chằng chống để hạn chế bị tốc mái khi có bão. Nền chuồng cần đảm bảo độ cao, độ dốc để không bị ngập úng.
Từ khoảng 10 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển chăn nuôi...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET