Ngành chăn nuôi bò thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn Ảnh: ST
(Người Chăn Nuôi) - Những năm qua, ngành chăn nuôi bò thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Tuy nhiên, chất lượng đàn bò thịt và con giống trong nước nhiều năm qua chưa được cải thiện, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển đàn bò quốc gia. Việc xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng giống chính là “chìa khóa” để giải bài toán này.
Tồn tại
Mặc dù GDP/đầu người tăng tỷ lệ thuận với nhu cầu tiêu dùng thịt đỏ, trong đó có thịt bò. Nhưng tại Việt Nam, trung bình một người tiêu thụ khoảng 3 kg thịt bò/năm. Mức tiêu thụ này còn rất khiêm tốn, bởi bình quân thế giới, mức tiêu thụ 7 kg thịt bò/người/năm. Riêng tại các quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ như: Mỹ, Argentina, New Zealand, Australia… mức tiêu thụ bình quân khoảng 30 kg thịt bò/người/năm.
Trong sản xuất con giống và thức ăn, 2 yếu tố này cũng đang có nhiều tồn tại. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu rất nhiều loại tinh khác nhau, với số lượng khoảng 1,7 triệu liều kể cả tinh bò sữa và bò thịt, đây là tinh các giống tốt nhất trên thế giới hiện nay. Ví dụ như bò BBB, nhóm Zebu, Limousin, Black Angus, Brahman, Wagyu… Tuy nhiên, đàn bò cái nền trong nước tầm vóc còn khiêm tốn. Ví dụ, nếu muốn lai tạo tinh bò BBB của Bỉ, thì tiêu chuẩn bò cái phải đạt trọng lượng 270 - 300 kg. Như vậy, bò mẹ mới chịu được sức tải của thai bò con lai F1. Hiện, Việt Nam có 3 loài bò phổ biến gồm bò vàng, bò H’Mông và bò U đầu rìu. Đây là các giống đặc sản của các vùng sinh thái khác nhau. Tuy nhiên, tầm vóc của đàn bò rất nhỏ và sản lượng thấp, với trọng lượng khoảng 200 - 250 kg.
Mặt khác, việc tạo giống bò thịt trong nước và các địa phương vẫn còn hạn chế. Việt Nam hiện chưa có giống bò lai hướng thịt nào được cố định về di truyền giống và được công nhận là giống mới. Thêm nữa, lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nào về đánh giá, bình tuyển bò lai hướng thịt. Việc ghi chép số liệu, quản lý giống còn thiếu khoa học, không xác định được bò thịt lai bao nhiêu giống và bao nhiêu máu, do vậy chưa tạo được đàn bò thịt hạt nhân làm giống.
Chăn nuôi bò nói chung đang được đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng, quy mô chăn nuôi chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng trang trại, gia trại… nhưng việc chuyển đổi còn hạn chế, khó cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Những khó khăn trong chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cỏ cũng chưa được khắc phục… những rào cản này khiến ngành chăn nuôi bò nhìn chung khó bứt phá.
Phát triển bài bản
Theo đánh giá, dư địa phát triển sản phẩm thịt bò hiện nay còn rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển đàn bò, cần 2 yếu tố đó là giống và thức ăn. Trước tiên, cần có sự đầu tư bài bản đối với hệ thống phát triển giống. Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, muốn cải thiện chất lượng giống bò tại Việt Nam, chúng ta cần quá trình để “zebu hóa” bằng cách lai tạo với các giống bò nhóm zebu hoặc lai tạo với bò brahman. Sau đó, mới thực hiện lai cải tiến ở các đời tiếp theo. Nhưng, Việt Nam chưa có một hệ thống chương trình giống bài bản phát triển đàn bò như một số quốc gia. Bởi để tạo ra một giống bò phù hợp với điều kiện đặc thù của từng nước, cần có sự đầu tư bài bản của cả khu vực nhà nước cũng như khu vực doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi.
Để có đàn giống chất lượng, Việt Nam cần vừa chọn lọc, nhân thuần, củng cố với giống bò bản địa, đồng thời tạo ra các phép lai 2 máu, 3 máu thậm chí là 4 máu để phù hợp với từng điều kiện và quy mô chăn nuôi. Đồng thời, có định hướng lâu dài cho chương trình chọn tạo trong nước để vừa tạo ra được giống bò ôn đới nhưng sinh trưởng tốt ở điều kiện khí hậu của Việt Nam. Mặt khác, cần ưu tiên phát triển đồng cỏ chăn nuôi, có diện tích dành cho trồng cỏ.
Cùng đó, xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt theo chuỗi, phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người chăn nuôi bò thịt với các doanh nghiệp, tổ chức chăn nuôi. Ngoài ra, khuyến khích người chăn nuôi nhân rộng mô hình vỗ béo đàn bò thịt trên cơ sở sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để vừa tăng năng suất, chất lượng con nuôi, lại vừa giảm chi phí trong quá trình nuôi.
Theo định hướng chung, việc cải tạo đàn bò là một chương trình lớn của Bộ NN&PTNT. Giai đoạn 2020 - 2022, chăn nuôi bò thịt sẽ rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu phát triển, các địa phương sẽ tiếp tục tiếp nhận, bổ sung một số giống bò mới chất lượng cao như: Senepol, Droughtmaster… từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến. Giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học gắn với ứng dụng cơ giới hóa trong chuồng trại, vệ sinh môi trường… Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi bò thịt đầu tư sản xuất và sử dụng thức ăn phối trộn TMA, TMF. Phát triển diện tích trồng các loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao cho bò như: VA06, Mulato, Stylo, Ruzi… Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ mới về giống vào chăn nuôi bò thịt. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp được hưởng những cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển đàn bò thịt.
>> Một trong các nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi bò thịt chưa phát triển mạnh là do tỷ lệ chăn nuôi bò trong khu dân cư còn cao, tình trạng giết mổ thủ công tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa những người chăn nuôi với nhau và với các cơ sở giết mổ, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, thương hiệu thịt bò đang trong quá trình xây dựng.
Lâm Du
Có thể bạn quan tâm
Tôm nuôi ở đây cứ 2,5 - 3 tháng là thu hoạch, đạt size 40 con/kg, bán với giá khoảng 160 ngàn đ/kg, cao hơn giá tôm nuôi truyền thống. Nhờ tôm lớn nhanh, kiểm soát được dịch bệnh, mỗi năm trang trại nuôi từ 4 - 5 vụ...Nhờ nuôi...
Thứ hai, 28/10/2013 - 02:28 PM (GMT+7) [+] NDĐT- Các Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Con người Hoa Kỳ (HHS) phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và...
(Người Chăn Nuôi) - Vào mùa nóng, gà hay bị khô chân. Bệnh xảy ra trên cả gà trưởng thành và gà con. Người nuôi cần phòng, phát hiện và điều trị sớm cho gà để tránh những thiệt hại trong chăn nuôi.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET