(Người Chăn Nuôi) - Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là yếu tố cốt lõi thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.
Xu hướng tất yếu
Ngành chăn nuôi thế giới ngày càng được hiện đại hóa về công nghệ và thương mại hóa vì lợi nhuận với nhiều hệ thống chăn nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất trên quy mô lớn được gọi là chăn nuôi công nghiệp. Phần lớn các sản phẩm thịt, trứng, sữa được bán trong các siêu thị hiện nay trên thế giới được sản xuất bởi các hệ thống chăn nuôi công nghiệp. Theo ước tính hiện có khoảng 74% thịt gia cầm, 43% thịt bò và 68% trứng gia cầm trên thế giới được sản xuất kiểu này.
Công nghệ quyết định năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Ứng dụng CNC là cần thiết để giúp chăn nuôi có năng suất cao, giá thành sản phẩm thấp, nhờ đó mà đáp ứng được nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật ngày càng tăng của xã hội, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (nhờ đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung cũng như chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc), nâng cao được giá trị gia tăng cho các sản phẩm trồng trọt (dùng làm thức ăn chăn nuôi), đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp/người chăn nuôi, tạo cơ hội khởi nghiệp mới cho các doanh nghiệp địa phương và một số lợi ích khác nữa. Bởi vậy, ứng dụng CNC là một xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hình 1. Ưu điểm, hạn chế và xu hướng phát triển của các hệ thống chăn nuôi
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Việc phát triển chăn nuôi CNC ở nước ta nhằm đạt được năng suất cao rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả không phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Những trở ngại chính cho việc ứng dụng CNC vào phát triển chăn nuôi có thể kể đến như sau:
Kinh tế: Các hệ thống chăn nuôi thâm canh ứng dụng CNC chủ yếu dựa vào con giống, công nghệ và nguyên liệu thức ăn ngoại nhập. Vì vậy, rất dễ gặp rủi ro kinh tế vì phải phụ thuộc quá nhiều vào những thay đổi giá cả và sự sẵn có của các nguồn đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Điển hình như khủng hoảng về chăn nuôi heo ở nước ta năm 2017 là một minh chứng rất rõ rệt khi chỉ chú trọng tăng sản lượng chăn nuôi mà không gắn được với chuỗi giá trị toàn cầu để tiêu thụ sản phẩm.
Môi trường sinh thái: Các cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn dễ dẫn đến những vấn đề về môi trường. Đó là vì trong các cơ sở sản xuất như vậy số lượng vật nuôi rất lớn và mật độ nuôi rất cao sẽ sản sinh ra quá nhiều chất thải trong khi không có đủ diện tích trồng cây để tái sử dụng chúng.
Sức khỏe cộng đồng: Chăn nuôi ứng dụng CNC sử dụng thức ăn công nghiệp được phối trộn theo sự hiểu biết của con người về dinh dưỡng vật nuôi. Các loại thức ăn công nghiệp này không cho được sản phẩm có chất lượng dinh dưỡng và ẩm thực tốt như các loại thức ăn tự nhiên. Mặt khác, thức ăn công nghiệp có chứa nhiều chất phụ gia có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe con người do tồn dư trong sản phẩm thực phẩm hay thải ra môi trường.Xã hội: Việc ứng dụng các công nghệ, thiết bị nhập từ các nước phát triển có nghĩa là sử dụng tối đa các thiết bị tiết kiệm lao động. Điều đó sẽ gây khó khăn, đe dọa sinh kế cho những người nông dân sản xuất nhỏ vì họ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng CNC về các nguồn lực sẵn có cũng như về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phúc lợi động vật: Chăn nuôi CNC thường áp dụng phương thức nuôi nhốt ở mật độ cao, trang trại hoạt động như một nhà máy. Điều này không những khiến cho vật nuôi phải chịu những đau đớn về thể chất và tinh thần mà còn làm cho vật nuôi dễ bị bệnh, khả năng lây truyền cũng rất nhanh.
Giải pháp
Nhằm khắc phục những trở ngại như đã nêu trên, ngành chăn nuôi thế giới đang nhanh chóng chuyển dịch theo hướng bền vững, vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế vừa giảm thiểu được những rủi ro về xã hội, môi trường và phúc lợi của vật nuôi (Hình 1). Cụ thể, phát triển chăn nuôi bền vững (theo quan điểm của thế kỷ XXI) cần phải đáp ứng được đồng thời bốn yêu cầu (tứ trụ) nêu trên (Hình 2).
Hình 2: Trụ cột của phát triển chăn nuôi
Chỉ có phát triển chăn nuôi bền vững trên cả bốn trụ cột đó thì mới góp phần hài hòa được mục tiêu “tam nông” ở Việt Nam. Đây cũng chính là thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (2018) đã nhấn mạnh “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”. Muốn đạt được yêu cầu trên, các nhóm giải pháp chính cần kể đến như sau:
Thứ nhất, công nghệ cao cần được ứng dụng trên tất cả các phương diện sản xuất (giống, thức ăn, chuồng trại, quản lý chất thải, thú y và quản lý sản xuất - kinh doanh) để hình thành các hệ thống chăn nuôi chính xác nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ các nguồn tài nguyên đầu vào và nguồn chất thải phát sinh từ chăn nuôi tính trên mỗi đơn vị sản phẩm chăn nuôi. Thứ hai, ứng dụng CNC cần gắn với kết nối chuỗi giá trị. Người tiêu dùng/thị trường quyết định hoạt động của toàn bộ chuỗi ngành hàng. Ứng dụng CNC phải áp dụng trên tất cả các khâu và giúp kết nối chặt chẽ được toàn chuỗi giá trị để chăn nuôi đáp ứng được chính xác “mệnh lệnh” của từng thị trường cụ thể, từ đó ổn định sản xuất và tăng doanh thu.
Thứ ba, ứng dụng CNC cần gắn với đổi mới - sáng tạo. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ trên thế giới thay đổi rất nhanh chóng. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn thuần nhập CNC từ nước ngoài thì mãi mãi vẫn là người đi sau, không đủ sức cạnh tranh khi nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng. Vì vậy, Nhà nước ta cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học cùng với các doanh nghiệp không chỉ làm chủ được công nghệ ngoại nhập mà phải biết đổi mới và sáng tạo để có CNC phù hợp với điều kiện của Việt Nam, từ đó tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập.Đặc biệt, chăn nuôi ứng dụng CNC cần phải có sự liên kết và hợp tác tích cực của năm nhà (Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà băng và Nhà khoa học) dưới sự điều tiết của Nhà nước (Hình 3).
Hình 3. Tam nông - tứ trụ - ngũ gia trong phát triển chăn nuôi bền vững
>> Chăn nuôi ứng dụng CNC là một xu hướng phát triển nhằm tận dụng lợi thế của KHCN để tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Để phát triển chăn nuôi bền vững, việc ứng dụng CNC phải được thực hiện một cách thông minh và có điều kiện, trong đó vai trò kiến tạo và điều tiết của Nhà nước là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của “Tam nông - Tứ trụ - Ngũ gia”.
GS. NGND Nguyễn Xuân Trạch - Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Với khu nuôi thỏ hơn 400m2, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng, ít ai biết anh Hoàng Bạch Dương, (sinh năm 1972, trú tại thôn Nghĩa Vũ, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) từng tay trắng khi phải trả giá sau song sắt nhà tù.
Trong “Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Việt Nam, gà lôi lam mào trắng là loài chim duy nhất cần bảo tồn khẩn cấp.
Cập nhật lúc: 15:28, 30/11/2013 VOV.VN-Giá cá tra nguyên liệu tại Vĩnh Long từ 23.000-23.500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 23.000-24.000 đồng/kg.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET