Nhiều đặc sản chăn nuôi trở thành thế mạnh địa phương
(Người Chăn Nuôi) - Chăn nuôi Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhiều sản phẩm đã bật khỏi “lũy tre làng” và tạo được dấu ấn quan trọng trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi một xã, một sản phẩm) đang tiếp sức cho hành trình này.
Hòa nhập nhanh
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nhiều lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam đang có lợi thế cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này vẫn rất khiêm tốn, lép vế so với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam không chỉ thiếu “trình” ra thế giới, mà cũng chưa thực sự khẳng định được “tiếng nói” ở trong nước. Nhằm tạo lực đẩy các sản phẩm chăn nuôi đi nhanh về phía trước, chương trình Mỗi một xã, một sản phẩm đã giúp cho chăn nuôi tại các địa phương tăng về giá trị và đảm bảo thương hiệu sản phẩm đặc sản của địa phương.
Cả nước hiện có 63/63 tỉnh, thành phê duyệt đề án và triển khai chương trình. Trong lĩnh vực chăn nuôi gà, nhiều địa phương đã và đang phát triển về quy mô đàn, phát triển các giống đặc sản quý hiếm và xây dựng được thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Nhiều địa phương đã có đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP trong chăn nuôi, và những sản phẩm này đang dần mở rộng thị trường tiêu thụ.
Gia cầm chiếm ưu thế
Trong các sản phẩm OCOP, lĩnh vực chăn nuôi gà rất nhanh được khẳng định. Chẳng hạn như: gà Tiên Yên (Quảng Ninh), gà Yên Thế (Bắc Giang), gà Chí Linh (Hải Dương), gà Đông Tảo (Hưng Yên)… Nhiều sản phẩm khi tham gia OCOP đã có những bứt phát mạnh.
Điển hình là tại tỉnh Hòa Bình, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao là gà Lạc Thủy, đạt 3 sao là gà Hương Nhượng, Thuận Phát. Đây là những sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, có sức tiêu thụ lớn tại nhiều thị trường uy tín.
Có thể nói đến sản phẩm của HTX Chăn nuôi gà Lạc Thủy. Năm qua, trung bình 1 ngày HTX cung ứng 10.000 con gà thương phẩm ra thị trường, giá bán dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, trừ chi phí, các thành viên thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/1.000 con gà. Thành viên và các hộ vệ tinh của HTX nghiêm túc tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm OCOP để nâng sao cho sản phẩm (5 sao).
Tại Quảng Ninh, sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) trước đây chỉ phát triển theo hướng kinh tế hộ gia đình, nhỏ lẻ, nên việc đưa thương hiệu trứng vịt biển đến với người tiêu dùng còn hạn chế. Từ năm 2016, các hộ chăn nuôi đã thành lập HTX, giúp nhau quy trình chăn nuôi an toàn, bán sản phẩm với giá thống nhất. Đến nay, trứng vịt biển Đồng Rui trở thành sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh với đầy đủ bao bì, nguồn gốc xuất xứ, mã vạch, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Tại Đồng Nai, sản phẩm trứng gà sạch Thanh Đức (Công ty TNHH TMDV sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức, huyện Xuân Lộc) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đang xuất khẩu rất tốt sang thị trường Nhật Bản.
Đặc sản địa phương khởi sắc
Là một huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn có rất nhiều sản phẩm đặc sản. Phát huy thế mạnh, địa phương đã nhanh chóng đưa ưu thế của mình ra thị trường, trong đó, sản phẩm nhung hươu đang giúp vùng quê này khởi sắc.
Năm 2019, sản phẩm nhung hươu của Hương Sơn có niềm vui nhân đôi khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và là 1 trong 3 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt 4 sao. Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và người nuôi hươu tại Hương Sơn.
Theo đại diện Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn, năm 2019, sau khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, nhiều cơ sở kinh doanh nhung hươu trên địa bàn đã đầu tư máy móc, thiết bị chế biến ra 7 sản phẩm dinh dưỡng từ nhung. Nhờ thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nên giá thành và thời gian bảo quản, tiêu thụ sản phẩm chủ động hơn trước, xóa bỏ được tình trạng “được mùa mất giá”. Vậy nên năm 2020, sản lượng nhung toàn huyện ước đạt khoảng 15 tấn, doanh thu 160 tỷ đồng.
Từ năm 2019 đến nay, huyện Hương Sơn có số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh với 18 sản phẩm, trong đó, 13 sản phẩm chế biến từ nhung hươu.
Gỡ khó trong tiêu thụ
Sản phẩm OCOP đang được tiếp thêm sức để “công phá” thị trường, thế nhưng, không phải địa phương nào cũng thành công, sản phẩm nào cũng đạt thành quả mong muốn. Bởi thực tế có rất nhiều sản phẩm OCOP chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển, song vẫn chưa đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng.
Điển hình như sản phẩm “Mật ong hoa ban” của HTX Ong mật Điện Biên, mặc dù tham gia Chương trình OCOP từ năm 2019, được xếp loại 4 sao, song việc mở rộng thị trường còn khó khăn.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc HTX, thì nguyên nhân là do HTX quy mô nhỏ, kinh phí hoạt động hạn hẹp nên thị phần sản phẩm trên thị trường còn hạn chế, kể cả khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, HTX chủ yếu bán mật thô cho thương lái các tỉnh miền xuôi, với giá chỉ bằng 1/2 giá trị mật ong thành phẩm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT), cho rằng, “nút thắt” là do liên kết, mở rộng thị trường trong nước và thế giới chưa tốt. Phát triển theo chu trình OCOP cũng là phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, vì thế việc đánh giá, gắn sao cho sản phẩm mới chỉ là bước đầu. Phần tiếp then chốt là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là khâu quan trọng nhất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
>> Để trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm đó phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là chất lượng, vệ sinh, có nguồn gốc. Muốn làm được điều này, việc xây dựng một quy trình sản xuất chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa là giải pháp hiệu quả nhất.
Phan Thảo
Có thể bạn quan tâm
Thứ Bảy, 23/11/2013 15:43 Ngày 22/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã ký quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững".
(Người Chăn Nuôi) - Sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn vào thức ăn cho heo là một hướng đi bền vững giúp cho các hộ nuôi, trang trại nâng cao hiệu quả.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với UBND thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ủ chua rơm dự trữ thức ăn để nuôi bò cho người dân địa phương.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET