Mỗi dúi con nuôi khoảng 1,5 tháng, đạt trọng lượng từ 300 - 400 gram là có thể xuất bán giống.
Là loài gặm nhấm, dễ nuôi, dễ chăm sóc, cho thu nhập ổn định, thời gian gần đây, mô hình nuôi dúi bắt đầu phát triển trên địa bàn tỉnh. Anh Phạm Ga Băng, ấp Công Ðiền, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), đã và đang thành công với mô hình này.
Sinh năm 1992, trước làm công tác Ðoàn ở ấp, năm 2022, anh Phạm Ga Băng đến Tiền Giang tham quan, học tập mô hình, kinh nghiệm nuôi dúi của người bạn. Thấy hiệu quả, anh đem giống về nuôi.
Ban đầu để thử nghiệm, anh chi khoảng 14 triệu đồng mua con giống, với giá mỗi con 1,2 triệu đồng. Sau 4 – 6 tháng nuôi, nhận thấy nuôi dúi đạt hiệu quả, mau lớn, anh đầu tư thêm, nhân giống tổng số gần 200 con dúi.
Anh Băng cho biết: “Dúi rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là tre, mía, khoai mì, khoai lang, bắp, cơm nguội… Nếu nuôi bán con giống, chỉ mất khoảng 1,5 tháng, tương đương 300 – 400 gram, giá khoảng 1,5 triệu đồng/con; còn nuôi thịt thì khoảng 6 tháng, khi đó con dúi đạt trọng lượng 1,2 kg, giá 500 ngàn đồng/kg”.
Về cách thức, chi phí làm chuồng, hiện tại mô hình của anh có 110 ô (chuồng) được làm bằng gạch men, đơn giản, nhẹ công. Anh Băng chia sẻ: “Tôi mua loại gạch men tồn kho nên giá rẻ, tính ra 110 ô này chỉ tốn khoảng 8 triệu đồng. Sau khi xây các ô thì gắn hệ thống nước uống vào mỗi ô, các con dúi sẽ tự động uống nước khi khát”.
Ðể đầu tư chuồng trại, chỉ cần những tấm gạch men, lót tạo thành các ô, mỗi ô nuôi 1 con dúi.
Theo anh Băng, cách nhân giống dúi cũng khá dễ, cho 2 con vào 1 chuồng. Thường 1 con dúi mẹ đẻ từ 3 – 4 con dúi con. Khi dúi đẻ, không cần chăm sóc, nó tự ôm giữ con, không cần can thiệp, thức ăn chỉ cần bổ sung thêm đậu, khoai mì. Ðến khoảng 1,5 tháng, tách dúi con ra, khi đó có thể bán dúi giống, hoặc nuôi lớn bán thịt.
Vì là loài gặm nhấm nên thức ăn của Dúi rất đa dạng, dễ tìm như: tre, mía, khoai mì, khoai lan, bắp, cơm nguội… hoặc có thể tận dụng các phế, phụ phẩm ở gia đình để cho ăn.
Mô hình nuôi dúi của anh Băng hiện có 3 loại giống: dúi mốc nhỏ (nặng nhất khoảng 2,8 kg), dúi mốc trung (nặng khoảng 4 kg), dúi má đào (nặng khoảng 5,5 kg); trong đó, giống dúi má đào đang được anh nuôi thử. Hiện tại, anh Băng bán con giống cho các hộ dân trên địa bàn huyện để nhân rộng mô hình, con giống càng lớn giá càng cao. Còn nuôi bán thịt thì có bao tiêu từ người bạn ở Tiền Giang, đến tận nhà mua. Các loại dúi này có da dày, thịt ngọt, thơm, được chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.
Với thu nhập bước đầu từ 7 – 10 triệu đồng/tháng, anh Băng đang dự kiến mở rộng thêm chuồng trại và nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Vĩnh Thành, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Ðây là một trong những mô hình mới của người dân ở xã Phong Ðiền cũng như của huyện. Nhận thấy mô hình hiệu quả, ít tốn chi phí, chủ yếu tiền con giống hơi cao, nên thời gian tới, có thể sẽ nhân rộng trên địa bàn huyện”.
Con dúi còn có tên gọi khác là chuột nứa, chuột tre, chuột lách. Ðây là loại động vật thuộc lớp thú và một phân họ gặm nhấm. Dúi được phân bố chủ yếu ở các vạt rừng tre nứa phía Bắc.Dúi có mình tròn trịa, phủ dày lông. Dúi trông khá giống chuột ở đôi mắt nhỏ, lồi, tròn, đen như hạt nhãn. Ðôi tai của dúi tròn nho nhỏ, bốn chân bén móng vuốt và cái đuôi giống như đuôi chuột.
Dúi còn giống với thỏ ở bộ ria, mũi, mõm và giống nhất là hai cặp răng cửa trên. Hai cặp răng cửa trên của dúi to bản và khoẻ, thích hợp để đào hang và gặm thức ăn.
Những con dúi trưởng thành thường có chiều dài thân khoảng 25 – 35 cm, chiều dài đuôi khoảng 7 – 12 cm, đuôi dúi không có lông. Trọng lượng dúi dao động trong khoảng 0,7 – 3 kg/con.
Hồng Nhung – Hưng Thái
Nguồn: Báo Cà Mau
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Vịt mắc các bệnh do giun sán gây ra có thể chậm lớn, còi cọc do mất chất dinh dưỡng, trường hợp nặng có thể dẫn đến chết. Do đó, cần theo dõi và phát hiện bệnh càng sớm càng tốt để có phương pháp phòng...
(Người Chăn Nuôi) - Hỏi: Xin cho biết triệu chứng và cách xử lý khi phát hiện gà nhiễm bệnh ORT?
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET