Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn mới

Cập nhật: 31/10/2020, 13:26:58

(Người Chăn Nuôi) - Ngày 6/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1520/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Quan điểm phát triển

1. Phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

2. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.

3. Tăng cường nghiên cứu khoa học, thích nghi và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi.

4. Ðẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

Mục tiêu

a. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Ðến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

b. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Cụ thể:

- Mức tăng trưởng giá trị sản xuất: giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 - 4%/năm.

- Sản lượng thịt xẻ các loại: đến năm 2025 đạt từ 5 - 5,5 triệu tấn, trong đó: thịt heo từ 63 - 65%, thịt gia cầm từ 26 - 28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8 - 10%; đến năm 2030 đạt từ 6 - 6,5 triệu tấn, trong đó: thịt heo từ 59 - 61%, thịt gia cầm từ 29 - 31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10 - 11%. Trong đó, xuất khẩu từ 15 - 20% sản lượng thịt heo, từ 20 - 25% thịt và trứng gia cầm.

- Sản lượng trứng, sữa: đến năm 2025 đạt từ 18 - 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 - 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa.

- Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: đến năm 2025 đạt từ 50 - 55 kg thịt xẻ các loại, từ 180 - 190 quả trứng, từ 16 - 18 kg sữa tươi và đến năm 2030 đạt từ 58 - 62 kg thịt xẻ các loại, từ 220 - 225 quả trứng và từ 24 - 26 kg sữa tươi.

- Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

- Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt: từ 25 - 30% vào năm 2025, từ 40 - 50% vào năm 2030;

- Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 10 vùng cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 20 vùng cấp huyện.

Ðịnh hướng phát triển

Ðến năm 2030:

- Phát triển chăn nuôi heo với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống heo bản địa, heo lai giữa giống cao sản và giống bản địa.

Tổng đàn heo có mặt thường xuyên ở quy mô từ 29 - 30 triệu con, trong đó đàn heo nái từ 2,5 - 2,8 triệu con; đàn heo được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

- Phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp.

+ Tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500 - 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp.

+ Tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên từ 100 - 120 triệu con, trong đó khoảng 40% được nuôi theo phương thức công nghiệp.

- Ðàn bò sữa đạt quy mô từ 650 - 700 nghìn con, trong đó khoảng 60% được nuôi trong các trang trại.

- Ðàn bò thịt ổn định ở quy mô từ 6,5 - 6,6 triệu con, trong đó khoảng 30% được nuôi trong trang trại.

- Ðàn trâu ổn định ở quy mô từ 2,4 - 2,6 triệu con, trong đó khoảng 20% được nuôi trong trang trại.

- Ðàn dê, cừu ổn định ở quy mô từ 4 - 4,5 triệu con, trong đó trên 90% là đàn dê, cừu lai và được nuôi chủ yếu trong các trang trại, hộ lớn theo phương thức bán công nghiệp kết hợp chăn thả có kiểm soát.

- Vật nuôi khác:

+ Ong, tằm: ổn định sản lượng kén tằm đạt khoảng 10 nghìn tấn, diện tích trồng dâu từ 12 - 15 nghìn ha và khoảng 1,3 triệu đàn ong, sản lượng đạt khoảng 50 nghìn tấn mật ong.

+ Sản lượng tổ yến đạt từ 200 - 250 tấn vào năm 2025 và từ 350 - 400 tấn vào năm 2030.

+, Ðàn hươu đạt khoảng 90 nghìn con vào năm 2025 và khoảng 130 nghìn con vào năm 2030.

+ Ðàn thỏ đạt khoảng 2,5 triệu con vào năm 2025 và khoảng 4 triệu con vào năm 2030.

- Thức ăn chăn nuôi: ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 từ 40 - 45 triệu tấn, sản lượng thực tế từ 30 - 32 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh tổng số.

- Kiểm soát dịch bệnh: Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm; có nguy cơ lây sang người...

Ðến năm 2045

Chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó:

- Trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Ðông Nam Á.

- Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh lây nhiễm sang người.

- Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

- 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Giải pháp

Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi (Ðất đai; chính sách tài chính và tín dụng; thương mại; khuyến nông và thông tin tuyên truyền); Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; Nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; Ðào tạo nguồn nhân lực; Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi; Ðổi mới tổ chức sản xuất; Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y.

Ðề án ưu tiên

1. Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi.

2. Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

3. Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.

4. Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

Phạm Thu


Có thể bạn quan tâm

Tái đàn chăn nuôi sau Tết: Chú trọng phòng, chống dịch bệnh
Tái đàn chăn nuôi sau Tết: Chú trọng phòng, chống dịch bệnh
Tái đàn chăn nuôi sau Tết: Chú trọng phòng, chống dịch bệnh

Sau vụ gia tăng sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Bổ sung vitamin nuôi gia cầm mùa nóng
Bổ sung vitamin nuôi gia cầm mùa nóng
Bổ sung vitamin nuôi gia cầm mùa nóng

(Người Chăn Nuôi) - Bổ sung Vitamin A, E vào khẩu phần ăn của gà đẻ trong môi trường nắng nóng mùa hè có thể tăng năng suất trứng, hỗ trợ sức khỏe vật nuôi và tỷ lệ biến đổi thức ăn.

Có đầu ra ổn định nhờ nuôi thủy sản an toàn
Có đầu ra ổn định nhờ nuôi thủy sản an toàn
Có đầu ra ổn định nhờ nuôi thủy sản an toàn

Nhờ tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản chất lượng cao của Cty Metro Cash & Carry (trong chương trình hợp tác công - tư mà Bộ NN-PTNT đang thực hiện với nhiều tập đoàn nước ngoài), nhiều hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL đang khá lên từng ngày.