Do có khả năng thích ứng cao, đặc biệt tại các vùng nước lợ, nước mặn, vùng đầm, ven biển trước đây ta chưa khai thác nhiều, vịt biển là đối tượng nuôi giàu tiềm năng phát triển. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Từ năm 2017 – 2018, Trung tâm Khuyến nông Bình Định (Sở NN&PTNT) đã triển khai 4 điểm mô hình nuôi vịt biển tại các xã Cát Chánh (Phù Cát), Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), Phước Sơn (Tuy Phước) và phường Nhơn Bình (Quy Nhơn).
Kết quả cho thấy, giống vịt biển 15 – Đại Xuyên thích nghi tốt với nhiều kiểu môi trường (nước ngọt, nước mặn, nước lợ) nên cho phép chọn nhiều vùng nuôi và phương thức chăn nuôi khác nhau. Nhằm hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tiếp tục khẳng định ưu thế của mô hình, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình “Chăn nuôi vịt biển thương phẩm gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 3.000 con vịt biển, tại hộ chăn nuôi Đoàn Ngọc Thống, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Anh Đoàn Ngọc Thống cho biết: Vịt biển phù hợp với nhiều cách nuôi khác nhau như nuôi trên cạn không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi kết hợp cá – vịt, cá – lúa – vịt, lúa – vịt… Vịt biển sinh trưởng và phát triển tốt khi thả ngoài đồng có thể tự kiếm ăn từ tự nhiên như ốc bươu vàng, cá nhỏ…, qua đó giúp tiết kiệm chi phí thức ăn đáng kể. So với giống vịt tại địa phương thì giống vịt biển tăng trọng nhanh và kháng bệnh cao hơn.
Kỹ sư Lê Cẩm Tiên, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ: Điểm mới của mô hình lần này là hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ trong liên kết tiêu thụ, tạo đầu ra cho sản phẩm. Vịt biển có khả năng tự bắt mồi rất tốt trong điều kiện nuôi thả ngoài đồng, giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn đáng kể. Đặc biệt do có khả năng thích ứng cao, phát triển tốt tại các vùng nước lợ, nước mặn, vùng đầm, ven biển trước đây ta chưa khai thác nhiều, vịt biển là đối tượng nuôi giàu tiềm năng phát triển.
“Sau khi đánh giá kết quả triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông sẽ tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, tiếp tục thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để nhân rộng mô hình đến người dân trong tỉnh, giúp bà con chăn nuôi đa dạng hóa được đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định”, ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết.
Thành Nguyên
Có thể bạn quan tâm
Nuôi chim bồ câu chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng đem lại thu nhập ổn định...
Từ ngày 20/9/2024, một số thủ tục hành chính mới lĩnh vực chăn nuôi thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN&PTNT sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 có nhiều nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật và diễn biến rất phức tạp.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET